Đột phá cho giáo dục Việt Nam
(ANTĐ) - Ngày 18-12, dự thảo chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020 đã được Bộ GD-ĐT chính thức công khai để phản biện trước các cơ quan ngôn luận cũng như các tổ chức, ban, ngành liên quan. Theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân, nhiều yếu kém của nền giáo dục Việt Nam đã tồn tại từ 20 năm nay nhưng với những giải pháp mới đã được thực hiện trong 2 năm gần đây và những định hướng sắp tới, giáo dục Việt Nam sẽ có những bước đột phá để phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Học sinh sẽ được tiếp cận với phương pháp và chương trình đào tạo tiên tiến |
Thay đổi về quản lý
Nhìn nhận những yếu kém đang tồn tại trong nền giáo dục trong nước, ông Nguyễn Hữu Châu - Viện trưởng Viện Chiến lược giáo dục, Bộ GD-ĐT cho rằng một trong những nguyên nhân chính là tư duy giáo dục chậm đổi mới, chưa thích ứng với sự phát triển của kinh tế, xã hội do đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý chưa đáp ứng được nhiệm vụ mới.
Tại các trường ĐH, CĐ số giảng viên có trình độ tiến sỹ còn quá ít khiến chất lượng đào tạo chưa được cải thiện. Đặc biệt việc chậm đổi mới trong các trường sư phạm khiến đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới về nghiệp vụ. Ngoài ra, trình độ của các nhà quản lý giáo dục cùng sự chồng chéo, thiếu phân cấp cũng khiến hệ thống giáo dục bị tụt hậu.
Diện mạo các bậc học Việt Nam năm 2020 (ANTĐ) - Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam đến năm 2020, đặt ra các mục tiêu phát triển khả quan đối với từng bậc học. Theo đó, giáo dục mầm non sẽ thực hiện phổ cập giáo dục một năm cho trẻ 5 tuổi để chuẩn bị tốt cho trẻ học lớp 1 với 99% số trẻ 5 tuổi được học 1 năm mẫu giáo chuẩn bị vào lớp 1 năm 2020. Đối với giáo dục phổ thông, 99% số trẻ em trong độ tuổi đi học tiểu học và THCS. Tất cả học sinh tiểu học được học 2 buổi/ ngày vào năm 2020. Học sinh tiểu học được học chương trình tiếng Anh mới từ lớp 3 và 70% số này đạt mức độ 1 theo chuẩn năng lực ngoại ngữ quốc tế vào năm 2020. Khả năng sử dụng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh của học sinh phổ thông Việt Nam tương đương với HS ở các nước phát triển trong khu vực. Giáo dục thường xuyên đặt mục tiêu đưa tỉ lệ người biết chữ trong độ tuổi từ 15 trở lên là 98% vào năm 2020. Đặc biệt, với giáo dục đại học, tỷ lệ sinh viên đạt 450/vạn dân, trong đó 80% số sinh viên tốt nghiệp được các nhà tuyển dụng đánh giá đáp ứng được yêu cầu công việc... Bảo Anh |
Giải pháp được coi là đột phá trong Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam là đổi mới quản lý giáo dục, đồng thời xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đối với giải pháp đổi mới quản lý giáo dục, Bộ GD-ĐT cho biết sẽ thực hiện dần việc bỏ cơ chế bộ chủ quản đối với các cơ sở giáo dục ĐH.
Thực hiện phân cấp quản lý mạnh đối với các địa phương và các cơ sở giáo dục; nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm ở các cơ sở đào tạo về nội dung đào tạo, tài chính, nhân sự...
Giải pháp xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đặt ra việc nhanh chóng tiến tới thực hiện chế độ hợp đồng thay cho biên chế trong quá trình tuyển dụng để tạo sự cạnh tranh lành mạnh và ý thức phấn đấu. Năm 2009 bắt đầu thí điểm để tiến tới thực hiện việc hiệu trưởng quyết định mức lương cho từng giáo viên, giảng viên dựa trên kết quả công tác của cá nhân.
