Dự án để đất "đắp chiếu" 10 năm vẫn không bị xử lý, liệu có "nể nang nhà đầu tư"?

ANTD.VN - Đại biểu (ĐB) Nguyễn Hoài Nam, Trưởng Ban Pháp chế - HĐND TP Hà Nội dẫn chứng, chỉ trong 4 quận nội thành hiện cũng có rất nhiều dự án sử dụng đất chậm tiến độ 5-10 năm nay dù không vướng mắc gì… “Phải chăng chúng ta còn nể nang với các chủ đầu tư?” – ĐB này chất vấn.

ĐB Nguyễn Hoài Nam đặt câu hỏi đề nghị Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội giải trình

Sáng nay, 13-8, mở đầu phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, các ĐB đã tập trung chất vấn với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Trọng Đông.

Các ĐB Trịnh Xuân Quang, Hồ Vân Nga đề nghị Giám đốc Sở TN&MT cho biết số lượng dự án cụ thể vi phạm Luật đất đai trên địa bàn là bao nhiêu, nhất là các dự án chậm tiến độ 5-10 năm? Một số ĐB khác dẫn chứng hàng chục dự án chậm tiến độ, để đất “đắp chiếu” 5-10 năm nay mà chưa bị xử lý như: dự án Văn La-Hà Đông, dự án trường THPT Dân lập Trần Quang Khải (xã Yên Ninh, huyện Thanh Trì), KĐT Mỹ Hưng (Thanh Oai…

ĐB Nguyễn Hoài Nam băn khoăn về việc rất nhiều chủ đầu tư tái phạm dù họ “rất có năng lực” và cũng không vướng mắc gì về quy hoạch, tài chính. ĐB này dẫn chứng, ngay trong 4 quận nội thành hiện cũng có những dự án đã chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng 10 năm nay, trở thành điểm trông giữ xe, rất lãng phí… ĐB này đặt vấn đề: “Phải chăng chúng ta chưa quyết liệt, chưa thể hiện trách nhiệm đôn đốc, nể nang các nhà đầu tư?”…

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông giải trình ý kiến của các ĐB

Trả lời câu hỏi của các ĐB, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, các dự án trên địa bàn Hà Nội được giao đất, sử dụng đất cơ bản đáp ứng tiến độ, dùng đúng mục đích. Song đúng là cũng còn nhiều dự án có sử dụng đất trên địa bàn thành phố chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích, để đất hoang hóa.

Trên thực tế, qua các đợt kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng, các chủ đầu tư của các dự án kể trên cũng có ý thức đưa đất vào sử dụng, tuy nhiên có nhiều nguyên nhân dẫn tới chậm triển khai.

Trong đó, nguyên nhân một phần do thay đổi chính sách về đất đai khi Luật Đất đại 2013 được Quốc hội thông qua có hiệu lực từ 1-7-2014 kéo theo nhiều chính sách về giải phóng mặt bằng (GPMB) thay đổi.

Nguyên nhân thứ 2 được chỉ ra là bản thân các chủ đầu tư chưa quyết liệt, chủ động trong việc phối hợp với chính quyền địa phương và các sở ngành liên quan tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về GPMB cũng như tập trung vốn cho việc này.

Một nguyên nhân nữa là sau khi mở rộng địa giới hành chính Hà Nội vào 2008, Chính phủ đề nghị thành phố lập quy hoạch chung, trong quá trình triển khai thì thành phố tiếp tục phải lập quy hoạch phân khu. Quá trình rà soát có trên 240 dự án phải điều chỉnh quy hoạch để phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu…

Toàn cảnh phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội

Về giải pháp, Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, với những đơn vị, dự án đã được thanh tra, kiểm tra, xử lý rồi thì Sở sẽ công bố công khai tại Cổng thông tin của Sở, của Bộ để người dân biết.

Đặc biệt, theo quy định của Luật thì việc thực hiện đúng tiến độ các dự án có sử dụng đất chính là một căn cứ để được giao đất, chấp thuận dự án tiếp theo. Do đó, với các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, Sở TN&MT sẽ tăng cường kiểm tra, nếu chậm khắc phục thì sẽ kiên quyết không cấp dự án mới.

Theo ông Đông, đến nay, Sở TN&MT thành phố đã thực hiện thanh tra, kiểm tra được 215 dự án, qua kiểm tra có 64 dự án đã khắc phục. 151 dự án còn lại thì có 21 dự án đã kiến nghị thu hồi đất và xử phạt; 11 dự án vướng mắc do quy hoạch, GPMB; 30 dự án do thanh tra các ngành tiến hành thanh kiểm tra; 89 dự án khác Sở đang tiếp tục tiến hành thanh kiểm tra, dự kiến trong quý III này sẽ hoàn thành việc kiểm tra, xử lý…

Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Nguyễn Trọng Đông nhấn mạnh, về việc xử lý thu hồi đất, nếu các dự án đã bị kiểm tra, xử lý vi phạm nhưng sau 24 tháng vẫn tiếp tục vi phạm thì sẽ thu hồi đất.

Tuy vậy, việc thu hồi này thực hiện theo Luật đất đai 2013 cũng rất khó khăn. Quan điểm là với các dự án sử dụng đất chậm tiến độ 5-10 năm thì sẽ không gia hạn nữa. Thời gian tới Sở sẽ ra quân xử lý nghiêm, trừ những trường hợp bất khả kháng.

Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết thêm, với quy định về xử phạt các dự án chậm tiến độ như trên, Luật Đất đai năm 2013 và các quy định của Chính phủ quy định với Thủ đô được xử phạt tới 1 tỷ đồng với 1 dự án, là mức cao nhất. Quả thực với tình hình Thủ đô hiện nay thì mức này chưa đủ sức răn đe. Nên tới đây Sở sẽ cùng các ngành nghiên cứu dự thảo quy định để báo cáo UBND TP, HĐND TP để nâng mức xử phạt theo quy định của Luật Thủ đô lên gấp đôi.