Du lịch ế ẩm

(ANTĐ) - Đã bước vào mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam, tuy nhiên đến nay số lượng du khách nước ngoài mà các công ty du lịch đang nắm trong tay đều sụt giảm. Khách Nhật giảm 4,2%, khách Hàn Quốc giảm 6,3%, khách Mỹ, Canada, Anh giảm hơn 3%, khách Trung Quốc giảm tới 8,3%.

Du lịch ế ẩm

(ANTĐ) - Đã bước vào mùa cao điểm khách quốc tế đến Việt Nam, tuy nhiên đến nay số lượng du khách nước ngoài mà các công ty du lịch đang nắm trong tay đều sụt giảm. Khách Nhật giảm 4,2%, khách Hàn Quốc giảm 6,3%, khách Mỹ, Canada, Anh giảm hơn 3%, khách Trung Quốc giảm tới 8,3%.

Vậy mà, giá phòng khách sạn, giá vé máy bay, dịch vụ ăn uống cộng thêm một số chi phí lại tăng cao kéo theo giá tour tăng 15-30% so với năm ngoái. Ngành công nghiệp không khói đang ế ẩm.

Suy thoái kinh tế toàn cầu rõ ràng là có ảnh hưởng mạnh, nhiều người châu Âu chọn đi du lịch các nước láng giềng thay vì sang châu á xa xôi, giá ăn uống đắt đỏ. Đó là nguyên nhân khách quan. Về phía chủ quan thì sao? Sức hút của du lịch Việt Nam có nguy cơ giảm sút, “vẻ đẹp tiềm ẩn” vẫn “ẩn khuất” quá sâu, tìm mãi không ra. Cơ sở hạ tầng dậm chân tại chỗ. Hàng không, khách sạn phát triển chậm, nên vào những tháng cao điểm luôn thiếu hụt trầm trọng.

Khách sạn tăng giá, “cháy” phòng, còn hàng không ít sự lựa chọn về mức giá, giờ giấc. Nhiều công ty lữ hành phải từ chối khách mua tour đi Côn Đảo, Phú Quốc vì máy bay hết chỗ. Trung tâm du lịch Hà Nội, từ năm 2005 đến giữa năm nay mới có thêm 500 phòng 4-5 sao, nâng số phòng cao cấp lên 2.400, trong khi nhu cầu đến năm 2010 ước tính cần 7.000 phòng.

Các dự án đầu tư vào khách sạn, resort ở miền Trung đều giãn tiến độ hoặc dời ngày khởi công, sớm nhất sau năm 2010 mới đi vào hoạt động. Như vậy, vào những tháng cao điểm cuối năm nay và sang năm, dù lượng khách quốc tế không tăng vẫn tái diễn tình trạng khan hiếm phòng.

Nhìn toàn cảnh ngành du lịch có thể dự báo, mục tiêu đón 4,8-5 triệu lượt du khách nước ngoài năm nay là khó đạt được. Năm 2007, trong khi Malaysia đã đón 20 triệu khách quốc tế với số dân 22,5 triệu người, Singapore dân số 4 triệu đón tới 10 triệu khách, Thái Lan dân số 63 triệu đón 15 triệu khách.

Còn Việt Nam với 86 triệu dân mà chỉ thu hút vỏn vẹn 4,2 triệu du khách quốc tế, thật không dám… ngước nhìn lên! Khoảng cách “trời-vực” này không biết bao giờ mới rút ngắn được, ngay cả khi du lịch Việt Nam đạt được mức tăng trưởng 10-20%/năm như đã đề ra. Từ đầu năm đến nay, du lịch chỉ đạt mức tăng trưởng 6,9%, xem ra khoảng cách đó sẽ càng đẩy ra xa hơn. Thực trạng hiện nay là hậu quả quản lý ngành du lịch những năm qua.

Một chuyên gia trong ngành thừa nhận, khi nước ta gia nhập WTO, các nước láng giềng bất ổn về chính trị, khách quốc tế đổ dồn đến Việt Nam. Tiếc thay, ta chưa chuẩn bị sẵn sàng để đón tiếp họ. Đáng lẽ phải chớp cơ hội để tạo ấn tượng lôi kéo, níu chân khách thập phương thì các công ty lại tranh thủ “đục nước béo cò” tăng giá dịch vụ, nhiều khách sạn tăng giá tới 50%.

Không phủ nhận ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu đến du lịch Việt Nam. Song phải thừa nhận rằng, giá cả kém cạnh tranh, chất lượng dịch vụ thua kém các nước láng giềng, lại cộng thêm việc… “ăn xổi” chính là nguyên nhân đẩy ngành du lịch vào cảnh ế ẩm.

Đan Thanh