Du lịch Việt Nam 2017: Chờ đợi những cuộc bứt phá

ANTD.VN - Vượt qua nhiều thách thức trong năm 2016, du lịch Việt Nam đã có một năm khởi sắc khi lần đầu cán mốc 10 triệu lượt khách quốc tế - con số cao nhất kể từ khi đất nước bước vào thời kỳ mở cửa. Hy vọng trong năm 2017, ngành công nghiệp không khói của Việt nam sẽ thực sự bứt phá trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Du lịch Việt Nam 2017: Chờ đợi những cuộc bứt phá ảnh 1Năm 2017 dự đoán là một năm nhiều chuyển biến với ngành du lịch Việt Nam

Cán cân Đông Bắc Á

Nếu có một cuộc bình chọn sự kiện đáng chú ý nhất của du lịch Việt Nam trong suốt một năm vừa qua đó chính là con số ấn tượng 10 triệu khách quốc tế, tăng hơn 26% so với năm 2015.

Cần phải nhớ lại, từ giữa năm 2014, du lịch Việt Nam đã trải qua 13 tháng “khủng hoảng” khi chứng kiến lượng khách quốc tế liên tục sụt giảm do nhiều nguyên nhân, trong đó có biến động tại thị trường Trung Quốc và sự khủng hoảng kinh tế tại Nga khiến lượng khách sụt giảm đáng kể.

Sự sụt giảm này khiến cho kết thúc năm 2015, ngành Du lịch chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn: 8,5 triệu lượt khách trong năm 2016. Tuy nhiên, với sự bứt phá ngoạn mục và có thể nói là ngoài sức tưởng tượng, năm 2016, du lịch đã không chỉ vượt mức đề ra 1,5 triệu lượt khách mà còn lần đầu tiên cán mốc 10 triệu khách quốc tế.  

Đầu tiên, hãy cùng nhìn lại sự phân bố thị trường khách đến Việt Nam. Theo số liệu Tổng cục Thống kê đến hết năm 2016, thị trường Trung Quốc vẫn dẫn đầu lượng khách vào Việt Nam với tổng số 2,69 triệu lượt (tăng 51,4% so với năm 2015).

Xếp thứ hai là Hàn Quốc với 1,54 triệu lượt (tăng 38,7%); Nhật Bản xếp thứ ba với hơn 740.000 lượt khách (tăng 10,3%). Riêng lượng khách đến từ 4 thị trường là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) đã chiếm tới 54% tổng lượt khách quốc tế đến Việt Nam. Điều này chứng tỏ cán cân thị trường khách du lịch Việt Nam đang nghiêng về thị trường khách Đông Bắc Á. 

Ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng cục Du lịch đã nhận định: “Các thị trường khách Đông Bắc Á chứng kiến sự thay đổi về thị hiếu, mức chi tiêu cũng như thời gian lưu trú. Nếu như những năm trước, du khách Trung Quốc vào Việt Nam chủ yếu qua đường bộ, qua biên giới thì năm 2016, đã có nhiều hơn các chuyến bay thuê bao (charter). Địa điểm đến được lựa chọn là các thị trường cao cấp như Nha Trang, Đà Nẵng và Phú Quốc. Trong khi đó, với làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ các doanh nghiệp vào Việt Nam, lượng khách Hàn Quốc, Nhật Bản tăng đáng kể”. 

Năm 2017 được dự đoán sẽ là một năm có nhiều chuyển biến với ngành Du lịch Việt Nam. Thứ nhất, đó là khi việc cấp thị thực điện tử (e-visa) cho du khách nước ngoài chính thức được thí điểm vào ngày 1-2-2017 sẽ tạo sự chuyển biến về tiếp cận với khách du lịch nước ngoài, nhất là với các thị trường khách xa.

Cùng với việc thí điểm cấp visa điện tử, năm 2017 cũng sẽ là năm đánh giá rõ ràng hơn hiệu quả từ chính sách miễn visa đối với công dân 5 nước Tây Âu sau 2 năm triển khai và thực hiện một cách có hiệu quả.

Thứ hai, đó là dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) đã được trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV và sẽ sớm được bổ sung, hoàn thiện. Những điểm đổi mới trong Luật Du lịch (sửa đổi) được đặc biệt quan tâm đó là điều kiện kinh doanh lữ hành, quy định về thẻ hành nghề hướng dẫn viên… được kỳ vọng sẽ tạo ra một hành lang pháp lý thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động, tránh được các biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh cũng như siết chặt quản lý kinh doanh lữ hành nội địa vốn bộc lộ nhiều lỗ hổng trong nhiều năm vừa qua. 

Hạn chế tour 0 đô la

Có một điểm dễ nhận ra trong năm vừa qua đó điểm “nóng” ở thị trường khách Trung Quốc. Sự bùng nổ khách Trung Quốc ở một số điểm du lịch Việt như Đà Nẵng, Nha Trang dẫn đến một số những hệ lụy tiêu cực như một số công ty du lịch Trung Quốc “núp bóng” doanh nghiệp Việt hoạt động trái phép gây nhức nhối tại một số điểm du lịch, tình trạng hướng dẫn viên “chui” trà trộn để lôi kéo du khách hay việc một số du khách Trung Quốc có hành vi ứng xử thiếu văn minh tại một số nhà hàng, khách sạn hay tại các địa điểm công cộng… Những hiện tượng này rõ ràng ảnh hưởng không tốt tới môi trường kinh doanh cũng như hình ảnh du lịch Việt.

