Dự báo và phòng ngừa
(ANTĐ) - Dự báo về tình hình kinh tế năm 2010, một số chuyên gia cao cấp cho rằng, năm nay sẽ hồi phục khó khăn. Quá trình hồi phục sẽ “đau đớn”, có được và mất, nhưng xu thế chung vẫn là lên. Nhiều nền kinh tế đã hồi phục sớm nhưng chủ yếu là nhờ sự “bơm tiền” của Nhà nước. Việt Nam được dự báo sẽ hồi phục và tăng trưởng 6,5% không bị suy thoái mà chỉ bị suy giảm.
Vừa ra Tết, ngày đầu tiên đi làm, tin xăng tăng giá đã khiến người dân cảm nhận ngay “hơi thở” của giá cả và sự “nhạy cảm” của lạm phát. Ngay hôm sau lại có thông tin về tăng giá điện 6,8%. Giá nước sinh hoạt ở một số tỉnh, thành cũng nhích lên. Nhiều mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm, ăn uống vẫn chưa “chịu” hạ sau Tết, đang tác động ngày càng lớn lên cuộc sống và sức ép lạm phát. Chắc chắn các Bộ, ngành và nhiều doanh nghiệp lớn đã cân nhắc và có lý do riêng, để biện minh cho việc tăng giá nhưng với hàng triệu người dân thì khó có thể “xoay” được khoản thu nhập nào để bù đắp. Việc điều chỉnh giá cả là bắt buộc vì nước ta đang đi theo cơ chế thị trường.
Tuy nhiên, xăng, điện và than tăng giá không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến những đối tượng cần dùng mà trở thành “đà” để không ít mặt hàng khác lên giá theo. Giá điện tăng chắc chắn chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm sẽ không chịu đứng yên như giá cước vận tải, vé tàu xe và nhiều mặt hàng khác. Bản thân giá xăng dầu hiện nay đã thuộc quyền điều chỉnh của doanh nghiệp và động cơ điều chỉnh của họ khác với các cơ quan Nhà nước trước đây. Mục tiêu và nhiệm vụ chính của doanh nghiệp là tạo ra lợi nhuận.
Vì thế việc “chịu đựng” vì lợi ích chung, về nguyên lý là khó xảy ra. Theo một tiến sĩ thuộc Viện Kinh tế Việt Nam, về thời điểm tăng giá gây ảnh hưởng đến lạm phát nên “hãm” lại sau quý I-2010. Bởi vì khi đó sẽ nhìn rõ được tính quy luật của nền kinh tế, xem mức độ lạm phát năm nay thế nào rồi ra quyết định thì sẽ hợp lý hơn. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 1 và 2 ở Hà Nội và TP.HCM tăng cao nhưng thực ra không có nhiều ý nghĩa vì đó là tháng Tết. Qua luật sau Tết chỉ số giá sẽ giảm. Chính việc tăng hay giảm của chỉ số giá sau Tết cho thấy những dấu hiệu để dự báo cả năm.
Việc điều hành dựa trên những thông số này sẽ chính xác hơn và có tác động tích cực nhiều hơn đối với thị trường, doanh nghiệp và người dân. Quy luật chỉ số giá tiêu dùng tháng 3 phải giảm, nhưng những tín hiệu giá cả gần đây chứng tỏ nó khó có thể giảm đáng kể. Đây chính là nỗi quan ngại bởi với đà này, nước ta sẽ “hoàn thành” chỉ tiêu kế hoạch lạm phát 7% năm 2010 chỉ trong nửa đầu năm. Hai tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng đã là 3,2%. Đấy là chưa kể 3 tháng cuối năm, mức tăng chỉ số này thường cao lên. Cho nên, có thể nói một cách thận trọng rằng, giữ được chỉ số lạm phát cả năm ở mức 7% là một kỳ công.
Nước ta đã thành công trong việc điều hành kinh tế năm 2009 và lạm phát ở dưới mức 7% là một tiền đề tốt. Chúng ta đã đúc kết được kinh nghiệm kiểm soát và kiềm chế lạm phát. Thực tế người dân đã “chạm tay” vào lạm phát với việc một số mặt hàng thiết yếu tăng giá cùng thời điểm. Dự báo, “chẩn bệnh” lạm phát để có những “liều thuốc” phòng ngừa thích hợp thì dù phải “buộc bụng” cùng Nhà nước và doanh nghiệp, người dân vẫn cảm thấy yên lòng hơn. Lạm phát thấp là mục tiêu quan trọng thứ hai sau tăng trưởng cao.
Đan Thanh