Game thủ Pokemon Go: Phá hoại dữ liệu bản đồ, lơ đễnh với phần mềm gián điệp

ANTD.VN - Phá hoại dữ liệu bản đồ trên Google Maps Việt, tiềm ẩn nguy cơ lộ lọt thông tin và nhiều hệ lụy khác như: tai nạn giao thông, nghiện game… là mặt trái của trò chơi đang gây sốt tại Việt Nam - Pokemon Go. 

Game thủ Pokemon Go: Phá hoại dữ liệu bản đồ, lơ đễnh với phần mềm gián điệp ảnh 1Nhiều tác hại khó lường khi game thủ Pokemon Go thay đổi dữ liệu bản đồ

Phá hoại dữ liệu bản đồ Việt Nam

Ngày 10-8, cộng đồng Google Map Maker Việt Nam cho biết, người chơi game Pokemon Go đang phá hoại nghiêm trọng nguồn dữ liệu bản đồ Việt Nam trên Google Maps khi cố tình tạo nhiều vị trí ảo để săn Pokemon. Theo anh Lê Bách - người xưng là trưởng nhóm Google Map Maker Việt Nam, những ngày qua, sau khi một trang thông tin hướng dẫn cách bổ sung địa điểm, rất nhiều người đã thay đổi các thông tin từ các địa điểm chính thức đã được xác nhận thành… nhà mình. Có nơi cách xa vị trí thực hàng nghìn cây số.

Đơn cử, có người chơi “nhấc” Đại học Hàng Hải Việt Nam tại Hải Phòng về đặt ở quận 1, TP.HCM. Công viên Nghĩa Đô (Cầu Giấy - Hà Nội) bị di chuyển vị trí về nhà người chơi Pokemon. Nhóm Google Map Maker Việt Nam đã phát hiện sớm và chuyển công viên về vị trí cũ. Tuy nhiên, còn rất nhiều địa điểm khác khi người dùng bổ sung mới đã được xét duyệt ngay, bởi đội ngũ Google Map nước khác không thông thạo địa điểm, ngôn ngữ tại Việt Nam. “Người chơi cũng tạo ra nhiều vị trí giả mạo danh lam, thắng cảnh.. Bổ sung các vị trí không có thật nhằm cố tình thu hút Pokemon, nhưng người dùng không biết rằng việc tạo các vị trí giả mạo đang tạo nên một bản đồ thiếu chất lượng” - đại diện cộng đồng Google Map Maker Việt Nam cho biết. 

Từ sự ham mê quá độ một trò chơi ảo trên mạng, người chơi đã phá hoại những dữ liệu quan trọng. Google Maps là công cụ hữu hiệu đối với người tham gia giao thông, khách du lịch… Quan trọng hơn, trong những tình huống cấp cứu khẩn cấp, sẽ ra sao nếu mọi con đường, địa điểm được chỉ dẫn trên Google Maps đều sai lệch?

Trước thông tin của cộng đồng Google Map Maker Việt Nam, cộng đồng mạng đã lên tiếng phản đối việc cho phép lưu hành Pokemon Go tại Việt Nam. Bạn đọc Minh Hà (Hà Nội) cho biết: “Nước ta nên cấm luôn trò chơi này. Nhảm nhí quá rồi”. Không chỉ cộng đồng mạng sôi sục tẩy chay Pokemon Go mà ngoài đời thực, nhiều người cũng bày tỏ sự bất bình khi trên các tuyến phố, bỗng nhiên có đến hàng chục người tay cầm điện thoại dơ lên, tiến về phía trước như người mộng du… để săn Pokemon. Một số tai nạn đáng tiếc đã xảy ra. Đây là lần đầu tiên một trò chơi điện tử bị chính người dân nhanh chóng kêu gọi cấm cho lưu hành tại Việt Nam, thay vì quyết định áp đặt của cơ quan quản lý. 

Nguy cơ lộ lọt thông tin

Mới chỉ được phát hành tại Việt Nam từ ngày 6-8, nhưng Pokemon Go nhanh chóng trở thành một cơn sốt. Trước khi bị phát hiện phá hoại dữ liệu bản đồ Google Maps Việt, Pokemon Go dính nghi án có cài phần mềm gián điệp. Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Tuấn Anh - Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của Bkav cho biết, ứng dụng Pokemon Go yêu cầu người chơi phải bật tính năng định vị (GPS) và camera.

Điều đó cũng có nghĩa với việc tập hợp các vị trí và hình ảnh quanh khu vực Pokemon xuất hiện, nhà sản xuất game có thể dựng lại thông tin bản đồ, địa hình thực tế. “Dữ liệu thu được nếu bị dùng vào mục đích xấu sẽ biến Pokemon Go trở thành một phần mềm gián điệp nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu chỉ có như vậy mà khẳng định Pokemon Go có cài phần mềm gián điệp thì chưa đủ”- ông Ngô Tuấn Anh nói.

Mặc dù vậy, người chơi vẫn có thể gặp phải một số rủi ro về an ninh mạng như: cài đặt nhầm các ứng dụng giả mạo và đối mặt với nguy cơ bị mã độc tấn công… Bkav đã phân tích một số ứng dụng Pokemon Go giả mạo và  tìm thấy mã độc có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị Android của người dùng. Do đó, người dùng chỉ nên tải các ứng dụng của nhà phát triển có uy tín trên các kho phần mềm chính thống để tránh trở thành nạn nhân của ứng dụng giả mạo.

Theo đại diện của Bkav, việc sử dụng email để đăng nhập không tiềm ẩn nguy cơ đối với người dùng. Trên Android, đây là một dịch vụ của Google có tên Single Sing-On (SSO) cung cấp làm cơ chế xác thực cho các ứng dụng. Đối với lo ngại ứng dụng Pokemon Go bị cài mã độc, ông Ngô Tuấn Anh nhấn mạnh: “Hiện nay Pokemon Go đã có bản chính thức tại Việt Nam, do đó nguy cơ các đối tượng xấu đưa ra các ứng dụng nhái Pokemon Go để lừa, dụ người dùng sử dụng nhằm phát tán mã độc đã giảm bớt song khả năng nhiễm mã độc vẫn còn”.