Đột phá chính sách tiền lương, xóa bỏ cơ chế trả lương bình quân, cào bằng

ANTD.VN - Tiền lương của nhóm công chức, viên chức hiện nay còn nhiều bất cập. Lương không đủ sống khiến người lao động không chuyên tâm với công việc, năng suất lao động thấp, thậm chí còn sinh ra tiêu cực, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cải cách tiền lương để tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội

Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, dù đã trải qua 4 lần cải cách, nhưng đến nay chính sách tiền lương ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế bất cập. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta phải tiến hành cải cách một cách cơ bản chính sách tiền lương.

Tăng lương không đủ bù trượt giá

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ tiền lương (Bộ Nội vụ), vấn đề tiền lương trong khu vực công đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Cụ thể, thiết kế hệ thống thang, bảng lương chưa phù hợp với vị trí việc làm, chức vụ, chức danh. Tiền lương chưa phải là thu nhập chính của cán bộ công chức, còn mang tính bình quân, cào bằng, chưa tạo được động lực để nâng cao hiệu quả làm việc. Có quá nhiều phụ cấp, đôi khi xảy ra trường hợp lương thì thấp, trợ cấp thì nhiều, dẫn đến sự méo mó trong quan hệ tiền lương.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một cử nhân sau khi tốt nghiệp đại học bắt đầu đi làm có hệ số lương là 2,34 nhân với mức lương cơ sở, cộng thêm phụ cấp thì thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 4 triệu đồng. Việc nâng lương cũng thực hiện theo kiểu “cào bằng” và “đến hẹn lại lên” nên không tạo động lực động lực đủ mạnh khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức và người lao động phát huy tài năng, cống hiến.

Mặc dù từ năm 2004 đến 2017, tốc độ tăng lương cơ sở đã lên tới 4,5 lần, nhưng so với thị trường lao động thì còn quá thấp, chưa đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu cho công chức, viên chức. So với lương tối thiểu vùng Chính phủ công bố áp dụng năm 2018, thì mức tiền lương cơ sở mới chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu sống tối thiểu.

Theo các nhà nghiên cứu chính sách, việc cải cách tiền lương đã không mang lại kết quả như mong muốn, vẫn ở mức thấp so với thị trường lao động, với nhiều người tiền lương tăng thêm còn chưa đủ để chi bù cho tốc độ trượt giá. Do đó, để thực hiện thành công cải cách về chính sách tiền lương cần thực hiện đồng bộ với quá trình đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh giản, hiệu quả. 

Tạo đột phá trong cải cách tiền lương

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, mục tiêu của cải cách chính sách tiền lương lần này là phải làm cho được tiền lương là thu nhập chính, bảo đảm đời sống cho người lao động và gia đình họ; thu hẹp khoảng cách tiền lương giữa khu vực công với khu vực thị trường để có thể thu hút nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở khu vực nhà nước. 

Do đó, đối với khu vực hành chính, Nhà nước sẽ bãi bỏ hệ thống gồm 7 bảng lương với các hệ số hiện nay. Thay vào đó, bảng lương mới được thiết kế theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh.

Cụ thể, Nhà nước sẽ ban hành hệ thống bảng lương mới gồm 3 bảng lương: Một là, bảng lương chức vụ áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã. Hai là, bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo, để khuyến khích người lao động tập trung làm chuyên môn. 

Ba là, bảng lương đối với lực lượng vũ trang. Trong đó chia ra bảng lương dành cho sĩ quan quân đội, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ công an (theo chức vụ, chức danh và cấp bậc quân hàm, cấp hàm), bảng lương quân nhân chuyên nghiệp, chuyên môn kỹ thuật công an và bảng lương của công nhân quốc phòng, công nhân công an. 

Theo đề án, cơ cấu tiền lương và tiền thưởng mới gồm: mức lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương, các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30%; tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ lương lấy từ nguồn tiết kiệm chi, tăng thu để trao cho người đứng đầu cơ quan, đơn vị hay trao cho người lao động giỏi.

Đối với khu vực doanh nghiệp, thực hiện điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu vùng để đến năm 2020 đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động; giảm dần và tiến tới bãi bỏ sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.