Thực tế không riêng gì Việt Nam gặp phải tình trạng này. Trong cuộc họp cuối năm, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch dẫn ra câu chuyện: “Tại Thái Lan, chỉ tính riêng trong năm 2015, khách du lịch Trung Quốc đã chiếm 8,9 triệu lượt trong tổng số gần 30 triệu lượt khách quốc tế đến đất nước này. Tuy nhiên, đến năm 2016, khi nhận thấy dấu hiệu sụt giảm tại thị trường khách Trung Quốc, hệ quả của những biện pháp siết chặt quản lý từ Chính phủ, Thái Lan đã lập tức đưa ra chính sách miễn thị thực trong 3 tháng cho khách Trung Quốc để kéo dòng khách này trở lại”. 

Trong đó, vào tháng 9-2016, Chính phủ Thái Lan đã cho áp dụng một chính sách đặc biệt với khách du lịch đến từ Trung Quốc. Trong đó, để hạn chế cái gọi là những “tour 0 đô la” (tour du lịch mà địa phương không được hưởng lợi nhuận từ khách du lịch), Thái Lan đã áp dụng mức phí nhập cảnh là 1.000 Baht và phí tối thiểu là 1.000 Baht/ngày lưu trú với những đoàn khách Trung Quốc. Điều này ngay lập tức dẫn đến sự sụt giảm lượng khách Trung Quốc vào Thái Lan trong 2 tháng liên tiếp, đỉnh điểm là giảm 30% vào tháng 11-2016. Chính sách này sau đó đã phải gỡ bỏ.

Nhìn từ câu chuyện của Thái Lan, ông Nguyễn Văn Tuấn khẳng định: “Không một đất nước nào muốn phát triển du lịch lại không quan tâm đến thị trường khách Trung Quốc”. Việt Nam cũng không nằm ngoài số đó. Tuy nhiên với Việt Nam, người đứng đầu Tổng cục Du lịch cũng thận trọng cho biết, việc đón tiếp khách Trung Quốc sẽ dựa trên năng lực tiếp nhận của từng điểm đến, trong đó ngành Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm có phương án chuẩn bị tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của dòng khách này. Cùng với đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch quảng bá ở các thành phố của Trung Quốc, một mặt nhằm duy trì mức tăng trưởng, một mặt tranh thủ sức ảnh hưởng ở thị trường rộng lớn.

“Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm, coi trọng phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa qua đã chỉ rõ, có chính sách phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, sản phẩm đa dạng và tính chuyên nghiệp cao”.

(Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại tại Hội nghị toàn quốc về phát triển Du lịch ngày 9-8-2016 tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam)

“Để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trước hết cần coi du lịch là một ngành kinh tế, phải xây dựng một tư duy kinh tế trong quản lý và vận hành. Từ đó có thước đo cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể về ngành kinh tế dịch vụ chứ không đơn thuần là các chỉ tiêu về số lượng khách du dịch”.

(Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị Định hướng phát triển ngành Du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn ngày 15-7-2016)

Thu phí nhập cảnh để tái đầu tư và xúc tiến quảng bá du lịch

Du lịch Việt Nam 2017: Chờ đợi những cuộc bứt phá ảnh 2

Tháng 8-2016 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, tôi không biết là tại sao đến thời điểm này quỹ này vẫn chưa đi vào hoạt động bởi có nguồn quỹ này, chúng ta mới có kinh phí để đầu tư, quảng bá du lịch ở nước ngoài cho bài bản và lâu dài.

Còn nguồn thu quỹ này, tôi cho rằng, bên cạnh vai trò của doanh nghiệp, ta nên thực hiện đồng bộ các giải pháp khác. Chẳng hạn như với mỗi du khách nhập cảnh thu 1 USD/người - một con số không lớn. Nhưng nhân lên với 10 triệu khách, ta đã có một kinh phí đáng kể để tái đầu tư và xúc tiến quảng bá du lịch.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Việt Nam (Vitours) 

Cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp tiên phong

Du lịch Việt Nam 2017: Chờ đợi những cuộc bứt phá ảnh 3

Việt Nam cán mốc 10 triệu khách trong năm 2016 là tin hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, nếu chỉ khách Trung Quốc tăng trong khi một số thị trường khách trọng điểm, chi tiêu cao như khách châu Âu, châu Mỹ chưa tăng thì cũng cần phải nghiên cứu, tính toán xem sự tăng trưởng đó có thực chất hay không?

Về hoạt động của doanh nghiệp, tôi kỳ vọng cần có chính sách hỗ trợ, ưu tiên cho các doanh nghiệp tiên phong. Bởi khi doanh nghiệp phát triển khỏe sẽ tác động tích cực lên môi trường kinh doanh xung quanh nó. Các doanh nghiệp này đầu tư vào thị trường nội địa, sẽ là đầu tàu, tạo ra cú hích thúc đẩy doanh nghiệp khác, giảm tình trạng èo uột, cạnh tranh không lành mạnh. 

Ông Vũ Tuấn Phong, Phó Giám đốc Công ty PYS Travel