Duy trì phân ban ít nhất đến năm 2015
(ANTĐ) - Đánh giá 3 năm thực hiện chương trình, sách giáo khoa THPT theo hướng phân ban, điều khiến nhiều người quan tâm là sự chênh lệch quá lớn trong việc lựa chọn theo học các ban của học sinh THPT. Cá biệt, có những nơi chỉ duy trì duy nhất ban cơ bản thay vì triển khai 2 ban chuyên biệt Khoa học xã hội và Khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT khẳng định, chỉ xóa sổ ban nào không còn người học và sẽ chưa có thay đổi lớn về phân ban ít nhất đến năm 2015.
- PV: Số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy xu hướng lựa chọn ban cơ bản chiếm phần lớn so với 2 ban còn lại, theo ông là vì lý do gì?
- Ông Nguyễn Vinh Hiển: Học sinh hiện nay càng ngày càng có xu hướng chỉ chọn ban cơ bản vì học không quá vất vả mà khi tham gia các kỳ thi cũng vẫn đáp ứng được. Ngoài ra, khi học ban cơ bản, học sinh vẫn có thể học nâng cao các môn tự chọn. Ban cơ bản hướng tự chọn nhiều hơn, linh hoạt hơn, phù hợp nhiều đối tượng khác nhau hơn so với 2 ban kia.
- PV: Vậy theo ông có nên chỉ duy trì ban cơ bản không?
- Ông Nguyễn Vinh Hiển: Hiện tại tôi chưa thể nói ngay được điều này. 3 ban đó vẫn tồn tại và vẫn có học sinh học dù chênh lệch. Chỉ có thể bỏ ban nào đó khi không có ai học, còn người học thì vẫn còn tồn tại. Chương trình phân ban chưa có gì thay đổi cho đến khi ít nhất có chương trình mới, cho đến năm 2015.
Học gì thi nấy khiến sự lựa chọn phân ban của thí sinh không đạt như mong đợi |
- PV: Nhưng với tỷ lệ chênh lệch quá lớn về ban cơ bản chứng tỏ mục đích phân hóa của Bộ không được như ban đầu đặt ra?
- Ông Nguyễn Vinh Hiển: Ban đầu chúng tôi cũng không đặt ra số lượng mỗi ban là bao nhiêu, chỉ tạo ra những cơ hội khác nhau cho học sinh lựa chọn phù hợp với nguyện vọng của mình và ở khía cạnh nào đó là phù hợp với điều kiện giảng dạy của nhà trường.
- PV: Vậy Bộ có tính đến chuyện điều chỉnh chương trình phân ban hiện nay?
- Ông Nguyễn Vinh Hiển: Chưa có thay đổi về số lượng các ban nhưng Bộ sẽ có điều chỉnh tự chọn trong từng ban. Bộ GD-ĐT đã tính đến việc học tự chọn nâng cao theo khối thi ĐH, chính vì vậy ban cơ bản đã có sự phân hoá theo A,B,C,D. Học sinh có thể chọn 1-2 môn nâng cao, có thể chọn cơ bản đối với những em thấy khả năng không thể thi đỗ ĐH thì không cần học nâng cao.
- PV: Ông đánh giá thế nào về ý kiến cho rằng việc học sinh chủ yếu lựa chọn ban cơ bản vì thiếu động lực khuyến khích học ban nâng cao do cách thi hiện nay?
- Ông Nguyễn Vinh Hiển: Thi tốt nghiệp THPT yêu cầu kiến thức rất cơ bản, còn nâng cao đáp ứng những nguyện vọng riêng của học sinh, theo sở trường, ý thích và khối thi mà học sinh lựa chọn. Học nâng cao là để phân hóa học sinh. Chính những môn học nâng cao sẽ là định hướng nghề nghiệp cho học sinh sau này.
- PV: Phải chăng nguyên nhân chương trình phân ban không thành công là do sự thay đổi chưa kịp của phương pháp tuyển sinh ĐH?
- Ông Nguyễn Vinh Hiển: Đó là nguyên nhân nhưng không phải là nguyên nhân cơ bản nhất.
- PV: Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2009, Bộ yêu cầu học sinh học ban nào phải làm phần đề dành riêng cho ban đó nhưng trên thực tế lại không kiểm soát được học sinh có làm đúng phần đề quy định hay không. Vậy kỳ thi tốt nghiệp năm học này Bộ dự kiến giải quyết như thế nào?
- Ông Nguyễn Vinh Hiển: Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và đưa ra kết luận chính thức vào hội nghị về thi, tuyển sinh.
- PV: Sắp tới khi chỉ còn một kỳ thi THPT quốc gia thì liệu có tiếp tục duy trì chương trình phân ban như hiện nay?
- Ông Nguyễn Vinh Hiển: Chúng tôi chưa đặt ra giả thiết này. Sau 3 năm dạy học phân hóa có giải pháp phân ban và tự chọn, chúng tôi thấy rằng cả 3 ban đều có học sinh theo học, trong ban cơ bản cũng có những lựa chọn học nâng cao khác nhau chứng tỏ rằng cách dạy học phân hóa kết hợp với phân ban đã đáp ứng được nguyện vọng của nhiều đối tượng học sinh khác nhau.
Vinh Hương (Ghi)