Dùng nợ mua lại nợ

ANTĐ - Vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại hiện nay đã được ví như “cục máu đông” làm tắc nghẽn huyết mạch tín dụng không chỉ của hệ thống ngân hàng mà cả doanh nghiệp và nền kinh tế. Với bối cảnh hiện tại, cả “con nợ” và chủ nợ đều rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”. Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ thành lập công ty mua bán nợ xấu với số vốn 100.000 tỷ đồng để mua lại nợ xấu. Vậy công ty này sẽ hoạt động như thế nào, cơ chế ra sao?

Trên một số tờ báo kinh tế, tài chính đã mở ra diễn đàn xung quanh công ty bán nợ xấu này. Hiện Bộ Tài chính đã có một công ty mua bán nợ sử dụng ngân sách Nhà nước, thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Nhà nước, lợi nhuận không phải tiêu chí hàng đầu. Như vậy chắc chắn vốn ngân sách sẽ thâm hụt, tiền thuế của dân sẽ thiệt hại và không được sự đồng thuận của xã hội. Vì thế thành lập công ty mua bán nợ trực thuộc Ngân hàng Nhà nước để tăng cường tính hiệu quả, tránh mất mát tiền ngân sách.

Nhiều chuyên gia đồng tình chủ trương này, song công ty này hoạt động như thế nào để phá tan “cục máu đông” làm tắc nghẽn dòng tín dụng? Tổng dư nợ tín dụng trong hệ thống ngân hàng vào khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, để xác định chính xác nợ xấu là bao nhiêu, theo Viện Chính sách công và Quản lý, cần phân biệt rõ giữa các khoản nợ, trong đó có bao nhiêu phần trăm nợ thuộc các nhóm ngân hàng. Để phân loại nợ chính xác cần phân theo nợ quá hạn và theo mức độ nghiêm trọng của từng khoản nợ. Trên thế giới, nhiều nước sử dụng ngân sách để mua lại nợ xấu, thậm chí còn chấp nhận mất đi một số tiền để xóa nợ. Ước tính nợ xấu tại Việt Nam trên 100.000 tỷ đồng, nhưng đó là ghi trên sổ sách, còn giá trị thực bao nhiêu cần phải đánh giá lại. Có những khoản nợ có thể mua và sau đó bán được.

Cũng có khoản nợ sau khi mua xong không thể bán được, Nhà nước phải chấp nhận hy sinh một phần nào đó. Tuy nhiên, dư luận tỏ ra lo ngại về chủ trương xử lý nợ xấu bằng việc “tái cơ cấu” qua hoạt động mua bán nợ. Đây có là khả năng mở ra “cửa thoát hiểm” cho những tập đoàn Nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát như Vinashin, Vinalines? Nếu như thành lập công ty mua bán nợ dựa theo giá trị các khoản nợ ghi trong sổ sách mà mua bán lại đúng bằng giá trị đó hoặc thấp hơn một phần thì rõ ràng đây là “cửa thoát hiểm” cho các đại gia “chúa chổm” hiện nay. Trong khi đó, trong tình thế hiện nay, cả châu Âu nặng gánh nợ công, nợ xấu, không ai dám mạo hiểm mua. Câu hỏi đang chờ lời đáp là: Ngân hàng Nhà nước không thể bỏ ra 100.000 tỷ đồng để giải quyết nợ xấu mà không giải trình tiền ở đâu ra, thực hiện ra sao, giám sát như thế nào?

Chủ trương xử lý nợ xấu là đúng hướng, nếu làm không tốt mà khoản tiền này bị mất thì vô hình trung người dân phải gánh chịu toàn bộ khoản nợ xấu đó. Thâm hụt ngân sách từ năm này sang năm khác, nếu bỏ tiền ra xử lý nợ xấu thì thực chất cũng là đi vay nợ. Dùng nợ để mua lại nợ quả thật là bài toán đầy rủi ro.