Dự án khu đô thị Thịnh Liệt - Bức xúc vẫn chưa thể tháo gỡ

ANTD.VN - Báo An ninh Thủ đô số ra ngày 24-4 có bài “Dự án khu đô thị Thịnh Liệt: Dân chưa tái định cư đã phải bàn giao đất” phản ánh bức xúc của 84 hộ gia đình thuộc Tổ dân phố 68 (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai) xung quanh việc thu hồi, đền bù, hỗ trợ và tái định cư khi phải bàn giao đất cho khu đô thị mới Thịnh Liệt. Sau khi báo ra, UBND quận Hoàng Mai đã có trả lời về vấn đề này, tuy nhiên hướng giải quyết dường như vẫn rơi vào bế tắc…

Hỏi xoáy… đáp xoay

Liên quan đến dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt bị “treo” suốt 13 năm và mới được tái khởi động trong thời gian gần đây, điều khiến các hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất lo lắng nhất vẫn là câu chuyện tái định cư của họ chưa rõ ràng.

Cư dân Tổ dân phố 68 chịu cảnh bẩn thỉu, lầy lội suốt 13 năm qua

Trả lời về vấn đề này, đại diện UBND quận Hoàng Mai cho rằng: “Các hộ gia đình bị thu hồi đất sẽ được bố trí tái định cư tại chỗ bằng căn hộ chung cư tại khu CT5 của chính dự án. Giá nhà tái định cư khi đó sẽ do UBND thành phố quyết định sau khi xây dựng xong hạ tầng kỹ thuật và khu chung cư này.

Bên cạnh đó, căn cứ theo Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND ngày 29-9-2009 của UBND thành phố Hà Nội về việc ban hành quy định bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Hoàng Mai đã chỉ đạo các đơn vị có liên quan áp dụng chính sách theo đúng quy định của pháp luật”.

Tuy nhiên, theo các hộ dân thì cách giải thích này là bất hợp lý bởi thực tế họ chưa hề nhận được bất cứ phương án tái định cư cụ thể nào. Ngay cả khu CT5 của dự án hiện chỉ là một bãi đất hoang và chưa hề có công trình xây nhà tái định cư nào được khởi công. Câu hỏi sau khi bị thu hồi đất, người dân biết chuyển đi đâu hiện không ai có thể trả lời được.

Dự án khu đô thị Thịnh Liệt - Bức xúc vẫn chưa thể tháo gỡ ảnh 2Trong phương án bồi thường bổ xung năm 2010 dành cho các hộ dân Tổ 68 đều ghi họ được tái định cư, nhưng đến nay phương án cụ thể vẫn chưa hề có

Mặt khác, khi người dân kiến nghị: “Dự kiến sớm nhất phải đến năm 2019 mới có nhà tái định cư. Khi đó giá nhà sẽ cao hơn thời điểm phê duyệt phương án đền bù của năm 2009 và người dân sẽ không đủ tiền mua nổi nhà”. UBND quận Hoàng Mai đã trả lời rằng: “UBND thành phố ủy quyền cho Sở tài chính quyết định giá bán nhà tái định cư cho từng tầng, loại nhà, vị trí của từng dự án cụ thể.

Theo đó việc áp dụng đơn giá bán nhà tái định cư thuộc thẩm quyền của Sở tài chính. Khi chủ đầu tư hoàn thành xây dựng xong nhà chung cư thì Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quận Hoàng mai sẽ liên hệ với Sở tài chính để thông báo cho các họ dân Tổ 68 được biết”.

 Như vậy là cách trả lời này lại hoàn toàn mẫu thuẫn với câu trả lời trước đó. Nó là sự gián tiếp khẳng định chưa hề có nhà tái định cư cho người dân, thậm chí cả giá bán cũng chưa được phê duyệt thì không hiểu căn cứ vào đâu mà quận Hoàng Mai lại cho rằng “đã chỉ đạo các cơ quan liên quan áp dụng chính sách theo đúng quy định của pháp luật”?

Sẽ tiếp tục khiếu nại

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Trí - Trưởng ban đại diện các hộ gia đình bị thu hồi đất của Tổ dân phố 68 phương Tương Mai. Theo ông Trí thì: “Chính tại Điều 54 của Quyết định số 108/2009/QĐ-UBND mà UBND quận Hoàng Mai viện dẫn để trả lời người dân cũng quy định rõ về phương án tái định cư. Cụ thể là, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận phải lập phương án tái định cư chi tiết cho từng tổ chức, hộ gia đình. Nội dung tái định cư gồm: tính toán diện tích căn hộ được bố trí tái định cư, số tiền mua nhà, tiền sử dụng đất phải nộp, phương án di dời.

Ông Nguyễn Mạnh Trí - Trưởng ban đại diện các hộ gia đình bị thu hồi đất của Tổ dân phố 68 phương Tương Mai: "Chúng tôi sẽ tiếp tục khiếu nại nếu không được bồi thường và tái định cư thỏa đáng"

Trong đó phương án tái định cư, quy chế bắt thăm căn hộ phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND phường. Việc niêm yết phải được lập thành biên bản có xác nhận của UBND phường, MTTQ và đại diện những người có nhà, đất thuộc phạm vi dự án.

Biên bản phải ghi rõ số lượng ý kiến của người bị thu hồi đất đối với phương án này. Tất cả các khâu này đều chưa hề được thực hiện nên việc yêu cầu người dân phải bàn giao đất là vi phạm nghiêm trọng quy trình GPMB theo Luật đất đai 2013 và các quy định của UBND thành phố Hà Nội”.

Trao đổi với báo ANTĐ về vấn đề tái định cư mà người dân đang bức xúc này, ông Vũ Nguyên Vũ - Giám đốc Công ty TNHH MTV nhà ở và đô thị Licogi cũng cho biết: “Để phối hợp với UBND quận Hoàng Mai giải quyết những khiếu nại của người dân, công ty đang đề xuất 3 phương án. Một là sẽ trả tiền tạm cư cho người dân đi thuê nhà trong thời gian xây dựng nhà tái định cư tại chỗ.

Hai là các hộ gia đình nào được bố trí tái định cư mà đồng ý tự lo tái định cư thay vì mua nhà theo tiêu chuẩn thì công ty sẽ hỗ trợ bù thêm 6,8 triệu đồng/m2. Ba là công ty sẽ xin mua lại các căn hộ tại tòa N06 khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp thuộc quỹ nhà tái định cư của thành phố để bố trí cho người dân”.

Tuy nhiên, xem ra cả 3 giải pháp này cũng khó thực hiện vì theo Quyết định 23/2014/QĐ-UBND việc trả tiền tạm cư chỉ được thực hiện khi người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng. Trong khi hiện nay, người dân kiên quyết không chịu di dời vì cho rằng giá đền bù quá thấp không đủ để đi mua nhà tái định cư mới.

Phương án bù thêm 6,8 triệu cho người dân tự lo tái định cư cũng không phù hợp bởi theo Quyết định 47/2016/QĐ-UBND, những dự án, hạng mục đã hoặc đang thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ và tái định cư sẽ không được áp dụng theo cách án này. Còn phương án thứ 3 thì khó triển khai bởi đây không phải dự án của thành phố nên chưa chắc quỹ nhà tái định cư vốn đang rất hạn hẹp lại có thể dành cho người dân ở đây.

Báo ANTĐ sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.