Gặp mặt thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

ANTD.VN - Chiều 23-1, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức gặp mặt các đại biểu thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979 - 17/2/2019).

Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng phát biểu tại buổi gặp mặt 

Để tri ân những anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh đã tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới cách đây 40 năm, chiều 23-1, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Gặp mặt đại biểu thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Đây là dịp thể hiện sự tri ân, quan tâm chăm lo sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước đối với người có công với cách mạng nói chung và người có công trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc nói riêng.

Phát biểu tại lễ gặp mặt, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng cho biết: "Nhắc đến cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, chúng ta nhìn nhận khách quan và toàn diện hơn tầm vóc ý nghĩa lịch sử, tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đồng thời tôn vinh, tưởng nhớ công ơn của những anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, hy sinh trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ Tổ quốc".

Bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ; biết ơn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Tấn Dũng khẳng định, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của người có công với cách mạng là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.

Với trách nhiệm đó, hệ thống chính sách ưu đãi người có công luôn được bổ sung hoàn thiện phù hợp với từng thời kỳ và điều kiện kinh tế của đất nước.

Hàng năm ngân sách Nhà nước đã dành nhiều nghìn tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ cấp, chính sách ưu đãi về giáo dục, đào tạo, miễn giảm thuế, cải thiện nhà ở, chăm sóc sức khỏe, chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho con em gia đình người có công với cách mạng... Cùng với việc thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công đã trở thành hoạt động thường xuyên và sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân, ở mọi cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội.