Gắn trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị nếu để xảy cháy, nổ

ANTD.VN - Sáng 21-9, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị trực tuyến của Bộ Công an về công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC - CHCN). Đồng chí Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. 

 Nhiều giải pháp an toàn PCCC

Tại đầu cầu Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương nêu rõ tình hình, thực trạng công tác PCCC và CHCN cũng như những kết quả đạt được trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong giai đoạn 5 năm trở lại đây.

Theo đó, Bộ Công an đã trực tiếp tham mưu với Quốc hội, Chính phủ ban hành 1 Luật, 3 Nghị định, trực tiếp ban hành 16 Thông tư; phối hợp với nhiều bộ, ngành liên quan ban hành 9 Thông tư và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực PCCC, CHCN. Qua đó cơ bản hoàn thành hành lang pháp lý trong lĩnh vực PCCC, CHCN, tạo cơ sở vững chắc để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về công tác này.

Các đại biểu dự Hội nghị trực tuyến về công tác PCCC, CNCH tại hội trường CATP Hà Nội

Thiếu tướng Đoàn Việt Mạnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và CHCN, Bộ Công an đã khái quát tình hình công tác PCCC, CHCN trên cả nước trong thời gian qua có diễn biết hết sức phức tạp. Chỉ trong thời gian 6 tháng đầu 2018, cả nước đã xảy ra hơn 2.000 vụ cháy, làm chết 65 người, bị thương 133 người, thiệt hại ước tính trên 1 nghìn tỷ đồng.

Về công tác CNCH, trong 6 tháng đầu năm 2018, lực lượng CNCH đã thực hiện 1.955 vụ, trong đó có 1.390 vụ CNCH trong đám cháy, 228 vụ CNCH dưới nước, 222 vụ CNCH tai nạn giao thông.

Tại điểm cầu trực tuyến Hà Nội, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND - TP đã phát biểu tham luận, nêu rõ khó khăn trong công tác PCCC của thành phố. Theo đó, đối với địa bàn Hà Nội nhiều nhà chung cư cao tầng, trong đó có những công trình xây dựng từ cách đây hàng vài chục năm đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Nhiều công trình ở ví trí địa hình chật hẹp, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển đô thị. Trong khi đó, công tác quy hoạch phát triển đô thi chưa đồng bộ, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các ban - ngành để cùng phối hợp làm tốt công tác PCCC.

Trước diễn biến phức tạp về tình hình cháy, nổ trong thời gian qua, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu lực lượng Công an chủ động các biện pháp phòng ngừa, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về PCCC. Cùng với đó, phối hợp giữa các ban, ngành xây dựng có giải pháp phù hợp, đồng bộ trong công tác xây dựng cơ bản để nâng cao hiệu quả công tác PCCC. Trước mắt lực lượng Công an Hà Nội chủ động kiểm tra, rà soát các công trình tòa nhà cao tầng, đưa ra các giải pháp hiệu quả, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm, hạn chế tối đa thiệt hại về người khi hỏa hoạn xảy ra.

Làm tốt phương châm “4 tại chỗ”

Cháy, nổ đang là vấn đề “nóng” trên cả nước, tuy nhiên nhiều đại biểu dự hội nghị cho rằng thông qua báo cáo số vụ cháy trong các năm vừa qua, các vụ cháy gây thiệt hại lớn chủ yếu tập trung nhiều ở khu vực thành thị, trong đó chủ yếu là cháy nhà dân, cơ sở kinh tế tư nhân và nhà cao tầng, khu đô thị.

Còn tại một số địa phương, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong công tác phòng ngừa còn hạn chế, có nơi vẫn còn tư tưởng “khoán trắng” nhiệm vụ này cho lực lượng Cảnh sát PCCC. Cùng với đó, số lượng cơ sở, công trình thực hiện PCCC ngày càng tăng, gây áp lực lớn cho lực lượng chức năng; chế tài xử phạt trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh nên nhiều chủ đầu tư cố tình chây ỳ, kéo dài không khắc phục các lỗi vi phạm; việc đình chỉ, tạm đình chỉ đối với nhà chung cư, công trình cao tầng vi phạm PCCC gặp khó do ảnh hưởng đến nơi ở, sinh hoạt của người dân. 

Lực lượng Cảnh sát PCCC - CATP Hà Nôi diễn tập PCCC tại tòa nhà cao tầng

Có nhiều ý kiến phát biểu và xin đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong lĩnh vực PCCC, đồng thời chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; xử lý nghiêm, không nể nang, “không có vùng cấm” đối với những trường hợp vi phạm an toàn PCCC.

Trước mắt, để công tác PCCC hiệu quả, ngoài việc nâng cao ý thức chấp hành an toàn PCCC của người dân, đồng thời quy trách nhiệm đối với người đứng đầu để xảy ra cháy nổ. Trong quá trình thực hiện công tác PCCC - CNCH, cần thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư và hậu cần tại chỗ); quan tâm xây dựng lực lượng PCCC cơ sở gắn với đầu tư mua sắm trang thiết bị, bảo đảm ngày càng chính quy, tinh nhuệ, xử lý kịp thời, hiệu quả khi có cháy.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: “Để tạo chuyển biến rõ nét trong công tác PCCC và CNCH cần đẩy mạnh các biện pháp quản lý Nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra để nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lãnh đạo các địa phương trong chỉ đạo công tác PCCC và CNCH. 

Đặc biệt, phải xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân cùng giám sát việc chấp hành; nơi nào để xảy ra cháy lớn, người đứng đầu các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức tự phòng, tự bảo vệ và tham gia PCCC - CNCH trong nhân dân”.