Đơn lẻ thì dễ bẻ

ANTĐ - Trong cạnh tranh, ai nắm được hệ thống phân phối thì nắm được thị trường. Nguy cơ hàng Việt bị “hất cẳng” tại chính sân nhà đang trở thành hiện thực khi các “đại gia” Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ  “đổ bộ” vào siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng bán lẻ. Vì đâu nên nỗi? Tại họ “cao tay” hay do ta chậm trễ?

Chỉ riêng năm 2015, nước ta có tổng cộng 525 thương vụ mua bán, sáp nhập có giá trị trên 4,3 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2014. Gần đây nhất, Tập đoàn Central Group của Thái Lan đã qua mặt một loạt đối thủ nặng ký để sở hữu Big C Việt Nam. Sau khi thâu tóm được 2 hệ thống siêu thị rất mạnh là Metro và Big C, họ đã yêu cầu mức chiết khấu rất cao đối với các nhà sản xuất trong nước.

Đã quá rõ nguy cơ họ sẽ gạt các doanh nghiệp Việt ra để đưa các sản phẩm Thái Lan vào hệ thống phân phối. Không chỉ Thái Lan, các “ông lớn” bán lẻ hàng đầu thế giới cũng đã có mặt và đang bành trướng trên quy mô lớn như Lotte (Hàn Quốc), AEON (Nhật Bản), Circle K (Mỹ), Shopx Go (Singapore). 

Người ta ví hệ thống phân phối là huyết mạch của nền kinh tế, hàng hóa sẽ theo đó “chảy” đến tay người tiêu dùng. Khi huyết mạch này nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài, nguy cơ mất sản xuất, trở thành người làm thuê, gia công trên đất nước mình cũng đang hiển hiện.

Có ý kiến cho rằng, thực trạng này là do người Thái cao tay trong chiến lược xâm nhập thị trường Việt Nam, từ việc cài cắm các doanh nghiệp sản xuất cho đến thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm ở Việt Nam để thăm dò thị hiếu và nhu cầu người tiêu dùng. Tuy nhiên, về bán lẻ, người Thái không thực sự mạnh bằng Hàn Quốc, Nhật và nhiều công ty đa quốc gia. Vậy vấn đề ở đây là gì, vì sao dẫn đến hệ lụy hiện nay?

Ý kiến của giới chuyên gia đều nhất trí rằng, so với chúng ta, các tập đoàn bán lẻ thế giới quá nhanh chân, bài bản và chuyên nghiệp. Sau Hiệp định Thương mại  Việt-Mỹ, nước ta có tới 10 năm chuẩn bị để cho phép thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài trong lĩnh vực phân phối.

Song, chừng đó thời gian, hầu như nhà nước không có cơ chế,  chính sách đặc thù, ưu đãi và đột phá dể xây dựng, phát triển hệ thống phân phối nội địa. Về phía doanh nghiệp, cũng nên tự trách mình vì lơ là, chậm trễ trong việc mở rộng quy mô. Dù thời gian chuẩn bị không ngắn, nhưng chưa tạo được thương hiệu phân phối đủ mạnh để làm đối trọng với các “đại gia” nước ngoài. 

Mặc dù đã chậm trễ, các doanh nghiệp Việt không thể phó mặc theo làn sóng thị trường mà phải tự nguyện liên kết với nhau. Người mạnh giúp người yếu, nắm chặt tay cùng vượt khó để tự cứu mình.