Gần 1.000 cơ sở vi phạm liên quan đến an toàn PCCC: Cần khắc phục trong thời gian sớm nhất

ANTD.VN - “Nhận diện nguyên nhân đồng thời đưa ra giải pháp nhằm hạn chế tối đa các vụ cháy cũng như thiệt hại do cháy gây ra”, đây là chỉ đạo của Thiếu tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP Hà Nội tại Hội nghị sơ kết đánh giá tình hình kết quả công tác PCCC và CNCH.

Gần 1.000 cơ sở vi phạm liên quan đến an toàn PCCC: Cần khắc phục trong thời gian sớm nhất ảnh 1Cán bộ PCCC Nam Từ Liêm (Hà Nội) kiểm tra phương tiện chữa cháy ở một doanh nghiệp

Nhấn mạnh tình hình cháy nổ có diễn biến phức tạp trong thời gian qua; đặc biệt một số vụ cháy đã gây thiệt hại nghiệm trọng về người và tài sản, làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, ANTT, TTATXH, người đứng đầu CATP yêu cầu lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH chủ động, tăng cường các biện pháp, xây dựng kế hoạch thực hiện tổng kiểm tra công tác PCCC và CNCH nhằm nâng cao hiệu quả công tác.

Theo đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH- CATP đã tổ chức kiểm tra hàng nghìn công trình, cơ sở, chung cư cao tầng trên toàn địa bàn thành phố. Qua đó đã phát hiện gần 1.000 cơ sở, công trình, trung tâm thương mại vi phạm về an toàn PCCC. Điển hình qua kiểm tra phát hiện hàng loạt vi phạm về PCCC tại công ty United Motor Việt Nam. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện các hạng mục nhà xưởng, kho hiện hữu (nhà xưởng số 3,4,5 và khối văn phòng) chưa thẩm duyệt và nghiệm thu về PCCC (nằm trong đối tượng điều chỉnh theo Nghị quyết số 05/2017/NQ-HĐND ngày 4-7-2017 của HĐND thành phố Hà Nội). Cơ sở tự chuyển đổi công năng sử dụng nhưng chưa lập hồ sơ trình cơ quan Cảnh sát PCCC thẩm duyệt theo quy định, diện tích khoang cháy không đảm bảo theo quy định. Trong đó việc sắp xếp nguyên vật liệu, hàng hóa thành phẩm không theo lô không đảm bảo khoảng cách với các thiết bị điện và khả năng ngăn cháy lan.

Vi phạm về lối thoát nạn: Cửa trên đường thoát nạn bị mở ngược chiều; chưa niêm yết sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn tại cơ sở.

Về hệ thống, phương tiện PCCC: Chưa trang bị, trang bị không đầy đủ các hệ thống PCCC tại cơ sở theo quy định. Một số phương tiện không đảm bảo khả năng sử dụng khi có sự cố cháy nổ (Hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, phương tiện chiếu sáng sự cố, chỉ dẫn thoát nạn).

Đường dây dẫn điện lắp đặt trong kho, xưởng chưa đi trong ống gen, các điểm đấu nối không đảm bảo kỹ thuật và an toàn PCCC.

Tại buổi kiểm tra, đoàn kiểm tra liên ngành đã lập biên bản ghi nhận và yêu cầu cơ sở tổ chức khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm về PCCC .

Ngoài những công trình lớn, còn có nhiều cơ sở kinh doanh chất tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao như các cơ sở kinh doanh gas Bảo Tín,  Bảo Trung tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm...

Cơ quan chức năng đã yêu cầu tất cả các chủ cơ sở, chủ đầu tư dự án vi phạm về an toàn PCCC cần có giải pháp, khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Trung tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội: Đã lập danh sách cơ sở vi phạm an toàn PCCC để xử lý nghiêm

Gần 1.000 cơ sở vi phạm liên quan đến an toàn PCCC: Cần khắc phục trong thời gian sớm nhất ảnh 2

Triển khai nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công an, Thành uỷ, HĐND, UBND.., CATP đã xây dựng Kế hoạch thực hiện tổng kiểm tra công tác PCCC và CNCH nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCC và CNCH.

