Đường sắt đô thị "mẫu" Cát Linh - Hà Đông: Cuối 2016 vẫn khó "chốt"

ANTĐ - Dù mới đây Chính phủ đã chốt tiến độ cuối cùng cho dự án đường sắt trên cao đầu tiên Cát Linh - Hà Đông đến ngày 30-6-2016 hoàn thành, cùng với đó là chốt tổng mức đầu tư của dự án nhưng Bộ GTVT đang xin Chính phủ tháo gỡ hàng loạt khó khăn, vướng mắc của hợp đồng EPC vì nhiều khả năng, tiến độ dự án sẽ phải tiếp tục gia hạn, kéo dài đến hết năm 2016.
Đường sắt đô thị "mẫu" Cát Linh - Hà Đông: Cuối 2016 vẫn khó "chốt" ảnh 1

Tuyến đường sắt trên cao “mẫu” một thời gian dài là “thủ phạm” gây ùn tắc, mất ATGT của Thủ đô

Tổng thầu kém nhưng không thể thay

Báo cáo Chính phủ về tiến độ của dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, mới đây, ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay, sau nhiều lần chấn chỉnh, nhất là sau khi Phó Tổng giám đốc Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc (Tổng thầu EPC) đã sang Hà Nội, trực tiếp chỉ đạo thì dự án đã có những chuyển biến tích cực. Hoạt động xây dựng từng bước ổn định, tiến độ chất lượng công trình được cải thiện. Tiến độ dự án đến đầu tháng 8-2015 đã đạt 58%, cụ thể như hoàn thành 413/419 trụ cầu, 100% trụ nhà ga đã hoàn thành, lao lắp 442/806 phiến dầm giản đơn, 331/1.216 cọc khoan nhồi.

 Đoàn tàu đang được Tổng thầu và nhà sản xuất chế tạo, dự kiến tháng 10 sẽ có đoàn tàu mẫu về nước. Tháng 9-2015, Bộ GTVT sẽ cử 1 đoàn sang kiểm tra thiết kế cũng như tiến độ sản xuất đoàn tàu mẫu. “Tuy nhiên, tiến độ vẫn chậm so với kế hoạch và cần phải có các giải pháp mạnh để tháo gỡ”, ông Nguyễn Ngọc Đông nhìn nhận.

Lãnh đạo Bộ GTVT cho hay, so với hợp đồng, đến nay dự án đã chậm 19 tháng và khả năng còn phải kéo dài đến hết năm 2016. Nguyên nhân theo đánh giá của ông Nguyễn Ngọc Đông là do: “Năng lực của Tổng thầu EPC và Tư vấn giám sát không đáp ứng được yêu cầu, nhưng Bộ GTVT không thể thay thế được vì bị ràng buộc bởi điều kiện của bên tài trợ vốn. Hơn nữa, việc lập hợp đồng EPC trước đây thiếu chặt chẽ, không xác định được khối lượng và giá trị mà ký kết dựa trên giá trị tạm tính. Ban QLDA và chủ đầu tư (ban đầu là Cục Đường sắt) thiếu kinh nghiệm trong quản lý dự án theo hình thức hợp đồng EPC”. 

Lý giải rõ hơn về việc này, ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cho hay, việc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị kéo dài, chậm so với hợp đồng là do “lịch sử để lại”. “Khi chúng ta ký kết hợp đồng EPC tức là chìa khóa trao tay, Tổng thầu EPC sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn thành toàn bộ dự án, chúng ta chỉ tiếp nhận, kiểm tra chất lượng, tiến độ. Nhưng suốt những năm qua, việc thực hiện hợp đồng EPC đã đi chệch hướng khiến phát sinh mâu thuẫn giữa hai bên không thể giải quyết được”, ông Triệu Khắc Dũng nhận định. 

Cụ thể, khi ký kết, Hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ dựa trên hợp đồng tạm tính, chưa có thiết kế kỹ thuật của dự án. Cũng vì vậy, từ năm 2008 đến nay, thiết kế kỹ thuật chi tiết của nhiều hạng mục hai bên vẫn chưa thể duyệt được. 

Tháo gỡ khó khăn, đưa dự án về đích

Cũng bởi sự phức tạp của dự án cũng như sự đi lệch so với bản chất của hợp đồng EPC suốt 7 năm qua, Bộ GTVT vừa báo cáo Chính phủ xin tháo gỡ, đưa dự án về đúng bản chất của hợp đồng EPC, khoán trọn gói. Phía Việt Nam sẽ không can thiệp vào thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết mà chỉ quản lý, giám sát chung toàn bộ tiến độ, chất lượng của dự án.

Tổng thầu EPC tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ giá thành, chất lượng, tiến độ, an toàn khi đưa và khai thác và an toàn lao động trên công trường. Khi dự án hoàn thành, sẽ thuê một đơn vị kiểm định độc lập của nước ngoài vào kiểm định, nếu chất lượng công trình đảm bảo mới cho nghiệm thu. Mặc dù, đề xuất này của Bộ GTVT chưa được Chính phủ thông qua, nhưng theo Bộ GTVT đây là hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn duy nhất để đưa dự án về đích.

Theo ông Triệu Khắc Dũng, tiến độ Thủ tướng chốt ngày 30-6-2016 phải hoàn thành chỉ là tiến độ cứng, tức tiến độ xây dựng của dự án nhưng sau đó, còn phải đưa đoàn tàu vào vận hành thử, kiểm tra an toàn. Giai đoạn này phụ thuộc rất nhiều yếu tố từ chất lượng công trình đến người quản lý, điều hành, lái tàu… nên cũng chưa thể chốt được thời điểm đưa vào khai thác thương mại.

Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông theo kế hoạch được thực hiện trong 5 năm, từ tháng 11-2008 đến tháng 11-2013. Qua nhiều lần lùi tiến độ, đến nay vẫn chưa bên nào dám khẳng định, tuyến đường sắt đô thị “mẫu” của cả nước sẽ vận hành thương mại vào cuối năm 2016.