Đưa người nghiện đi cai bắt buộc để bảo đảm an toàn cho cộng đồng

ANTĐ - Trong báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng thời được gửi tới Đoàn ĐBQH TP Hà Nội chiều 3-11, ĐB Nguyễn Đức Chung, Thiếu tướng, Giám đốc CATP đã đề xuất các phương án nhằm tăng cường quản lý người nghiện. 
Đưa người nghiện đi cai bắt buộc để bảo đảm an toàn cho cộng đồng ảnh 1

Học viên cai nghiện tại một trung tâm bắt buộc

Nhiều quy định khó khả thi

Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (được bổ sung, sửa đổi một số điều năm 2011), thực sự là một công cụ pháp lý phục vụ hiệu quả cho công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội của các cơ quan chức năng. Đặc biệt trong lĩnh vực phòng, chống ma túy.

Thực hiện Pháp lệnh này, hàng năm, toàn quốc đã đưa trung bình trên 50.000 người nghiện ma túy vào các Trung tâm Giáo dục lao động xã hội để cai nghiện bắt buộc (năm 2011: 50.878 người; năm 2012: 48.749 người; năm 2013: 55.277 người).

Tại địa bàn Hà Nội, từ năm 2011-2013 đã đưa 8.668 người vào Trung tâm giáo dục lao động. Thực hiện quyết liệt công tác này đã thiết thực góp phần kiềm chế, làm giảm số vụ phạm pháp hình sự nói chung cũng như các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.

Ngày 1-1-2014, Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành với các quy định liên quan đến việc áp dụng các biện pháp xử lsy hành chính do Tòa án nhân dân xem xét, quyết định (trong đó có quy định về cai nghiện bắt buộc). Tuy nhiên, trên thực tế suốt 11 tháng qua, thành phố Hà Nội chưa đưa được một người nghiện nào vào Trung tâm Giáo dục lao động xã hội để cai nghiện bắt buộc.

Trên địa bàn thành phố tính đến ngày 15-10-2014, có 15.988 người nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó hiện có mặt tại cộng đồng: 7.225 người và trên 1.000 người nghiện lang thang. Tình trạng này đã và đang làm toàn xã hội, cuộc sống của nhiều người dân bất an vì người nghiện không được quản lý, các lực lượng chức năng đang phải căng mình để giữ ổn định tình hình.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do vướng mắc và tính khả thi ở các quy định pháp luật, cụ thể:

1.     Việc tổ chức giáo dục tại xã phường, thị trấn đối với người sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Nghị định số 111/2013/NĐ-CP còn nhiều bất cập:

- Chỉ phù hợp, có hiệu quả đối với những người mới sử dụng ma túy nhưng chưa nghiện (chưa lệ thuộc vào ma túy), hoặc mới nghiện (nhưng chưa đi cai nghiện lần nào).

- Đối với những người đã nghiện (lệ thuộc vào ma túy), qua khảo sát thực tế 100% đối tượng được giáo dục không bỏ được ma túy. Vì nghiện ma túy là một bệnh, không thể khỏi chỉ bằng giáo dục giúp đỡ.

- Việc thành lập tổ công tác cai nghiện ở cơ sở do Phó chủ tịch UBND cấp xã làm tổ trưởng, cán bộ phụ trách lao động Thương binh xã hội, công an, cán bộ y tế và đại diện khu dân cư… là khó khả thi (quy định tại điều 5 Nghị định 94/2010/NĐ-CP: Tổ công tác cai nghiện có nhiệm vụ: tổ chức hoạt động cai nghiện tại gia đình và cộng đồng).

- Về cơ sở vật chất để thực hiện công tác cai nghiện tại cộng đồng (quy định tại điều 23 Nghị định 94/2010/NĐ-CP: Trường hợp không có cơ sở vật chất để tổ chức Cơ sở điều trị cắt cơn thì Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị UBND cấp huyện quyết định xây dựng cơ sở điều trị cắt cơn nghiện ma túy… là không khả thi, nhất là trong điều kiện Hà Nội điều kiện trụ sở làm việc của các cơ quan đang rất khó khăn; kèm theo các điều kiện cán bộ điều trị, trông giữ và cơ sở pháp lý để thực hiện điều trị trông giữ).

2. Xác định người nghiện ma túy

- Thẩm quyền người được xác định: Theo Nghị định 221/2013/NĐ-CP, người có thẩm quyền xác định người nghiện ma túy phải là bác sỹ, y sỹ thuộc trạm y tế cấp xã, bệnh xá Quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên, phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh theo quy định của Luật khám chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma túy do cơ quan có thẩm quyền cấp.

- Tiêu chuẩn xác định:

(1) Đối với người nghiện nhóm Opiats: Theo quy định tại Quyết định số 5075/QĐ-BYT ngày 12-12-2007 của Bộ Y tế: Phải đảm bảo 2 tiêu chuẩn

+ Tiêu chuẩn lâm sàng: Có đủ tối thiểu 3 trong 6 nhóm triệu chứng theo quy định tại Bảng phân loại quốc tế bệnh tật lần thứ 10 năm 1992 của tổ chức Y tế thế giới. Tuy nhiên, để theo dõi được 3 trong 6 triệu chứng phải theo dõi ít nhất từ 24-72 giờ mới có thể khẳng định được. Trong khi đó, nếu người nghiện không tự giác thì các bác sỹ sẽ không thể giữ họ lại; đồng thời hiện nay cũng không có quy định pháp lý nào cho phép các cơ quan Nhà nước giữ người nghiện trong thời gian trên.

