Đừng để “nước đến chân mới nhảy”!

(ANTĐ) - Thời gian qua, hoạt động du lịch trên sông Hồng chưa gặp bất cứ sự cố hay vụ tai nạn nào gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, sau vụ chìm tàu du lịch ở Quảng Ninh, để tránh xảy ra những hậu quả tương tự, các cơ quan chức năng cần siết chặt lại những khâu kiểm tra, giám sát hoạt động này.
>>>Xác định nguyên nhân chìm tàu tại Vịnh Hạ Long/ Những hình ảnh về vụ chìm tàu du lịch tại vịnh Hạ Long/ Lặn vớt được 8 người thiệt mạng mắc kẹt trong tàu ở Hạ Long/ Cứu nạn là nhiệm vụ số 1/ Chuyện về những người cứu nạn tàu Trường Hải 06

Đảm bảo an toàn cho hoạt động du lịch trên sông Hồng:

Đừng để “nước đến chân mới nhảy”!

(ANTĐ) - Thời gian qua, hoạt động du lịch trên sông Hồng chưa gặp bất cứ sự cố hay vụ tai nạn nào gây thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, sau vụ chìm tàu du lịch ở Quảng Ninh, để tránh xảy ra những hậu quả tương tự, các cơ quan chức năng cần siết chặt lại những khâu kiểm tra, giám sát hoạt động này.
>>>Xác định nguyên nhân chìm tàu tại Vịnh Hạ Long/ Những hình ảnh về vụ chìm tàu du lịch tại vịnh Hạ Long/ Lặn vớt được 8 người thiệt mạng mắc kẹt trong tàu ở Hạ Long/ Cứu nạn là nhiệm vụ số 1/ Chuyện về những người cứu nạn tàu Trường Hải 06

Nhận diện nguy cơ

Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy của tàu du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng
Đảm bảo an toàn giao thông đường thủy của tàu du lịch là một trong những nhiệm vụ quan trọng

Theo tìm hiểu của PV, trên tuyến sông Hồng có duy nhất một đơn vị tham gia kinh doanh, khai thác hoạt động du lịch dọc sông đó là Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng. Hiện đơn vị này có 4 tàu du lịch chở khách. Tàu lớn nhất là Thăng Long 18 chở được 180 khách, còn tàu nhỏ nhất cũng có sức chở 40 hành khách.

Theo ông Lê Thắng-Giám đốc Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng, xí nghiệp đang kinh doanh 10 tuyến đưa du khách đi tham quan du lịch ở các điểm dọc 2 bên bờ sông Hồng và các tuyến sông lân cận. Ngoài ra, chương trình “Trở lại với Hoa Lư” bằng tàu thủy với thời gian 2 ngày 1 đêm cũng đã được đưa vào khai thác từ năm 2010. Trung bình mỗi năm đơn vị phục vụ từ 15.000 đến 20.000 lượt khách. Ra tết nhiều lễ hội nên đây cũng là “mùa” du lịch trên sông. Nhiều du khách phải liên hệ đặt vé thuê tàu cách đó vài hôm mới tới lượt. Tàu phục vụ lúc nào cũng đầy ắp cả đêm lẫn ngày, hiếm khi được nghỉ ngơi.

Do tính chất đặc thù của sông nước nên yếu tố an toàn cũng như đảm bảo an toàn cho hành khách bằng đường thủy có những điểm khác biệt. Trung tá Nguyễn Văn Phúc-Đội trưởng Đội CSGT đường thủy số 3 đánh giá: “Mực nước biến động lên xuống ở sông so với trên biển là khác nhau. Tuy nhiên không phải ở biển nước nhiều thì nguy hiểm lớn hơn mà ở sông khi xảy ra tai nạn cũng thảm khốc không kém”.