Về kết quả công tác PCCC và CNCH trên địa bàn, từ ngày 1-9 đến ngày 15-11-2018, thống kê cho thấy trên toàn thành phố xảy ra 182 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Trong đó có 99 vụ nguyên nhân do chập điện; 14 vụ do sơ suất sử dụng lửa; 5 vụ do rò rỉ gas; 1 vụ do hàn cắt…

Trung tá Phạm Trung Hiếu cũng cho biết, ngay sau khi sáp nhập Cảnh sát PCCC và CNCH  vào CATP Hà Nội, các đơn vị đã nhanh chóng ổn định tổ chức bộ máy, bố trí sắp xếp cán bộ, phân công nhiệm vụ…

Thực hiện chỉ đạo của CATP Hà Nội, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã phối hợp với các quận, huyện kiểm tra rà soát an toàn PCCC, qua đó phát hiện gần 1.000  cơ sở, kho xưởng, công trình… chưa đủ điều kiện và vi phạm về PCCC. Về các trường hợp vi phạm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã lập hồ sơ danh sách báo cáo Ban Giám đốc CATP có biện pháp xử lý nghiêm.

Đại tá Nguyễn Trường Sơn, Phó Trưởng CAQ Cầu Giấy, Hà Nội: Tuyên truyền cho dân theo biện pháp “mưa dầm thấm lâu”

Gần 1.000 cơ sở vi phạm liên quan đến an toàn PCCC: Cần khắc phục trong thời gian sớm nhất ảnh 3

“Với thực trạng hạ tầng đô thị hiện nay tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Trong đó có nhiều nguyên nhân, ngoài ý thức người dân còn phải nói đến vấn đề lịch sử của công trình hoặc cơ sở vi phạm. Ví dụ như các khu tập thể cũ, hoặc công trình xây dựng từ những năm 1990 về trước thì quy định bắt buộc về PCCC khác với bây giờ, chính vì thế mà cần phải xác định rõ để đưa ra giải pháp thiết thực cụ thể. Ví dụ đối với một số khu nhà tái định cư trên địa bàn quận Cầu Giấy, việc yêu cầu thực hiện các quy định PCCC theo quy định mới là khó có thể thực hiện, tuy nhiên vẫn có giải pháp từ việc rà soát thực tế. Cùng với đó là việc nâng cao nhận thức của người dân, trước hết họ phải nắm bắt được những kiến thức cơ bản về an toàn PCCC. Lực lượng PCCC chỉ có biện pháp “mưa dầm thấm lâu” mới đạt được kết quả như ý muốn, thông qua các buổi tuyên truyền, hướng dẫn tại các khu dân cư cơ sở”.

Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng CAQ Bắc Từ Liêm: Làm sao để PCCC trở thành nguyên tắc sống của người dân

Gần 1.000 cơ sở vi phạm liên quan đến an toàn PCCC: Cần khắc phục trong thời gian sớm nhất ảnh 4

“Mỗi vụ cháy xảy ra gây thiệt hại dù lớn dù nhỏ đối với chúng tôi cũng là bài học đắt giá. Nhận thức rõ nhiệm vụ quan trọng chúng tôi đã làm với trách nhiệm và tinh thần cao nhất để hạn chế tối đa các vụ cháy cũng như thiệt hại do cháy xảy ra. 

Có thể nói, trong bối cảnh đất nước không ngừng xây dựng và phát triển thì công tác PCCC càng chiếm giữ một vai trò quan trọng. Ít có loại tai nạn nào mà cùng lúc có thể gây thiệt hại lớn về tính mạng và tài sản như trong các vụ hỏa hoạn. Tại các đô thị, sự xuất hiện ngày càng nhiều các công trình nhà cao tầng, công trình ngầm, các trung tâm thương mại, bệnh viện, trường học, các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, các trạm xăng, dầu trong nội đô… nguy cơ cháy, nổ là rất lớn và hậu quả khôn lường. Trong khi đó nguyên nhân dẫn đến cháy, ban đầu chỉ bắt nguồn từ một đốm lửa nhỏ, một sự cố chập điện bình thường hoặc từ những bất cẩn của con người… không được phát hiện, xử lý kịp thời dẫn đến bùng phát thành đám cháy dữ dội.

Việc đảm bảo các trang thiết bị, điều kiện nhân lực, vật lực về an toàn PCCC tại các công sở, cơ quan, đơn vị, khu dân cư một số nơi chỉ làm chiếu lệ, qua loa, mang tính đối phó. Không ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nhiều khi chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà quên đi biện pháp bảo vệ an toàn cho tính mạng người lao động và tài sản của mình. Vì vậy, để đảm bảo an toàn PCCC là việc phải được làm thường xuyên, liên tục, đồng đều, rộng khắp ở các địa phương. Ở các đô thị lớn, đông dân cư thì cháy rất dễ trở thành thảm họa, việc phòng cháy vì thế cần phải trở thành một nguyên tắc sống, ăn sâu bám rễ vào ý thức của từng người dân.