Ghê răng, lợm giọng vì nước đá sạch đóng viên

(ANTĐ) - Với quy định nghiêm cấm sử dụng đá cây trong giải khát, ăn uống cho nên các sản phẩm đá viên nghiễm nhiên được sử dụng phổ biến nhất trong ngày hè.
Tuy nhiên, qua thâm nhập một số cơ sở sản xuất loại đá sạch, đá tinh khiết này mới thấy quy trình sản xuất rất bẩn.

 Khu sản xuất bừa bộn, quần áo treo lủng lẳng
 Khu sản xuất bừa bộn, quần áo treo lủng lẳng

Mục sở thị
Trên một đoạn đường ngắn giữa phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), chúng tôi tìm được 2 cơ sở sản xuất đá viên quy mô hộ gia đình. Cả 2 cơ sở này đều nằm sâu trong ngõ nhỏ, hàng ngày từ đây cung cấp ra thị trường cả tấn đá viên. Trong vai khách hàng, chúng tôi trực tiếp thâm nhập để thị sát cơ sở sản xuất đá viên H.V.

Xưởng sản xuất là một gian phòng được quây và lợp bằng tôn, chung vách với ngôi nhà ở khang trang của chủ cơ sở. Phía ngoài cổng là bàn và tủ lạnh chứa đá thành phẩm.

Qua quan sát, máy sản xuất đá đặt ngay cạnh cửa ra vào nhà xưởng, đá thành phẩm từ máy chảy ra đổ xuống một chậu nhôm đặt sát ngay nền gạch. Hai nam thanh niên đang làm việc trong nhà xưởng đều quần đùi, áo cộc, dép lê, không hề có găng tay hay trang phục, phương tiện bảo hộ chuyên biệt theo quy định.

Đá thành phẩm chảy ra đến đâu, một công nhân tay trần cầm túi nilon bao bì hứng đến đó. Bao tải đựng túi nilon này cũng đặt ngay trên nền xưởng. Thỉnh thoảng một phụ nữ bế con gái lại xỏ dép lê đi ra đi vào nhà xưởng, cúi xuống chậu đá thành phẩm, dùng tay trần nhặt, xoa xoa chậu đá như để kiểm tra.

Công nhân sản xuất đá không có đầy đủ trang phục theo quy định 
 Công nhân sản xuất đá không có đầy đủ trang phục theo quy định

Chúng tôi tiếp tục khảo sát tại một cơ sở sản xuất đá viên có quy mô lớn hơn, nằm trên đường Láng (quận Đống Đa). Cơ sở này sản xuất đá viên mang nhãn hiệu K.C, mỗi ngày xuất xưởng đến 5-6 tấn đá với giá 7.000đ/kg. Hàng năm, cơ sở này thường xuyên được các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, nhưng khi chúng tôi thị sát, xưởng sản xuất bừa bộn và bẩn như một nhà kho.

Từ ngoài vào, nền nhà xưởng nhớp nháp nước, một bên là các giàn lọc, máy làm đá, một bên bày ngổn ngang các loại thùng nhựa, bao nilon, giày dép bẩn. Ngay trên nóc các giàn máy lọc nước, làm đá, quần áo của công nhân phơi lủng lẳng. Đúng lúc ra đá, gần chục công nhân cả nam lẫn nữ vây quanh máy không có trang phục theo quy định.

Ngay cả mấy nhân viên vừa đi chở hàng về đến nơi cũng vội xỏ tạm đôi ủng hoặc cứ quần áo, dép lê bụi bẩn đó chạy thẳng vào nhà xưởng. Hàng sản xuất ra không kịp bán nên công nhân ở đây cũng chẳng đóng, hàn bao bì sản phẩm cẩn thận mà buộc luôn đầu túi nilon lại giao cho khách.

Quản lý ra sao?

Theo Sở Y tế Hà Nội, kể từ đầu mùa hè 2011 đến nay, cơ quan này đã tiến hành kiểm tra được hơn 10 cơ sở sản xuất nước đóng chai, đá cây, đá viên. Tuy nhiên chỉ phát hiện một số tồn tại nhỏ về điều kiện vệ sinh cơ sở sản xuất không đảm bảo, trong đó mới có 1 cơ sở ở huyện Chương Mỹ bị xử phạt hành chính với số tiền 12,5 triệu đồng.

Tại tất cả các cơ sở được kiểm tra, đoàn cũng đều lấy mẫu sản phẩm nước, đá viên gửi Trung tâm Y tế dự phòng làm xét nghiệm, tuy nhiên đến nay chưa phát hiện mẫu nước đóng chai, đá viên nào không đảm bảo các chỉ số chất lượng. Vào mùa hè, nhu cầu tiêu thụ đá viên, đá cây tăng mạnh và số cơ sở sản xuất mặt hàng này cũng gia tăng nhanh.

Sở Y tế cho biết sẽ tiếp tục tập trung kiểm tra các mặt hàng này, thế nhưng với thực tế các cuộc kiểm tra và xử lý hiện nay, người dân hoài nghi về tính hiệu quả và sức răn đe đối với các cơ sở sản xuất thực phẩm vi phạm từ phía cơ quan chức năng của nhà nước? Chỉ cần bỏ ra một chút thời gian để trực tiếp thâm nhập vào các cơ sở sản xuất này, chắc hẳn không khó để bắt những vi phạm về VSATTP đang phổ biến.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế huyện Từ Liêm lấy ví dụ, trên địa bàn huyện Từ Liêm hiện có khoảng vài chục cơ sở sản xuất nước đóng chai, đá sạch, trong đó 2/3 là công ty do thành phố cấp phép. Theo quy định thì cơ quan chức năng của huyện chỉ được phép kiểm tra, hậu kiểm với các cơ sở do huyện quản lý, cấp phép còn việc kiểm tra, hậu kiểm định kỳ với các cơ sở do thành phố cấp phép thuộc quyền và trách nhiệm của Sở Y tế. Phía quận, huyện chỉ được kiểm tra các cơ sở do thành phố cấp phép hoạt động trên địa bàn trừ khi đã có manh mối hoặc phát hiện rõ sai phạm tại các cơ sở này. Điều đó khiến cho các cơ sở đăng ký thành lập công ty, do thành phố cấp phép ít khi bị kiểm tra và đương nhiên cũng rất khó quản lý chất lượng với họ.