Du lịch đường sắt: Bao giờ “lột xác”?

ANTĐ - Du lịch bằng tàu hỏa là loại hình có từ rất lâu, giữ tỉ trọng cao về số lượng vận chuyển khách du lịch. Tuy nhiên chất lượng dịch vụ đi kèm chỉ ở mức độ trung bình do nhiều năm nay chưa có sự thay đổi nào đáng kể…

Nội thất trong một khoang tàu du lịch đi Lào Cai

Căng thẳng vì thiếu chỗ

Theo ông Vũ Đình Rậu - Trưởng ga Hà Nội, trong năm 2012, nhà ga phục vụ trên 200.000 hành khách trên tất cả các tuyến trong dịp Tết. Một ngày, ga Hà Nội đón 7.000-8.000 lượt khách phục vụ trên các tuyến đi TP.HCM, Vinh, Hải Phòng, Lào Cai… với trung bình 5 chuyến đi, 5 chuyến về mỗi ngày. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì con số này mới đáp ứng khoảng 50% nhu cầu đi lại của người dân. Lý giải cho nguyên nhân này, ông Rậu cho biết dù đã tăng số lượng tàu hoạt động nhưng cũng không thể tăng quá nhiều để đảm bảo chất lượng phục vụ khách. Một nguyên nhân nữa phải kể đến là  số lượng ray tàu ở sân ga có hạn, một tàu vừa về ga đã phải nhường chỗ cho tàu khác nên khó có thể đẩy nhanh tốc độ tàu khởi hành hơn được nữa. 

Trên các chuyến tàu, nhất là những tuyến đường dài, tình trạng bố trí ghế nhựa ngồi bổ sung dọc các hành lang toa tàu còn tiếp diễn. Điều này không chỉ khiến các con tàu trở nên quá tải mà còn gây khó khăn cho du khách đi lại trên tàu. Tình trạng tắc nghẽn cũng xảy ra thường xuyên tại các sân ga. Các đoàn tàu dừng cùng một thời điểm, lượng khách xuống tàu rất đông khiến tình trạng vệ sinh tại sân ga trở nên lộn xộn, khó kiểm soát.

Dịch vụ còn nghèo nàn

Nhiều người chọn tàu hỏa là phương tiện du lịch bởi sự an toàn, chi phí rẻ và được thưởng lãm cảnh quan thiên nhiên trên suốt chuyến đi. Tuy có nhiều ưu thế như vậy, nhưng nhiều năm nay, sự chuyển mình chậm chạp trong cách làm du lịch khiến chất lượng dịch vụ đi kèm chưa thể đáp ứng yêu cầu du khách. Hành khách phải lưu lại trên tàu nhiều tiếng đồng hồ cho nên mọi sinh hoạt của khách trên tàu cần được đảm bảo thoải mái và tiện nghi.

Chứng kiến cảnh một người khách phương Tây vừa vào toa lắc đầu ngán ngẩm khi nhìn thấy chăn, gối gấp cẩu thả, nhăn nhúm rồi lại phải tìm cách xoay sở, “đánh vật” để nằm vừa vào một chiếc giường bé tí mới thấy, đi du lịch bằng tàu hỏa chưa chắc đã thoải mái. Vào ban đêm, kể cả khi đã đóng cửa nhưng các toa tàu không được cách âm, tiếng ồn từ bên ngoài vọng vào làm hành khách khó lòng say giấc. Thừa tiếng ồn nhưng hệ thống loa thông báo trên tàu lại hoạt động kém hiệu quả. Trên các chuyến tàu Thống Nhất từ Hà Nội vào Sài Gòn hay chiều ngược lại, ngoại trừ một số tàu thông báo cho khách từng địa điểm trên hành trình bằng cả giọng nói địa phương và tiếng Anh, kèm thêm cả bài hát đặc trưng vùng miền thì ở một số chuyến khác chưa làm được điều này. Có những chuyến dừng lại rất lâu, thậm chí về muộn 1-2 giờ so với lịch trình nhưng nhà ga cũng không thông báo, gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch nghỉ ngơi, làm việc của hành khách. Bên cạnh đó, dịch vụ ăn uống trên tàu hiện nay cũng chưa thể làm hài lòng khách du lịch. Thực đơn thiếu phong phú cộng với giá bán đắt đỏ khiến nhiều hành khách phải chọn phương án mang đồ ăn theo thay vì ăn trên tàu.

Hiện, các hãng lữ hành, công ty du lịch đã tiến hành đầu tư sơn mới, trang trí nội thất trong các toa tàu. Các toa được ốp gỗ, được bố trí đèn ngủ, hoa tươi… đồng thời hành khách được hưởng dịch vụ đồ ăn, nước uống chất lượng cao. Tuy vậy, để sử dụng các toa hạng sang, hành khách phải trả cao hơn 20% so với vé thường và mức giá này khiến nhiều người cân nhắc. Việc chỉnh trang này sau khi được triển khai đã tạo ra những phản hồi tích cực từ phía hành khách tuy nhiên chưa tạo ra được sự đồng bộ. Ở các nhà ga, nhiều toa tàu cũ kĩ có tuổi thọ lên đến 40, 50 năm vẫn phải đưa vào phục vụ khách. Bởi vậy, bên cạnh đổi mới thiết kế các toa tàu, ngành đường sắt cần phối hợp với doanh nghiệp du lịch đầu tư cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, tình hình an ninh, trật tự tại các nhà ga, cũng như đa dạng và chuyên nghiệp hóa các loại hình dịch vụ, đội ngũ nhân viên để du lịch đường sắt có thể cạnh tranh và thu hút được nhiều khách trong nước và quốc tế.