Du lịch cộng đồng - được và mất
(ANTĐ) - Du lịch cộng đồng đã xuất hiện ở nước ta từ năm 1997. Trải qua hơn một thập kỷ hình thành và phát triển, du lịch cộng đồng đã đem lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế cho người dân địa phương. Tuy nhiên, cũng còn nhiều điều phải bàn khi xây dựng hướng phát triển cho du lịch cộng đồng ở Việt Nam.
Tận dụng mọi tiềm năng
Bắt đầu từ nhu cầu của các khách du lịch nước ngoài, muốn tự khám phá và tìm hiểu văn hóa ở Việt Nam. Các công ty lữ hành đã tìm hiểu và xây dựng nên những địa điểm du lịch cộng đồng. Hiện nay các công ty du lịch có rất nhiều lựa chọn cho tour du lịch cộng đồng như Sín Chải, hồ Ba Bể, vườn Quốc gia Bến En, Huế... Du khách sẽ tìm thấy những phút giây yên bình với cảnh thiên nhiên hoang sơ ở đó.
Với đặc thù văn hóa ở nước ta, việc phát triển theo hướng du lịch cộng đồng mang đến rất nhiều lợi ích. Thứ nhất, du lịch cộng đồng giúp bảo tồn nền văn hóa bản địa. Thứ hai, du lịch cộng đồng còn mang lại lợi ích thiết thực về kinh tế cho người dân địa phương. Bên cạnh đó, tuy phát triển du lịch nhưng mặt khác vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa vốn có của các dân tộc bản địa.
ở Việt Nam có rất nhiều loại hình du lịch cộng đồng. Như đi tham quan các làng nghề cổ, hòa mình cùng núi rừng thiên nhiên,... Trong đó, được hưởng ứng và tham gia nhiều nhất vẫn là loại hình du lịch homestay. Homestay là một thuật ngữ trong du lịch cộng đồng để chỉ hình thức du lịch cư trú tại nhà của người dân địa phương. Du lịch homestay thường hình thành ở những vùng mà không đủ điều kiện để xây dựng khách sạn, nhà nghỉ hay nhà hàng quán ăn phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Khách du lịch theo dạng homestay sẽ được bố trí đến ở một nhà dân tại địa phương, được ăn, nghỉ và tham gia các công việc trong gia đình cũng như các lễ hội của địa phương. Với homestay, khách du lịch sẽ được tự khám phá những nét đẹp còn giữ nguyên vẻ hoang sơ của thiên nhiên, tìm hiểu những nét văn hóa đặc sắc của văn hóa bản địa. Về phía người dân địa phương cũng sẽ được công ty du lịch trả thêm một phần phụ phí sinh hoạt, ăn uống khi có khách đến ở.
Phát triển theo hướng nào?
Có thể nói loại hình du lịch cộng đồng kiểu homestay mang đến nhiều lợi ích cho cả khách du lịch lẫn người dân địa phương cũng như các công ty du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích hiện hữu còn những vấn đề cần nhiều sự quan tâm. Trước đây, Bản Lác (Mai Châu, Hòa Bình) là một địa điểm du lịch cộng đồng theo dạng homestay với những căn nhà sàn đậm nét văn hóa của người dân tộc Thái, Mường. Những năm trở lại đây, việc thu hút được nhiều khách du lịch cả trong nước và nước ngoài, du lịch ở Bản Lác đã phát triển một cách nhanh chóng. Nhưng cũng kéo theo đó những mặt trái của nó. Mai Châu đã không còn là địa điểm du lịch theo đúng nghĩa homestay. Cũng ở nhà sàn, ăn cơm nương, thịt trâu gác bếp. Nhưng tất cả đều là sản phẩm du lịch. Khách du lịch sẽ không còn cảm giác được tự mình khám phá. Du khách bây giờ muốn đốt lửa trại, muốn nghe thổi khèn, xem múa sạp cũng phải đóng tiền. Bản Lác - Mai Châu không còn giữ được nhiều nét văn hóa dân tộc như xưa.
Chính bởi sự lai tạp của những nền văn hóa nên các du khách, nhất là khách du lịch nước ngoài thường ít chọn du lịch công đồng theo tour. Khách du lịch tự do thường tự mình khám phá các nơi hẻo lánh, ít bị ảnh hưởng của lối sống hiện đại. Qua sự giới thiệu của những người đi trước khách du lịch sẽ tự lên kế hoạch và tự mình trải nghiệm. Nhưng điều đó cũng kéo theo rất nhiều vấn đề. Đầu tiên đó là việc quản lý, khách du lịch theo dạng tự do sẽ không được nhận bảo hiểm. Bất cứ rủi ro nào mà du khách gặp phải sẽ không nhận được sự giúp đỡ kịp thời như khi đi theo tour có hướng dẫn viên. Nhiều trường hợp du khách tự mình leo Fansipan khi không có người dẫn đường và không ít trong số đó đã gặp tai nạn ở đây.
Việc phát triển du lịch cộng đồng rất phù hợp với đặc thù văn hóa của nước ta. Tuy nhiên trải qua hơn mười năm phát triển, giữa cái được và cái mất còn nhiều vấn đề phải bàn đến. Còn đâu những nét văn hóa truyền thống ở Mai Châu khi du lịch đã trở nên chuyên nghiệp hóa. Hay có tìm đỏ mắt cũng không thấy chợ tình Sapa truyền thống xưa kia nữa. Nhiều khách du lịch nước ngoài đã từng phàn nàn về việc bị người dân tộc tại Sapa đòi tiền nếu hỏi về chợ tình. Điều đó cho thấy, việc phát triển du lịch cộng đồng ở nước ta là đúng đắn. Nhưng cũng cần có những biện pháp bảo vệ nền văn hóa truyền thống, tránh làm mai một đi những nét văn hóa mà không dễ dàng có thể tìm lại.
Đỗ Nguyễn Đệ