Đối với sông Hồng, trong năm 2010 vừa qua và thời điểm này mực nước diễn biến khá phức tạp. Có những thời điểm mực nước xuống rất thấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đi lại của phương tiện. Lại có những khi sông Hồng đón tiểu lũ sớm với những điểm, khúc sông nước chảy rất xiết tiềm ẩn nguy cơ lớn có thể xảy ra tai nạn giao thông đường thủy. Đó là chưa kể tới 39 bến khách ngang sông trong đó có nhiều bến hoạt động “chui” điều này cũng gây khó khăn cho công tác đảm bảo an toàn giao thông phục vụ hoạt động du lịch trên sông.

Trên hết vẫn là yếu tố con người

Vụ tai nạn đau lòng chìm tàu Trường Hải 06 tại Quảng Ninh vào rạng sáng 17-2 khiến 12 người thiệt mạng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về yêu cầu đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, tính mạng cho du khách của những đơn vị chức năng có trách nhiệm giám sát, quản lý cũng như các công ty, xí nghiệp kinh doanh hoạt động này.

Thượng tá Nguyễn Văn Cương-Phó Trưởng phòng CSGT đường thủy nhấn mạnh: “Trước Tết Nguyên đán 2011 vừa qua, đơn vị đã kiểm tra, rà soát lại tất cả các điều kiện đảm bảo an toàn của những bến khách ngang sông trong đó có hoạt động chở khách du lịch của Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng”.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Cương, tất cả những tàu, nhà nổi và thuyền hoa tiêu của xí nghiệp trên đều đầy đủ các thiết bị an toàn cứu sinh, cứu đắm. Đặc biệt giấy kiểm định về đăng ký an toàn kỹ thuật, đăng kiểm của phương tiện vẫn nằm trong thời hạn. Cơ số thuyền trưởng, máy trưởng và các thủy thủ cũng như nhân viên phục vụ đều có đầy đủ bằng cấp, chứng chỉ liên quan.

Phòng CSGT đường thủy cũng tổ chức ký cam kết cho xí nghiệp, các thuyền viên tuân thủ nghiêm những quy định về an toàn đường thủy. Ngày 18-2, Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng cũng đã có Thông báo số 07 về việc đảm bảo an toàn công tác chạy tàu và nâng cao chất lượng phục vụ khách đi du lịch. Ngoài việc quy trách nhiệm cụ thể đối với thuyền trưởng, máy trưởng, thủy thủ, nhà nổi và tàu hoa tiêu, xí nghiệp trên còn nghiêm cấm tất cả các hành vi đánh bạc, uống rượu bia đối với các nhân viên khi tàu đang hoạt động. Đối với tour du lịch hoạt động về tối và ban đêm, các bộ phận trên tàu trực 100% không để xảy ra sự cố; không cho tàu xuất bến khi không đảm bảo an toàn.

Nhìn từ nguyên nhân vụ tai nạn của tàu Trường Hải 06 có thể thấy, việc trang bị đầy đủ những dụng cụ cứu sinh, cứu nạn cũng chỉ là một biện pháp phòng ngừa và hạn chế thiệt hại khi xảy ra sự cố. Để không xảy ra tai nạn, điều cốt lõi vẫn là ý thức trách nhiệm của các thuyền viên trên tàu. Nếu “khâu” này không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ thì dù nước chưa đến chân nhưng du khách có “nhảy” cũng không kịp.

Ông Lê Thắng thẳng thắn: “Trừ những nguyên nhân khách quan bất khả kháng không thể lường trước, tất cả những vụ tai nạn cả trên bộ lẫn dưới nước đều xuất phát từ ý thức của con người”.

Quan điểm này cũng trùng với suy nghĩ và đánh giá của lực lượng CSGT đường thủy. “Cũng giống như hành khách đi xe khách, những khách du lịch khi xuống tàu đều đã “giao” sự an toàn của bản thân cho người lái xe, thuyền thưởng và các thủy thủ. Nếu như những người này và các cơ quan quản lý bất cẩn, vô trách nhiệm thì hậu quả sẽ vô cùng lớn”-Thượng tá Nguyễn Văn Cương khẳng định.

Hoàng Phong