Ế ẩm chợ lao động cuối năm

(ANTĐ) - Nông nhàn, thiếu việc làm ở nhiều địa phương khiến lao động đổ xô ra Hà Nội tìm việc. Điều này không mới nhưng lâu nay chưa có một cơ quan chức năng hay địa phương nào thực hiện việc quản lý chịu trách nhiệm chính. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới ANTT.

Ế ẩm chợ lao động cuối năm

(ANTĐ) - Nông nhàn, thiếu việc làm ở nhiều địa phương khiến lao động đổ xô ra Hà Nội tìm việc. Điều này không mới nhưng lâu nay chưa có một cơ quan chức năng hay địa phương nào thực hiện việc quản lý chịu trách nhiệm chính. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới ANTT.

Người nhiều, việc ít

Từ rất sớm nhiều lao động đã tụ tập thành các tụ điểm chờ việc làm

Từ rất sớm nhiều lao động đã tụ tập thành các tụ điểm chờ việc làm

Dạo quanh một số chợ lao động của Hà Nội như: ngã ba chợ Bưởi, chợ Phùng Khoang, đường Phạm Ngọc Thạch, cầu vượt Phạm Hùng - Xuân Thuỷ… Có thể thấy rõ tình trạng “ế ẩm” này. Người lao động túm năm, tụm ba ngồi “buôn” chuyện, người đứng, kẻ ngồi, không ít người lấy tay che miệng ngáp dài, khuôn mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi. Thi thoảng mới có một, hai chiếc xe máy tấp vào lề đường, tất cả nhao lên, bỏ luôn dép đang kê ngồi dáo dác chạy ra bám lấy tay khách xin việc, mặc cả, phát giá...

Chị Nguyễn Thị Đông, 50 tuổi, quê ở Giao Thuỷ, Nam Định than thở: “Cuối năm công việc ít lắm em ơi, có khi ngồi cả ngày cũng chẳng ai thuê, đã mấy ngày nay rồi chị chưa kiếm được đồng nào”. Theo những người lao động ở đây lâu năm thì một năm chỉ có khoảng 7 - 8 tháng là nhiều việc, thường là mấy tháng đầu năm. Lúc đó nhiều gia đình xây, sửa nhà cửa. Mấy tháng cuối năm ít việc, nếu có thì cũng chỉ là những việc lặt vặt, tiền công không được là bao.

Ế khách, việc không có, nhưng lao động vẫn phải gánh những khoản chi tiêu hàng ngày. Hầu hết là lao động ngoại tỉnh, ngày đi làm, tối họ lại tập trung trong những khu nhà trọ để nấu ăn và nghỉ qua đêm. Đó thường là những dãy nhà lụp xụp, dột nát, mất vệ sinh và cũng mất an ninh trật tự.

Nỗi lo về một cái Tết

Chị Trần Thị Vinh, quê ở Tiền Hải, Thái Bình, gắn bó với chợ lao động đã 5 năm nay. Do ở quê ít ruộng, cấy không đủ ăn, sau mỗi vụ mùa chị lại thu xếp việc nhà lên Hà Nội kiếm việc làm thêm. Năm nay, cả hai vợ chồng chị đều đi. Nhà cửa và hai đứa con nhỏ chị phải nhờ ông bà ngoại trông nom. Một năm anh chị đi làm chừng 10 tháng, chỉ đến Tết hay khi nào ở quê có việc cần thì anh chị mới về. Hai anh chị thuê một căn phòng trọ rộng chừng 10m2 trong khu Văn Mỗ với giá 700 nghìn đồng/tháng. Mỗi tháng trừ tiền ăn, ở, chi tiêu anh chị cũng để ra được khoảng 1,5 đến 2 triệu đồng gửi về nuôi con.

Chị Vinh tâm sự: “Số tiền này ở nhà quê là lớn lắm, nên dù cuộc sống ở đây có vất vả một chút, nhưng hai vợ chồng tôi vẫn phải cố gắng bám trụ để kiếm tiền nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống”. Nhắc đến Tết, chị Vinh rơm rớm nước mắt: “Tết năm ngoái mãi đến 29 Tết chúng tôi mới về quê, việc ít, tiền không có. Số tiền mang về chỉ đủ mua một ít đồ biếu ông bà hai bên và quần áo của hai cháu. Nhìn Tết sơ sài của nhà mình mà thương các con lắm nhưng cũng đành chịu”.

Khi nghe được những tâm sự của chị Vinh, rất nhiều các chị phụ nữ đứng gần đấy cũng không nén được tiếng thở dài. Ngày Tết đối với những người lao động xa quê không chỉ là một niềm an ủi mà còn là một động lực để làm việc. Làm việc quần quật cả năm trời cũng chỉ mong đến Tết có tiền mua gạo gói bánh chưng, mua quà biếu họ hàng, mua cho con bộ quần áo mới, sang nữa thì mua cho nhà một cây quất, cành đào cho có không khí Tết. Tình trạng ế ẩm khách như năm nay, thì có lẽ cái Tết đối với họ sẽ còn khó khăn hơn nhiều.

Phương Hà