Được cấp chứng nhận bản quyền cải tiến tiếng Việt, PGS Bùi Hiền thực hành "dịch" Truyện Kiều

ANTD.VN - PGS Bùi Hiền- tác giả công trình cải tiến tiếng Việt vừa được Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã cấp giấy chứng nhận chủ sở hữu công trình gây tranh cãi của ông trong suốt thời gian công bố 2 phần nghiên cứu.

Theo PGS Bùi Hiền thời gian qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện những phần mềm chuyển đổi theo đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của ông. Do đó, để bảo vệ đứa con tinh thần của mình, ông đã đăng ký bản quyền tác giả.

PGS Bùi Hiền cho biết, ông nhờ luật sư đi đăng ký bản quyền cho công trình cải tiến chữ viết của mình bởi được bạn bè cho hay có nhiều người đang sử dụng bộ chữ của ông với mục đích kinh doanh, mục đích xấu, xuyên tạc.

Giấy chứng nhận cấp cho PGS Bùi Hiền ghi ở phần nội dung cấp là: Cục Bản quyền tác giả chứng nhận tác phẩm "Bài viết cải tiến chữ quốc ngữ", loại hình tác phẩm viết là của tác giả Bùi Hiền.

Trong đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt, PGS Bùi Hiền đề xuất sẽ bỏ chữ Đ ra khỏi bảng chữ cái tiếng Việt và thêm một số chữ cái tiếng Latin cho dễ sử dụng như: F, J, W, Z.

Ngoài ra, một số chữ, ông đổi hẳn về cách viết như: C (chờ), f (phờ), j (jờ), k (cờ), q (thờ), w (ngờ), x (khờ), z (dờ). Những chữ này đổi về cách viết nhưng cách đọc văn bản vẫn như cũ.

Truyện Kiều được chuyển sang tiếng Việt cải cách theo nghiên cứu của PGS Bùi Hiền

Để thử nghiệm thực tế công trình của mình PGS Bùi Hiền cho biết, ông đã “dịch” hơn 3.000 câu trong Truyện Kiều ra trong 99 trang giấy và hoàn thiện tác phẩm trong 10 ngày.

PGS Bùi Hiền cho biết đây là cách thử xem mình mất bao lâu để luyện kỹ năng thuần thục khi viết chữ. Ông khẳng định chữ viết mới truyền tải chính xác nội dung Truyện Kiều, không phá vỡ giá trị nguyên bản, tư tưởng thẩm mỹ của truyện.

“Truyện Kiều ban đầu được viết bằng chữ nôm, sau đó mới chuyển sang chữ quốc ngữ như hiện nay. Tôi muốn chuyển sang chữ cải tiến, các giá trị về nội dung hay nghệ thuật của tác phẩm vẫn giữ nguyên chứ không thay đổi”, PGS Hiền nói.

Để thực hiện văn bản này, ông viết liên tiếp trong 10 ngày, mỗi ngày 10 giờ.