+ Tiêu chuẩn xét nghiệm: Phải xác định dược sự có mặt của ma túy trong nước tiểu. Nếu người nghiện không tự nguyện cho mẫu nước tiểu thì các bác sỹ không có cơ sở buộc họ phải cho mẫu.

(2) Đối với người nghiện ma túy tổng hợp: Ngày 10-9-2014, Bộ Y tế mới ban hành quyết định số 3556/QĐ-BYT Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rối loại tâm thần thường gặp do sử dụng ma túy tổng hợp dạng Amphetamine. Cho đến nay người có thẩm quyền xác định nghiện và cơ sở y tế có thẩm quyền điều trị chưa được tập huấn và chưa triển khai được. Đồng thời, hướng dẫn này chỉ căn cứ vào kết quả theo dõi các tiêu chuẩn lâm sàng, không có tiêu chuẩn xét nghiệm, do vậy trên thực tế sẽ rất khó khăn trong việc xác định người nghiện ma túy tổng hợp.

3. Quy trình lập hồ sơ đi cai nghiện ma túy bắt buộc theo Nghị định số 221/NĐ-CP quá dài (tối thiểu 6 tháng). Quy định này mâu thuẫn với quan điểm xem người nghiện là người có bệnh, quan điểm chữa bệnh của ngành y tế là khi phát hiện bệnh thì phải tổ chức chữa bệnh sớm mới có hiệu quả.

4. Việc thông báo bằng văn bản về việc lập hồ sơ cho người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Khoản 1 điều 11 Nghị định 221/2013/NĐ-CP: người nghiện được đọc hồ sơ trong 5 ngày) và về việc giao người nghiện cho gia đình quản lý trong thời gian lập hồ sơ đối với người có nơi cư trú ổn định (Điểm g khoản 1 điều 9 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc); trong thực tế áp dụng là không khả thi vì hầu hết người bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là không tự giác vì vậy trong khoảng thời gian đọc hồ sơ người nghiện sẽ trốn khỏi nơi cư trú mà gia đình cũng không có khả năng quản lý.

 5. Về giao tổ chức xã hội quản lý đối với người nghiện lang thang (Quy định tại Điểm b khoản 2 điều 9 Nghị định 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) trên thực thế không triển khai được do quy định chưa cụ thể (tổ chức xã hội nào, quản lý ở đâu, theo cơ chế nào…)

Thực tế triển khai Luật xử lý vi phạm hành chính về việc áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc hiện đang rất lúng túng, gây nhiều bức xúc trong nhân dân, ảnh hưởng rất lớn đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và môi trường phát triển kinh tế xã hội ở địa bàn các tỉnh thành trên toàn quốc.

Các phương án tháo gỡ khó khăn

Với tư cách là một đại biểu Quốc hội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung kiến nghị: Trong khi thể chế chưa hoàn thiện, để áp dụng có hiệu quả quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính đối với việc đưa người nghiện ma túy đi cai nghiện bắt buộc, Quốc hội cần ban hành một Nghị quyết để giải quyết vấn đề trên thực tế đang đặt ra theo các phương án sau:

Phương án 1: Đề nghị Quốc hội ra một Nghị quyết dừng việc thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 về việc đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc và tiếp tục cho thực hiện các nội dung đưa đối tượng đi cai nghiện bắt buộc được quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002.

Phương án 2: Đề nghị Quốc hội ra một Nghị quyết tháo gỡ các khó khăn

(1) Ban hành cơ sở pháp lý để ngành y tế có cơ sử lưu giữ người nghiện từ 24-72 giờ để xác định tình trạng nghiện.

(2) Cho phép áp dụng thực hiện: Với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (xét nghiệm ma túy dương tính), đã có trong danh sách quản lý người nghiện của địa phương, đã từng đi cai nghiện (kể cả cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc) thì không cần phải theo dõi, xác định tình trạng nghiện ma túy. Không phải tổ chức giáo dục tại xã, phường, thị trán theo Nghị định số 111/2013/NĐ-CP và không phải cai nghiện tại gia đình và cộng đồng theo Nghị định 94/2010/NĐ-CP mà lập hồ sơ cai nghiện ma túy bắt buộc ngay.

(3) Những người nghiện đã từng đi cai nghiện, nay xét nghiệm dương tính: sau khi xã, phường đã lập hồ sơ thì bỏ qua bước được nghiên cứu hồ sơ trong 5 ngày. Khi Tòa án nhân dân cấp huyện họp, ngoài các thành phần quy định không cần người bị đề nghị áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc phải dự họp.

(4) Đối với người sử dụng trái phép chất ma túy lang thang không có nơi cư trú nhất định, thay vì giao cho tổ chức xã hội quản lý theo Nghị định số 221/2013/NĐ-CP thì đưa đối tượng vào lưu trú tạm thời tại các Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục lao động xã hội cấp tỉnh, trong quá trình lập hồ sơ và Tòa án xem xét, quyết định.