Đua nhau tăng giá thuốc chữa bệnh

(ANTĐ) - Trong những ngày qua, nhiều loại thuốc chữa bệnh tăng giá khá cao. Theo các nhà thuốc, sau Tết Nguyên đán khoảng 1 tuần, hầu hết các nhà thuốc đều có thông báo điều chỉnh giá với mức điều chỉnh trung bình 5-20%.

Đua nhau tăng giá thuốc chữa bệnh

(ANTĐ) - Trong những ngày qua, nhiều loại thuốc chữa bệnh tăng giá khá cao. Theo các nhà thuốc, sau Tết Nguyên đán khoảng 1 tuần, hầu hết các nhà thuốc đều có thông báo điều chỉnh giá với mức điều chỉnh trung bình 5-20%.

Liên tiếp điều chỉnh

Nguời bệnh khổ hơn vì giá thuốc tăng Ảnh minh họa
Nguời bệnh khổ hơn vì giá thuốc tăng  Ảnh minh họa

Theo đánh giá của nhiều nhà thuốc, nếu vài năm trước thị trường dược phẩm xuất hiện những đợt sóng ngầm về giá và tăng giá kiểu nhỏ giọt để “qua mặt” các cơ quan quản lý thì cuối năm 2010 và đầu năm 2011, việc điều chỉnh giá được thực hiện công khai liên tiếp với mức tăng khá cao. Điển hình là đợt tăng giá trước Tết Nguyên đán ở nhiều mặt hàng với lý do thời tiết rét đậm kéo dài, khan hàng vì nghỉ tết. Chỉ sau đó chưa đầy 2 tuần, thuốc lại tăng giá mà nguyên nhân được biện minh vì giá USD tăng liên tục.

Khảo sát của chúng tôi tại một số nhà thuốc trên phố Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) ngày 21-2, nhân viên các quầy thuốc cho biết họ vừa nhận được thông báo điều chỉnh một số mặt hàng thuốc từ các công ty nhập khẩu, phân phối thuốc cách đây vài ngày. Ngoài ra, nhiều hãng dược trong và ngoài nước cũng thông báo sẽ điều chỉnh giá một số mặt hàng trong đó chủ yếu là biệt dược, thuốc đặc trị, kháng sinh, giảm đau… với mức điều chỉnh tăng giá từ 5-20%.

Đại diện của Hiệp hội Sản xuất kinh doanh dược Việt Nam cho biết, theo các khảo sát định kỳ về giá thuốc mà Hiệp hội thực hiện thì tháng nào cũng có hàng chục mặt hàng được điều chỉnh tăng giá, trong đó các mặt hàng thuốc nhập ngoại được điều chỉnh tăng giá nhiều hơn. Lý do giá một số loại thuốc sản xuất trong nước và một số thuốc thành phẩm nhập khẩu bán lẻ trên thị trường bị điều chỉnh là do tỉ giá ngoại tệ thay đổi. Tuy vậy cũng không loại trừ có một số trường hợp giá ngoại tệ chỉ điều chỉnh nhẹ nhưng một số doanh nghiệp, công ty nhập khẩu, phân phối thuốc đã “té nước theo mưa”.

Giá dược phẩm luôn… “nóng”

Chiều 21-2, trao đổi với chúng tôi về tình trạng giá thuốc đua nhau tăng hiện nay, TS. Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cho biết, năm 2010, 97,78% lượt mặt hàng thuốc có giá bán lẻ tại nhà thuốc BV thấp hơn giá bán lẻ tại nhà thuốc xung quanh. Điều này có nghĩa giá thuốc tại thị trường tự do bị đẩy lên rất cao do không được quản lý chặt chẽ, thường xuyên, thậm chí doanh nghiệp, cửa hàng thuốc tự do niêm yết giá…

Trong năm 2010, cơ quan chức năng đã tạm dừng cấp số đăng ký hoặc giấy phép nhập khẩu của 12 cơ sở sản xuất, cơ sở đứng tên đăng ký thuốc và cơ sở nhập khẩu thuốc. Tạm dừng cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu thuốc của 10 công ty nước ngoài. Chuyển Sở Y tế TP Hồ Chí Minh xử lý hành chính 5 cơ sở và Sở Y tế Hà Nội xử lý 4 cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc.

Ông Cường cũng lý giải, dược phẩm xếp thứ 9/11 nhóm mặt hàng thiếu yếu. Hơn nữa, đây lại là một mặt hàng rất nhạy cảm nên năm 2010 dù chỉ có 5% các mặt hàng thuốc tăng giá nhưng cũng đủ làm nóng thị trường và dư luận.

Duy Tiến