Nơi lưu giữ giá trị văn hóa - di sản của Công an Hà Nội:

Đưa bảo tàng đến gần nhân dân

ANTĐ - Bảo tàng Công an thành phố Hà Nội vừa được khoác lên mình một diện mạo mới, cùng với những cách tân trong cách bài trí, trưng bày… Điều này hứa hẹn đây là một “địa chỉ đỏ” giúp nhân dân hiểu hơn về truyền thống lực lượng CATP cũng là điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách đến với Thủ đô.

Đưa bảo tàng đến gần nhân dân ảnh 1Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung - Giảm đốc CATP Hà Nội, Trung tướng Bùi Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an, xem các hiện vật được trưng bày tại bảo tàng 

Bảo tàng đạt “tiêu chuẩn quốc tế”

Bảo tàng Công an thành phố Hà Nội được xây dựng trên khu đất có diện tích 1.613m2, gồm 2 tầng: Tầng 1 gồm khu vực lễ tân, phòng trưng bày trung tâm với chủ đề “Các lực lượng gần dân”; phòng trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với CATP Hà Nội”, khu bán hàng lưu niệm, phòng khánh tiết… Tại đây, người xem có lẽ sẽ ấn tượng nhất với khu trưng bày trang phục và phương tiện của chiến sỹ công an, từ cảnh sát giao thông, cảnh sát cứu hỏa… cho đến chiếc xe đạp mới dành cho cảnh sát trật tự. 

Bước lên tầng 2 là các hiện vật được trưng bày theo giai đoạn lịch sử như 1945-1954; 1954-1975; 1975-1986 và 1986 đến nay. Trong đó, toàn bộ 1.000 tư liệu, hiện vật gốc, từ các đồ dùng, các vật dụng được cán bộ, chiến sỹ Công an Hà Nội sử dụng trong quá trình đấu tranh qua các thời kỳ cho đến các hiện vật, các tang vật được cán bộ công an thu giữ qua những lần phá án… 

Ấn tượng đọng lại hơn cả trong quá trình tham quan bảo tàng chính là bảo tàng mang tính chuyên ngành nhưng phong cách thiết kế, bài trí kiến trúc rất hiện đại, bề thế. Với mục tiêu là giữ nguyên kết cấu tòa nhà, nhóm chuyên gia thiết kế đã tạo đột phá khi sử dụng hệ thống kính trang trí tiên tiến in các thông tin, những bức ảnh kỹ thuật đồ họa với hình ảnh người chiến sỹ công an cùng hình ảnh đặc trưng của Thủ đô Hà Nội như phố cổ, xích lô, chợ Tết… – tạo điểm nhấn thực sự về mặt thị giác. Cùng với đó là hệ thống trần Barrisol gương của Pháp lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam, đèn Led chiếu sáng chuyên dụng hiện đại đã tạo ra độ mở không gian, cũng như đem lại sức sống cho các gian trưng bày. Các hiện vật được bố trí theo hình thức hiện đại, thông minh, hấp dẫn – đáp ứng kỳ vọng của lãnh đạo Công an Hà Nội muốn xây dựng  Bảo tàng CATP Hà Nội mang “tiêu chuẩn quốc tế”.

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa - di sản

Đến với bảo tàng trong ngày đầu mở cửa sau khi nâng cấp và cải tạo, chúng tôi gặp được ông Lê Hòa – nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát Cơ động, CATP Hà Nội. Lặng ngắm những kỷ vật của mình và những người đồng đội năm xưa được trưng bày như chiếc võng được sử dụng trong chiến trường Bình Thuận 1971 – 1974, cây rút dép được làm từ cánh bom bi và vỏ đạn năm 1971…, ông không khỏi xúc động. “Trước đây tôi đã đến tham quan Bảo tàng CATP Hà Nội nhưng lần này khi quay lại, tôi thấy đây thực sự là một bảo tàng quy củ và hoành tráng. Việc bố trí trưng bày theo các thời kỳ đầy đủ, khoa học, gợi lại trong chúng tôi trí nhớ cũng như những cảm nhận không thể quên về một thời chiến đấu hoa lửa”. 

Khởi công từ ngày 25-5, sau 3 tháng gấp rút triển khai, đến ngày 15-8, công trình Bảo tàng CATP Hà Nội đã hoàn thiện và chính thức mở cửa phục vụ khách tham quan. Càng ý nghĩa hơn khi bảo tàng được khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống lực lượng CAND, 10 năm Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ.

Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh, dù là bảo tàng của lực lượng công an, nhưng Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP luôn tâm niệm sẽ đưa Bảo tàng CATP Hà Nội tới gần dân hơn, hòa nhập với cuộc sống của người dân hơn.

Với diện mạo mới mẻ, hiện đại, Bảo tàng CATP Hà Nội chắc chắn sẽ là địa chỉ tin cậy phục vụ không những người dân, mà còn cả du khách quốc tế, từ đó để người dân và bạn bè bốn phương hiểu thêm về công việc của những người chiến sỹ Công an Thủ đô nói riêng và lực lượng CAND nói chung. Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, trong thời gian tới, Bảo tàng CATP Hà Nội sẽ không ngừng nâng cấp, hoàn thiện để phát huy hết giá trị sử dụng, công năng; bảo quản, bổ sung hiện vật phục vụ công tác trưng bày lâu dài nhằm giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa – di sản của lực lượng công an.