Đừng để phí, lệ phí trở thành gánh nặng với người dân

ANTĐ - “Cần quy định lộ trình, chính sách học phí cho các trường công lập, các trường hợp miễn giảm viện phí và học phí để những khoản thu này không trở thành gánh nặng cho người dân” - ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phát biểu tại phiên họp Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Phí và Lệ phí sáng 18-6.

“Nóng” vấn đề viện phí, học phí

Sáng 18-6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật Phí và Lệ phí, trong đó các quy định liên quan đến học phí và viện phí nhận được nhiều ý kiến thảo luận của các ĐBQH. Có ý kiến nhất trí chuyển học phí của giáo dục bậc đại học sang cơ chế giá, riêng học phí của bậc phổ thông vẫn giữ theo chế độ phí như hiện nay. Tuy vậy, một số ý kiến lại không đồng tình với việc chuyển học phí và viện phí thành giá dịch vụ vì cho rằng Nhà nước phải đảm bảo các dịch vụ cơ bản nhất là học phí và viện phí cho người dân. 

Về nội dung này, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm - (TP.HCM) đề nghị Quốc hội cần đặc biệt quan tâm đến việc chuyển học phí cấp học phổ thông sang cơ chế giá vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền được học tập của người dân đã được quy định trong Hiến pháp. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cũng đồng tình với ý kiến trên, đồng thời kiến nghị có quy định rõ lộ trình, cơ chế quản lý, chính sách học phí cho các trường công lập, các trường hợp miễn giảm viện phí và học phí để những khoản thu này không trở thành gánh nặng cho người dân, đặc biệt là người nghèo có hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi trẻ em đều được đến trường.

Về phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố, một số ý kiến nhất trí việc thu loại phí này, song cần đảm bảo quản lý tốt vệ sinh, trật tự an toàn giao thông. Tuy vậy, có nhiều ý kiến không đồng tình với việc quy định thu phí lòng đường, hè phố, vì cho rằng điều này có thể dẫn đến việc lấn chiếm lòng đường, vỉa hè. ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên-Huế) phát biểu, đặt ra loại phí này là vô hình trung chấp nhận cho người dân kinh doanh ở lòng đường, hè phố, khuyến khích họ vi phạm trật tự đô thị. Đề nghị Ban soạn thảo quy định phù hợp, sao cho vừa đảm bảo mỹ quan đường phố, tránh ách tắc giao thông, vừa đảm bảo nguồn thu. 

Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến nhất trí việc quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo luật. Tuy nhiên, theo ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh), quy định này vẫn còn chung chung, chưa đầy đủ, thiếu tính bao quát, chặt chẽ. Đề nghị bổ sung quy định về các hành vi nghiêm cấm đối với trường hợp nộp chậm, nộp thiếu, quy định rõ chế tài xử lý đối với cá nhân đặt ra các loại phí, lệ phí không phù hợp.

Thu phí và lệ phí phải gắn với chất lượng dịch vụ công

Về một số nội dung khác liên quan, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) nêu ý kiến, xây dựng dự án Luật Phí và Lệ phí không chỉ quan tâm đến vấn đề công khai và minh bạch mà cần coi trọng tính công bằng trong việc định ra các khoản phí, lệ phí. Bên cạnh đó, phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa quyền lợi, nghĩa vụ người dân với trách nhiệm phục vụ nhân dân của cán bộ công chức, khắc phục xu hướng tạm thu, tận thu và phí chồng phí. Việc quy định về thẩm quyền và trách nhiệm trong phí và lệ phí cần thống nhất với các điều khoản trong Hiến pháp và các Nghị quyết. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng đề nghị Quốc hội quy định cụ thể danh mục phí và lệ phí áp dụng chung trong cả nước. 

ĐB Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) cho rằng, thu phí  và lệ phí phải tương ứng với chất lượng dịch vụ công. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) phát biểu, phải gắn Luật Phí và Lệ phí với các luật khác liên quan. “Theo tôi, có hai nơi được quy định định mức phí, lệ phí là Ủy ban Thường vụ Quốc hội (quốc gia) và HĐND các cấp (địa phương). Tuy vậy, cần quy định rõ ràng và minh bạch loại phí, lệ phí nào do Trung ương, loại nào do địa phương quyết định. Quy định chung chung thế này chẳng khác nào bủa lưới bắt cá đại dương” - ĐB Trần Du Lịch đề xuất.

Về danh mục phí, lệ phí, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) phát biểu, danh mục này trong dự án luật còn  mang tính khái quát rất cao, đề nghị xem xét, bổ sung, bỏ loại phí, lệ phí trùng lặp, không nên quy định lệ phí môn bài trong dự thảo luật. Hiện nay phí trông giữ phương tiện thường thu cao hơn nhiều lần so với mức cho phép. Do đó, cần quy định chế tài nghiêm khắc xử lý tổ chức, cá nhân tự ý đặt ra các khoản phí này.

Trong phiên họp chiều 18-6, Quốc hội đã ra Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga, ĐBQH khóa XIII,  Đoàn ĐBQH TP Hà Nội.