Cải tiến chất lượng các bậc học
Mặc dù từ nhiều năm nay, ngành giáo dục liên tục đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục trong các cấp học từ mầm non đến phổ thông nhưng nhiều hạn chế vẫn đang bộc lộ, thậm chí cả ở bậc đại học. Chương trình giáo dục các bậc học còn thiếu thực tế, nặng về lý thuyết, chưa gắn với yêu cầu xã hội, chưa phù hợp với nhu cầu và khả năng học tập của học sinh. Ngoài ra, cơ cấu hệ thống giáo dục chưa đồng bộ, thiếu tính liên thông đang gây ra tình trạng mất cân đối giữa trình độ, ngành nghề, không đáp ứng yêu cầu nhân lực của xã hội.
Rất nhiều giải pháp đã được Bộ GD-ĐT đưa ra, trong đó có việc tái cấu trúc hệ thống giáo dục, tiếp tục đổi mới chương trình và tài liệu giáo dục. Theo đó, ngay tháng 12-2008, chương trình giáo dục mầm non mới sẽ được thẩm định và áp dụng từ năm học tới.
Với chương trình phổ thông cũng sẽ áp dụng hình thức mới, dựa trên một chương trình chuẩn quốc gia, xây dựng các chương trình giáo dục địa phương phù hợp với nhu cầu và điều kiện tổ chức giáo dục từng nơi, với nhiều bộ sách giáo khoa được biên soạn để các địa phương lựa chọn. Giáo dục nghề nghiệp và ĐH, CĐ cũng sẽ được xây dựng các chương trình khung để các trường dựa vào đó tự xây dựng chương trình phù hợp.
Phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá kết quả học tập, kiểm định và đánh giá các cơ sở giáo dục cũng có những bước thay đổi mạnh mẽ. Theo đó, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đánh giá quốc gia về chất lượng học tập của học sinh 3 năm/lần, thực hiện việc học sinh đánh giá giáo viên, giáo viên đánh giá cán bộ quản lý... Việc kiểm định các cơ sở giáo dục sẽ được tiến hành để công bố công khai kết quả cho người dân...
Vinh Hương
Nhiều băn khoăn về tính khả thi (ANTĐ) - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trả lời các câu hỏi về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam. - PV: Bệnh thành tích trong giáo dục phát sinh một phần là do những con số mà phổ cập giáo dục đặt ra trong Chiến lược giáo dục 2001 - 2010. Liệu những mục tiêu đặt ra trong chiến lược giáo dục 2009 - 2020 có lại tiếp tục đẩy các địa phương vào tình trạng đó? Sắp tới Bộ sẽ có cuộc làm việc với 7 tỉnh có nguy cơ không đạt được mục tiêu này để bàn các biện pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu thật sự địa phương không thể đạt mục tiêu phổ cập THCS vào năm 2010 thì cũng sẽ chấp nhận chứ không chạy theo thành tích. - PV: So với các bản dự thảo trước đây, nhiều chỉ tiêu đã được điều chỉnh theo hướng giảm xuống. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục vẫn nhận định rằng có nhiều con số không khả thi. ý kiến của ông về việc này như thế nào? - Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Các mục tiêu đưa ra đều có chỉ tiêu cụ thể, để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, ngoài ngân sách hàng năm cho giáo dục và chương trình kiên cố hóa trường học, sẽ dành ngân sách để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo đến năm 2020, bao gồm 14 dự án. Qua các lần sửa đổi, bổ sung, một số chỉ tiêu đã được điều chỉnh giảm xuống mang tính khả thi hơn. Còn việc vẫn có người cho rằng đây là những chỉ tiêu “lãng mạn” thì Bộ phải gặp gỡ, nghe họ thêm thì mới nói được. P.V |