Đường đi lòng vòng đẩy giá thuốc

ANTĐ - Thảo luận tổ về dự thảo Luật Dược (sửa đổi) chiều 19-11, ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đề cập đến nhiều vấn đề tồn tại của ngành dược hiện nay, nhất là chất lượng thuốc và con đường đi lòng vòng của thuốc nhập khẩu khiến giá thuốc bị đẩy cao.
Đường đi lòng vòng đẩy giá thuốc ảnh 1

Thị trường dược phẩm hiện có 30.000 mặt hàng nên rất khó kiểm soát chặt chẽ chất lượng

Phải chấp nhận thuốc đắt? 

ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho biết, trong khi thuốc sản xuất trong nước từ nhà máy tới thẳng tay người tiêu dùng thì thuốc nhập khẩu lại đi lòng vòng qua rất nhiều đầu mối, từ công ty nhập khẩu tới nhiều công ty khác, sau đó mới tới các nhà thuốc trước khi đến tay người tiêu dùng, khiến thuốc bị đội giá lên cao. “Tại TP.HCM, khi tôi mới nhận chức Phó Giám đốc Sở Y tế, có 400 công ty phân phối thuốc, tôi muốn giảm xuống nhưng không được vì Luật quy định đủ điều kiện thì phải cấp. Hiện số này đã lên tới 1.000 trên tổng số gần 2.000 công ty trung gian, phân phối thuốc của cả nước” - ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói. 

“Về chất lượng thuốc, hiện thị trường dược phẩm của chúng ta có đến trên 30.000 mặt hàng, cả thuốc nội lẫn thuốc ngoại, nên khó có thể kiểm soát hết. Với thuốc nhập khẩu, hiện vẫn cấp số đăng ký trên giấy chứ không kiểm tra thực địa” - ĐB Phạm Khánh Phong Lan nói thêm. 

Tại tổ Hà Nội, ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn bình luận: “Nếu được hỏi có quản lý chặt được giá thuốc không thì nói thật là tôi chưa yên tâm vì các giải pháp mới chỉ đề cập đến đấu thầu thuốc. Bên cạnh đó, giá thuốc cũng phải đi cùng với chất lượng thuốc. Nếu mua thuốc rẻ mà không yên tâm thì không ổn”.

Từng bước khắc phục

Tại tổ TP.HCM, sau khi lắng nghe ý kiến các ĐBQH phát biểu trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, hiện có đến 14 luật khác đề cập đến lĩnh vực dược, ví dụ Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giá… nên những quy định về dược đã được điều chỉnh trong các luật đó thì không thể đưa lại vào Luật Dược (sửa đổi).

Về ý kiến của ĐB Phạm Khánh Phong Lan, Bộ trưởng Bộ Y tế đánh giá là “tâm huyết và phản ánh hết những tồn tại của ngành dược”. Thực tế, thời gian qua, ngành dược cũng đã từng bước khắc phục những hạn chế này.  “Chúng ta đang làm từng bước chứ mơ như nước ngoài thì không làm được. Hệ thống kiểm nghiệm thuốc của ta tuy đã được quy hoạch nhưng để đạt được như các nước châu Âu thì rõ ràng còn khoảng cách. Song, Việt Nam sẽ cố gắng tiền kiểm, hậu kiểm để đảm bảo chất lượng thuốc”. 

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, Luật Dược (sửa đổi) sẽ có quy định theo hướng, những loại thuốc mà Việt Nam có thể sản xuất được thì không cho phép nhập khẩu. 

Thuốc giả là hiểm họa lâu dài
Bên hành lang Quốc hội ngày 19-11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, Tổ chức Y tế thế giới đánh giá Việt Nam là một trong những nước kiểm soát chặt chẽ tình trạng thuốc giả và thuốc kém chất lượng. Tỷ lệ này là thấp so với các nước nhưng vẫn là hiểm họa lâu dài. Vừa qua, Bộ cũng đã rút giấy phép, ngừng lưu hành một số thuốc và xử phạt nặng cơ sở sản xuất thuốc giả.

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng tên các cơ sở sản xuất thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề thuốc giả, thuốc nhái, thuốc kém chất lượng,  cần sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ban, ngành. 

Về lộ trình tăng viện phí, Bộ trưởng cho rằng, cần được thực hiện đúng lộ trình. Hiện nay các cơ quan chức năng đang xem xét kỹ vấn đề này bởi hiện có ít nhất 1.800 dịch vụ kỹ thuật mới cần điều chỉnh. Có những dịch vụ giá sẽ giảm đi, có dịch vụ sẽ tăng lên. Nhà nước sẽ hỗ trợ người nghèo, người có công, người sống ở vùng sâu, xa, miền núi, hải đảo, thông qua mua thẻ bảo hiểm y tế.