Động đất gia tăng về tần suất

(ANTĐ) - Chỉ trong 4 ngày cuối tháng 4-2011, khu vực Điện Biên - Lai Châu liên tiếp xảy ra 10 trận động đất với cường độ trên 3,5 độ richter. Theo nhận định, động đất cùng những dư chấn của nó sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc hơn.

Động đất gia tăng về tần suất

(ANTĐ) - Chỉ trong 4 ngày cuối tháng 4-2011, khu vực Điện Biên - Lai Châu liên tiếp xảy ra 10 trận động đất với cường độ trên 3,5 độ richter. Theo nhận định, động đất cùng những dư chấn của nó sẽ xuất hiện với tần suất dày đặc hơn.

4 ngày 10 trận động đất

Là tỉnh thường xuyên xảy ra động đất nhưng Lai Châu chưa được cảnh báo. ẢNh: Ýmới.cọm
Là tỉnh thường xuyên xảy ra động đất nhưng Lai Châu chưa được cảnh báo. ẢNh: Ýmới.cọm

Trận động đất gần đây nhất là vào ngày 28-4 với cường độ 4,1 độ richter. Tâm chấn động đất nằm trên địa phận Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ, Lai Châu). Trước đó, trên địa bàn tỉnh Lai Châu vào các ngày 25 và 26-4, cũng liên tiếp xuất hiện 2 trận động đất cường độ 3,8 và 3,6 độ richter.

TS. Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cho biết, “những trận động đất cuối tháng 4 vừa qua được xác định là những trận yếu, khó có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. “Những trận động đất này đều nằm trên các đới đứt gãy Sơn La và Lai Châu - Điện Biên. Chỉ 4 ngày cuối tháng 4, Trung tâm đã ghi nhận được khoảng 10 trận động đất xảy ra trên 2 đới đứt gãy này nhưng ngoài 3 trận động đất ở Lai Châu, tất cả các trận động đất còn lại đều nhỏ hơn 3,5 độ richter nên theo quy chế báo tin động đất chúng tôi không phát đi bản tin động đất”, ông Minh nói.

Cũng theo ông Minh, đới đứt gãy Sơn La có thể gây ra động đất cực đại mạnh tới 7 độ richter và trên thực tế đã từng xảy ra động đất mạnh 6,8 độ richter. Trong khi đó, động đất trên đới đứt gãy Lai Châu - Điện Biên mạnh nhất là 6,1 - 6,5 độ richter. Ông Minh cho rằng, các trận động đất xảy ra trong những ngày qua chứng tỏ 2 đới đứt gãy trên đang hoạt động tích cực và hiện chưa thể lý giải được nguyên nhân. Người dân và chính quyền các địa phương ở khu vực này cần chủ động đề phòng sự xuất hiện của các trận động đất lớn hơn.

Đới đứt gãy sông Hồng trải dài hầu khắp các tỉnh phía Bắc, có chiều dài khoảng 1.560km, chạy từ Vân Nam (Trung Quốc) nhập với đới đứt gãy kinh tuyến 109. Đới này xê dịch khoảng 2mm/năm, có thể gây động đất lên tới trên 6 độ richter. 

Các đới đứt gãy đang hoạt động mạnh

So với các năm trước đó, động đất xảy ra nhiều hơn và có xu hướng gia tăng. Các trận động đất này chứng tỏ các đới đứt gãy ở nước ta đang hoạt động mạnh và không loại trừ chu kỳ động đất mạnh đang lặp lại. Ông Minh cho biết, trên thực tế, ở nước ta cứ sau khoảng 20 - 30 năm lại xuất hiện một trận động đất mạnh trên 6 độ richter. Theo các nhà khoa học thuộc Viện Vật lý địa cầu, động đất tại Việt Nam không mạnh so với nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu ở mức trung bình và trung bình yếu. Tần suất xuất hiện động đất mạnh từ cấp 6 đến cấp 9 là rất thấp. Trong đó, trung bình khoảng 10 năm xảy ra 1 trận động đất mạnh cấp 7 và 5 năm xảy ra 1 trận động đất cấp 6.

Ông Đào Ngọc Hưởng, Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Lai Châu cho biết, trận động đất sáng 28-4 không gây thiệt hại về người và tài sản.

Theo ông Hưởng, các nhà địa chất và cơ quan hữu trách cấp bộ, ngành chưa cảnh báo với Lai Châu cần phải xây dựng các công trình có khả năng kháng chấn và trên thực tế, có rất ít tòa nhà, công trình xây dựng trên địa bàn có thiết kế kháng chấn. Các tỉnh miền núi phía Bắc, dù dân cư thưa thớt, nhưng lại có nhiều công trình quốc gia quan trọng. Nếu tỉnh nào cũng bị bỏ ngỏ như Lai Châu, khi sự việc xảy ra, trách nhiệm sẽ thuộc phần ai?

Hải Dương