Gần 43.000 tỷ đồng nợ thuế không còn khả năng thu hồi vào ngân sách

ANTD.VN - So với năm 2018, số nợ thuế từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng 8,2%. Tính đến 31-8-2019, tổng số tiền nợ thuế đã lên đến 88.253 tỷ đồng, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng thu hồi vào ngân sách là 42.990 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo trước Quốc hội

Sáng nay, 22-10, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã báo cáo trước Quốc hội liên quan đến việc cần thiết xây dựng Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Theo đó, thời gian qua, với sự nỗ lực của cơ quan quản lý thuế, tỷ trọng tổng nợ trên tổng thu nội địa đã giảm mạnh từ 12,2% năm 2014 xuống còn 6,9% tính đến cuối tháng 8-2019.

Tuy nhiên, tình hình nợ đọng thuế vẫn còn cao. Tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 31-8-2019 là 88.253 tỷ đồng, tăng 8,2% so với thời điểm 31-12-2018, trong đó tiền nợ thuế không còn khả năng nộp ngân sách là 42.990 tỷ đồng, chiếm 48,7% tổng số tiền nợ thuế.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong số nợ đọng thuế nêu trên, theo thống kê, đánh giá của cơ quan quản lý thuế, là do người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, tự giải thể, phá sản, bị thiên tai, thảm họa bất ngờ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.

Cụ thể: Có 1.227 người nộp thuế là người đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền nợ thuế là 362 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 162 tỷ đồng.

Có 23.651 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định với số tiền nợ thuế là 2.230 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 1.028 tỷ đồng.

Có 264 doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, tự phá sản nhưng không làm thủ tục phá sản theo quy định với số tiền nợ thuế là 772 tỷ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 355 tỷ đồng.

Có 771.416 người nộp thuế (trong đó: 191.789 doanh nghiệp, 579.627 hộ gia đình và cá nhân) bỏ địa chỉ kinh doanh không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc đã đăng ký.

Có 46.072 người nộp thuế không còn hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ quan quản lý thuế có văn bản đề nghị cơ quan có thẩm quyền hoặc đã bị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh...

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Luật Quản lý thuế sửa đổi đã quy định đầy đủ các đối tượng được xử lý nợ nhưng đến 1-7-2020 mới có hiệu lực thi hành, vì vậy đối với các khoản nợ phát sinh trước ngày 1-7-2020 không được hồi tố để xử lý.

Mặt khác, Luật Quản lý thuế hiện hành quy định 3 trường hợp được xóa nợ thuế nhưng phải đáp ứng được điều kiện là phải thực hiện tuần tự các biện pháp cưỡng chế nợ và khoản nợ thuế đủ 10 năm. Luật cũng không có quy định khoanh nợ.

Trước thực trạng đó, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh, Chính phủ thấy cần thiết phải báo cáo Quốc hội cho cơ chế để xử lý nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để xử lý nợ tồn đọng trước ngày 1-7-2020.

Trong đó, tại dự thảo Nghị quyết về vấn đề này, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Thủ trưởng cơ quan quản lý thuế quyết định việc khoanh nợ. Đối với doanh nghiệp và tổ chức, Thủ tướng quyết định xóa nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 15 tỷ đồng trở lên. Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định xoá nợ đối với trường hợp nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp từ 10 tỷ đồng đến dưới 15 tỷ đồng…

Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải thống nhất với sự cần thiết ban hành nghị quyết song đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ hơn về trách nhiệm chủ quản của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để xảy ra tình trạng nợ đọng thuế lớn, kéo dài qua nhiều năm.

Đồng thời, báo cáo rõ việc khoanh nợ, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với các khoản nợ liên quan đến tiền sử dụng đất, tiền thuê đất… theo nghị quyết này và có đánh giá tác động cụ thể.