Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông: Hết đội vốn lại lo “lụt” tiến độ

ANTĐ - Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Thủ đô Cát Linh- Hà Đông được kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu ùn tắc, chia sẻ lưu lượng tham gia giao thông trên trục phía Tây. Tuy vậy, không chỉ ồn ào về việc đội vốn hơn 300 triệu USD mà tuyến đường sắt này đang “lụt” tiến độ, khó về đích vào năm 2015.

Người dân Thủ đô tiếp tục phải chờ tuyến đường sắt trên cao đầu tiên

Nhiều hạng mục bị chậm

Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ xây dựng 13km đường sắt trên cao và 1,7km đường sắt vào khu depot. Thời gian thực hiện dự án được phê duyệt từ tháng 11-2008 đến 11-2013. Do nhiều vướng mắc, đến tháng 10-2011 dự án mới được khởi công. Theo kế hoạch ban đầu, tuyến đường sắt này sẽ khai thác vào quý II- 2015, sau đó tiếp tục được gia hạn đến tháng 12-2015. Tuy vậy, đến nay, chủ đầu tư thừa nhận, mục tiêu hoàn thành vào năm 2015 là không thể thực hiện được. 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Ban QLDA đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ GTVT) - Chủ đầu tư dự án, một số đoạn, hạng mục việc bàn giao mặt bằng rất chậm. Cụ thể, ga Cát Linh còn hơn 60 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng do đang chờ tiền bổ sung từ nguồn đối ứng của Chính phủ, dự kiến trong tháng 8 mới bố trí được số tiền này. Trụ đường sắt đi qua phường Thịnh Quang-Láng vẫn còn 16 hộ dân chưa dỡ nhà để đơn vị vào thi công bởi chưa bố trí được nhà tái định cư cho số hộ trên. “Dù Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản chỉ đạo chậm nhất đến tháng 3-2014 phải bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nhưng đến giờ vẫn chưa hoàn thành. Ban QLDA đô thị (Sở Xây dựng Hà Nội) cam kết tháng 8 mới hoàn trả mặt bằng sạch để thi công,” ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết. Cũng theo đại diện chủ đầu tư, tất cả các hạng mục của dự án đều chậm so với tiến độ vài ba tháng, thậm chí có hạng mục còn chậm hơn nhiều.

Cụ thể là, tháng 12-2014, nhà thầu phải thi công xong lao dầm, cầu cạn không gian nhưng đến nay mới đúc được 206/806 phiến. Hiện, mỗi ngày nhà thầu đúc được 2 phiến dầm, nếu tính đúc 600 phiến thì mất tới 10 tháng trong khi theo tiến độ chỉ còn 5 tháng. Đúc dầm chưa xong dẫn đến công tác lao, lắp dầm cũng giậm chân tại chỗ. Hoặc ga Cát Linh là công trình phức tạp, thời gian thi công lâu nhưng đến nay cũng chưa có mặt bằng.

Vẫn chưa chọn được đơn vị đóng tàu

Bên cạnh đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có sự ràng buộc theo Hiệp định vay vốn ưu đãi ODA Trung Quốc khi nước này quy định thực hiện theo hình thức tổng thầu EPC (thiết kế - cung ứng vật tư, thiết bị - xây dựng) là Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc thực hiện áp dụng công nghệ, tiêu chuẩn và thi công. Đây là hình thức mới ở Việt Nam, bản thân Tổng thầu Trung Quốc-nhà thầu chính cũng chưa có kinh nghiệm về hình thức này trong lĩnh vực đường sắt đô thị. 

Để thúc đẩy tiến độ, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Ban QLDA đường sắt hàng ngày phải rà soát, yêu cầu lập lại tiến độ khả thi nhất, đồng thời “cắm” người tại công trường thường xuyên để đốc thúc thi công. Sau nhiều lần đốc thúc từ Chính phủ đến Bộ GTVT, hiện Tổng thầu Trung Quốc đã phối hợp với Ban QLDA đường sắt để các nhà thầu phụ thi công. Đây là lần đầu tiên kể từ khi triển khai dự án đến nay, Tổng thầu Trung Quốc cử chuyên gia sang để hoàn thiện hồ sơ thiết kế, dự toán. Ông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Trong quá trình triển khai dự án, các nhà thầu phụ thực hiện thi công không đảm bảo sẽ bị thay thế. Ngày 29-7 vừa qua, Ban QLDA đường sắt đã đề nghị Tổng thầu thay thế 3 nhà thầu phụ, gồm Tổng công ty xây dựng Thành An do lỗi thi công quá chậm, Công ty xây lắp điện nước, nhà thầu phụ HAJICO”. Tuy vậy, về tiến độ hoàn thiện của tuyến đường sắt này, chủ đầu tư cho biết, việc xây lắp nhà ga, đường tàu cuối 2015 sẽ xong. Nhưng, để đưa vào vận hành toàn tuyến khả thi nhất phải giữa năm 2016 do thời gian đóng đoàn tàu phải mất 18 tháng, trong khi hiện tại Tổng thầu Trung Quốc vẫn chưa lựa chọn đơn vị đóng đoàn tàu.

Trong cuộc họp về tiến độ dự án tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông mới đây, Bộ GTVT đề nghị Tổng thầu EPC tăng cường nhân lực, thiết bị để bù tiến độ bị chậm. Bản thân Ban QLDA đường sắt vừa qua cũng đã được củng cố lại nhân sự, thay Giám đốc Ban QLDA mới do không hoàn thành nhiệm vụ.