Đừng để “cháy” lan rộng

ANTĐ - Cơ quan quản lý báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang mạnh tay xử lý nhiều báo giấy, báo điện tử và trang thông tin điện tử, với số tiền lên đến hơn 1 tỷ đồng. Có website đã bị đình bản, bị tước giấy phép và chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an để điều tra, làm rõ những sai phạm đến mức hình sự của họ.

Các cơ quan chức năng đã quyết liệt lập lại trật tự đang hỗn loạn trên thị trường báo chí và truyền thông. Có nhiều trang thông tin điện tử hoạt động không có giấy phép mà quá trình giám sát chưa phát hiện. Có những trang web đăng tải toàn những hình ảnh bậy bạ, trái với thuần phong mỹ tục, phản cảm; rồi là xúc phạm danh nhân; xuyên tạc sự thật lịch sử; xâm phạm đời tư công dân… Rồi không ít trang tồn tại nhờ lấy bài của báo khác, “ cắt dán, xào xáo”. Có những trang chỉ toàn chuyện đâm, chém, giết, cướp, hiếp, rồi toàn là 4T - tình, tiền, tù, tội… để câu khách, nhưng vẫn tồn tại? Vì các quy định về quản lý văn hóa, các chế tài xử phạt lại rất nhẹ, không đủ sức răn đe nên để kiếm tiền nhảm nhí, các trang này cứ “tự tung tự tác” khi mà Việt Nam đang phát triển Internet rất mạnh mẽ. Lượng người truy cập Internet ở Việt Nam đứng trong top 20 thế giới. Người truy cập Internet chủ yếu là lớp trẻ, tuổi đời 15-25 (chiếm tới 42%), từ 25-34 khoảng 32%. Xu hướng của một số thanh thiếu niên truy cập Internet để vui chơi, giải trí, bao gồm cả cái tốt, cái xấu.

Trang mạng xã hội www.haivl.com đã câu view, “câu like” bằng việc đưa hình ảnh dung tục, khiêu dâm, kích động bạo lực, bôi nhọ cá nhân, xúc phạm đến danh nhân văn hóa… Trong khi các thành viên được comment (bình luận) mà không qua kiểm duyệt, có thể nói những gì họ thích, nói bậy, văng tục hay đưa ra quan điểm cá nhân của mình về một topic, một bức ảnh, video của các thành viên khác chia sẻ. Thậm chí có những thành viên còn đưa những vấn đề về tôn giáo, chính trị lên để bình luận. Đây là một điều không thể có ở những trang web mang tính giải trí cộng đồng.

Đối tượng chủ yếu của trang này là thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên. Việc để những trang kiểu này tồn tại không sớm thì muộn sẽ tạo ra suy nghĩ, tư duy trái chiều và ảnh hưởng rất lớn đến thuần phong mỹ tục, đạo đức giới trẻ. Sau khi đình bản www.haivl.com, Bộ TT-TT đã chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục điều tra làm rõ những sai phạm, xử lý theo đúng pháp luật.

Việc này được dư luận xã hội rất đồng tình, nhưng cũng vẫn có những người trước việc Bộ TT - TT xử phạt một số báo chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội cho rằng như thế là “nặng tay” và quá khắt khe? Rằng những người khởi xướng, quản lý và tham gia hoạt động các trang thông tin điện tử, mạng xã hội đều còn rất trẻ, hầu hết trong độ tuổi trên dưới 30 tuổi vốn dĩ giỏi về công nghệ thông tin, nhạy bén với cái mới và rất táo bạo trong kinh doanh nên được khuyến khích và nâng đỡ!?

Đó là điều đáng quan ngại khi những người trẻ đó không nắm được đầy đủ các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực mình hoạt động, không vượt qua những cám dỗ về lợi nhuận, làm ăn kiểu chụp giật để rồi gây tác hại không chỉ cho mình mà cho cả những bạn đồng trang, đồng lứa; ảnh hưởng đến lợi ích chung của xã hội, của cộng đồng làm băng hoại đạo đức xã hội và các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Thế nên, việc các cơ quan quản lý xử nghiêm, xử đúng các sai phạm, chính là bài học cần thiết để các “tài năng trẻ” này có định hướng đúng khi khởi nghiệp, tránh cái nhìn lệch lạc, suy đồi đạo đức, cư xử thiếu văn hóa. Cần tăng cường công tác quản lý thông tin trên mạng ở các trang web dạng Haivl.com, trước khi quá muộn khi nó ảnh hưởng quá sâu tới tư tưởng, suy nghĩ một bộ phận không nhỏ thanh niên Việt Nam. 

Đã đến lúc các cơ quan chức năng phải vào cuộc để kiểm soát những trang web đen độc hại. Cấp phép rồi phải quản lý, giám sát, xử lý, thậm chí là thu hồi giấy phép nhiều trang mạng xã hội vượt rào làm những việc sai phạm. Cần phải ngăn chặn kịp thời không thì từ một đốm lửa nhỏ mà dập tắt sẽ bùng loang thành đám cháy lớn khó kiểm soát.