Du lịch làng nghề: Khó phát triển vì tầm nhìn manh mún

ANTĐ - Từ thiếu cơ sở hạ tầng, sản xuất kinh doanh vẫn tự phát, thiếu bài bản cho đến việc bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống giữa “cơn lốc” đô thị hóa, có thể nói việc phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội đang ở trong thế “khó trăm bề”. Đó là chia sẻ của ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. 

Du lịch làng nghề: Khó phát triển vì tầm nhìn manh mún ảnh 1

Làng nghề chưa được đầu tư bài bản

- PV: Thưa ông, trong năm vừa qua có những hoạt động nào được coi là điểm nhấn phát triển du lịch làng nghề ở Hà Nội - một trong những nơi có tiềm năng lớn về du lịch làng nghề ở Việt Nam?

 - Ông Lưu Duy Dần: Năm 2014, chúng ta đã có chuyển động tốt về làng nghề, với những hoạt động sôi nổi ở Phú Xuyên, Bát Tràng, Vạn Phúc… Đặc biệt, tôi cho rằng Phú Xuyên đã có những chuyển biến lớn, có sự hội tụ, giao lưu, cải tiến mẫu mã, chú ý những mẫu sản xuất mang tính đặc sắc, sáng tạo. Tuy vậy, không thể phủ nhận các làng nghề hiện nay vẫn ở trong trình trạng “khó trăm bề” mà nếu không giải quyết được những vấn đề nội tại sẽ không thể phát triển được. 

- Có ý kiến cho rằng, việc chưa cải thiện được “bộ mặt” làng nghề là một trong những nguyên nhân kìm hãm phát triển du lịch. Ông nghĩ sao?

- Theo tôi cái vướng mắc nhất hiện nay là hạ tầng cơ sở còn yếu kém. Ở nhiều làng nghề nổi tiếng như Vạn Phúc, Phú Xuyên, Đa Sỹ, Phú Vinh…, ngay con đường vào làng vẫn chưa hoàn thiện. Làng Sơn Đồng, Hoài Đức đẹp như vậy nhưng đường đi vào nhem nhuốc, đường không ra đường. Làng dệt Phùng Xá (Mỹ Đức), làng nón Chuông (Thanh Oai)… vào cửa thì đẹp, nhưng cách bố trí thì vẫn lộn xộn. Giãn sản xuất còn chậm, nhiều khu vực ngày một ô nhiễm. Nhiều nơi có quy hoạch nhưng để “chờ vốn” hoặc triển khai hết sức chậm trễ.

- Những năm gần đây, làng nghề truyền thống được coi là “tài nguyên” quan trọng trong phát triển du lịch và bắt đầu được nhìn nhận tương xứng với tiềm năng của nó. Tuy nhiên, dường như sự phát triển du lịch làng nghề vẫn chỉ dừng lại ở tính tự phát?

- Sự tự phát ở đây chính là các hộ kinh doanh, sản xuất vẫn chưa nhìn nhận đúng mức tầm quan trọng của phát triển du lịch. Nhiều hộ chỉ chú trọng “bán sản phẩm” chứ chưa đặt lợi ích của cộng đồng lên trên. Mặt khác, trong năm vừa qua, chúng ta cũng đã tổ chức rất nhiều sự kiện, ngày hội ở các khu vực như Làng Văn hóa, khu Quần Ngựa hay Vân Hồ… Kinh phí bỏ ra rất tốn kém nhưng rất vắng khách. Tôi cho rằng, các địa phương hãy lắng nghe tiếng nói của làng nghề, đưa cho họ quy định, thời hạn, hướng dẫn họ làm, tạo cho họ cơ chế nhất định về tài chính chứ đừng tổ chức cho có mà không điều tra xem hiệu quả đến đâu. 

Du lịch làng nghề: Khó phát triển vì tầm nhìn manh mún ảnh 2Cần tạo thêm cơ hội cho du khách trải nghiệm tại làng nghề

Kết hợp công nghệ hiện đại và truyền thống

- Người ta lo ngại về tình trạng biến mất của các làng nghề truyền thống, ông nghĩ sao? 

- Thực tế trong năm qua, khi khảo sát chúng tôi thấy thực trạng một số làng nghề đang đứng trước nguy cơ thất truyền. Làng the La Khê đã dừng sản xuất từ năm 2011, dân làng chuyển sang viết sớ, làm hàng mã, trông xe máy, xe đạp… để kiếm kế sinh nhai. Làng nón Chuông (Thanh Oai) cũng ở trong tình trạng đó. Dần dần các làng nghề truyền thống đều biến mất. Trong khi Bát Tràng, không chỉ sản xuất bát đĩa, lọ hoa…, họ đã bắt đầu chuyển hướng sản xuất thêm tiểu sành, lọ đựng tro, đồng thời nghiên cứu sản xuất các loại quan tài bằng gốm có thể xuất sang Nhật Bản. Lợi ích như vậy tại sao những làng nghề khác không làm được? Mấu chốt ở đây là kết hợp giữa công nghệ hiện đại và công nghệ truyền thống để sản xuất những sản phẩm cao cấp, phục vụ cuộc sống mà còn góp phần tháo gỡ, giải quyết thu nhập cho người dân làng nghề. 

- Theo ông cần có những biện pháp gì để bảo tồn nghề truyền thống, xây dựng thương hiệu để phát triển du lịch làng nghề trong thời gian tới?

- Cần có sự vào cuộc của Nhà nước, cũng như vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong việc định hướng, quản lý và phát triển du lịch làng nghề. Các chính sách phục vụ cho du lịch phải đề cao tính hiệu quả, trên cơ sở đạt được các tiêu chí văn hóa, gắn với du lịch, kinh tế. Theo tôi, chúng ta cần hình thành các khu tiểu thủ công nghiệp có sự gắn kết giữa các làng nghề, giữa phố nghề cổ với các làng nghề truyền thống, trên cơ sở cả hai bên cùng có lợi, minh bạch và công khai. Ngoài ra, chúng ta nên dành một phần kinh phí để mua những “độc bản” - giữ lại những sản phẩm tinh hoa, đặc sắc nhất của các nghệ nhân, đưa vào trưng bày trong các bảo tàng, quảng bá cho du khách biết đến những sản phẩm đặc trưng của làng nghề.  

- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!