Dừng chân ở A Lưới

ANTĐ - Trong một hành trình xuyên Việt với những cung đường không định trước, tôi đã đến với A Lưới như một sự tình cờ để rồi những ký ức lưu lại về vùng đất cao nguyên này chẳng bao giờ phai nhạt.

Cảnh thanh bình ở A Lưới

A Lưới, cái tên khiến người ta nghĩ ngay đến những khu rừng chết bởi chất độc hóa học trong chiến tranh, cái tên khiến lữ khách nghĩ rằng “có lẽ chỉ ghé qua và không nên ở lại”. A Lưới chỉ là một huyện vùng xa xôi nhất của tỉnh Thừa Thiên – Huế, mà đến Huế, người ta lại thường choáng ngợp bởi những đền đài, thành quách, di sản, không ai còn nhớ đến một nơi hoang vắng, xa xôi dường như chẳng có gì hấp dẫn để mà khám phá. Thế nhưng, đến A Lưới mới thấy những suy nghĩ trên là sai lầm.

Nằm ở khúc cuối của đường Quốc lộ 49, cách Huế chừng 70km, A Lưới là cái tên xuất hiện trong hành trình xuyên Việt theo kiểu không định trước, sau khi đã mãn nhãn với những cung điện, lăng tẩm ở nơi từng là chốn Kinh đô vàng son một thủơ. Rời Huế, đi về hướng Tây, lên núi… Quốc lộ 49 và A Lưới lại đón tôi bằng những con đèo uốn lượn lên xuống trong màu xanh thăm thẳm của đại ngàn Trường Sơn. Trận mưa rừng tháng 7 ào xuống nhanh tới mức tôi chỉ kịp dừng xe, chưa lấy xong áo mưa trong ba lô thì người đã ướt nhẹp. Thế là dự định ghé qua thị trấn ở nơi hoang vắng này lại trở thành một lần lưu lại chờ khô hành lý với những điều thú vị không ngờ.

Dừng chân tại thị trấn A Lưới, nằm ngay điểm giao cắt giữa Quốc lộ 49 và đường Hồ Chí Minh sau trận mưa rừng bất chợt, sau khi phơi đồ, tôi lang thang theo sự chỉ dẫn của lễ tân khách sạn để đến làng văn hóa A-Nôr với lời giới thiệu: “Chưa thăm A Nôr như chưa đến A Lưới”. Làng chỉ cách trung tâm huyện chừng 3km.

Bên dòng A-Nôr

Dừng chân ở cổng làng, tôi chợt nhận ra A-Nôr không chỉ là làng văn hóa, mà còn có thác suối A-Nôr rất đẹp. Âm thanh nước đổ đồng vọng như tiếng của núi rừng chỉ đến đầu làng đã nghe thấy rõ. Trong không khí mát mẻ của vùng cao nguyên, tiếng thác nước như làm tan biến cảm giác buồn chán của cơn mưa rừng bất chợt. Điều đặc biệt là nước dưới chân thác A-Nôr đổ ra thành suối rộng, đẹp và rất đỗi hoang sơ.

Theo người dân nơi đây, A-Nôr là nơi trú ngụ của nhiều con vật nhà trời. Ngày nọ, người đàn ông trong bản thấy con ếch to, anh ta giương nỏ bắn. Con ếch chết, người đàn ông về nhà đổ bệnh và chết theo. Dân làng thương nhớ và lấy tên ông đặt tên cho ngọn thác.

Buổi chiều tháng 7, hòa mình bên dòng A-Nôr, giữa bát ngát xanh của núi rừng và tiếng nước thác chảy chợt nghĩ đến dáng người con gái Pa Kô đội nước bước đi bên suối vắng...