Thi đua lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVI

Đón đầu mô hình Chính phủ điện tử

ANTĐ -  “Việc tốt giúp được người dân, khó đến mấy cũng phải làm và làm bằng được” - Đó là chỉ đạo xuyên suốt được Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP Hà Nội quán triệt đến toàn lực lượng Công an Thủ đô qua những hội nghị giao ban, hay những cuộc chuyện trò hết sức thẳng thắn. Tinh thần ấy đã và đang lan tỏa toàn diện các mặt công tác của Công an Hà Nội với một trong những điểm nhấn là cải cách hành chính thiết thực phục vụ nhân dân.

Đón đầu mô hình Chính phủ điện tử ảnh 1CATP Hà Nội hướng dẫn người dân khai hồ sơ cấp hộ chiếu qua mạng Internet. Ảnh: Thuần Thư

Từ giấy tờ đến hệ thống cơ sở dữ liệu

Cuối năm 2013, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ Công an và thành phố Hà Nội, sau thời gian dài ấp ủ và chuẩn bị,  Đảng ủy - Ban Giám đốc CATP thí điểm thực hiện, phân công lực lượng CSKV 10 phường trên địa bàn thành phố tiến hành thu thập thông tin quản lý nhân khẩu, hộ khẩu và nhập liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung của CATP. Hiểu một cách đơn giản, những thông tin cư dân đang được lưu trữ trong các bộ hồ sơ, giấy tờ ở công an các phường, đồn, đội, trạm, sẽ từng bước cập nhật vào máy tính. Và thay vì được bảo quản ở điều kiện môi trường không có lợi, cập nhật và tra cứu một cách thủ công, hệ thống CSDL dùng chung khi đi vào vận hành sẽ tin học hóa toàn bộ các quy trình. Chiếc bàn phím và máy tính sẽ chịu trách nhiệm lưu trữ thông tin với tính năng bảo mật tối ưu. 

Lặng lẽ nhưng đầy quyết tâm, với tinh thần trách nhiệm cao nhất từ người chỉ huy đến CBCS, sau giai đoạn thí điểm ở 10 phường, việc cập nhật, bổ sung thông tin phục vụ hệ thống CSDL được nhân rộng toàn thành phố. Tính đến ngày 15-6-2015, đã có hơn 7 triệu phiếu thông tin được nhập vào hệ thống CSDL dùng chung của CATP. 

Trong hệ CSDL ấy, mỗi thông tin có đủ 32 “trường” thông tin, đảm bảo tính chính xác, đầy đủ theo đúng quy định của Luật Căn cước công dân. Giai đoạn tiếp theo đó, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH, CSKV đang tích cực hoàn thiện đầy đủ, thẩm tra nghiên cứu chính xác các trường thông tin có được hệ CSDL đúng chủ trương, chỉ đạo mà Đảng ủy, Ban Giám đốc CATP đề ra; đồng thời đáp ứng yêu cầu kết nối thông tin với các ngành, lĩnh vực khác. Đúng như nhận định của nhiều nhà quản lý và chuyên gia, hệ thống CSDL dân cư dùng chung của CATP chính là sự đón đầu, một “lát cắt” của mô hình chính phủ điện tử với tính ứng dụng hiện đại.

Hiệu quả hữu hình 

Khó có thể nói hết được những vất vả của cán bộ trong quá trình triển khai thu thập, cập nhật, bổ sung, hoàn thiện hệ thống CSDL dùng chung của CATP. Song, giúp từng CBCS vượt qua những vất vả ấy, chính là việc quán triệt, nhận thức rõ “thông điệp” mà hệ thống CSDL dùng chung hướng đến: phục vụ cho công tác chuyên môn và phục vụ nhân dân tốt nhất.

Ngay ở giai đoạn đầu, những tính năng của hệ thống đã phát huy hiệu quả nhất định.

Đó là nhiều trường hợp trẻ em, người già lạc đường đã được các chiến sỹ công an dùng công nghệ - ứng dụng của hệ thống CSDL nhanh chóng tìm ra địa chỉ, người thân để đưa các em, các cụ về với gia đình. “Hàng xóm nhà tôi có cụ ông gần 90 tuổi đi lạc, nhưng chỉ sau gần 2 giờ đồng hồ trình báo, công an đã tìm được cụ và đưa về nhà. Chính CSDL của các anh công an là chìa khóa để giải quyết sự việc này một cách nhanh chóng nhất, giúp gia đình tôi sớm có được sự đoàn tụ” - ông Nguyễn Văn Nghĩa, trú phố Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội khâm phục nói.

Đại tá Lê Học Thu, Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH CATP Hà Nội chia sẻ, việc khai thác dữ liệu trong hệ thống CSDL dùng chung còn giúp giảm từ 25-30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Chưa kể, sự chính xác, nhanh chóng của thông tin đã giúp các cấp, các ngành, các cơ quan doanh nghiệp thuận tiện trong việc giải quyết thủ tục của công dân.

Cùng với hệ thống CSDL dùng chung, thực hiện chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc chuyên môn, từ tháng 8-2014, CATP đã triển khai việc đăng ký hộ khẩu trên máy tính tại 12 công an quận. Hơn 1 năm qua, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH đã tiếp nhận, giải quyết trên 70.000 hồ sơ đăng ký thường trú. Việc thực hiện công tác xác minh, in sổ hộ khẩu trên hệ thống máy tính đã rút ngắn được thời gian trả kết quả cho công dân từ 2-3 ngày, giảm thời gian viết sổ hộ khẩu từ 2 ngày xuống chưa đầy 30 phút. 

Liên quan đến việc đăng ký hộ khẩu, Giám đốc CATP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị duy trì thực hiện việc giao ban phiếu chuyển tại Phòng Cảnh sát QLHC về TTXH. Theo đó, công dân khi có nhu cầu chuyển hộ khẩu sẽ không phải đến cơ quan công an nơi có hộ khẩu thường trú để làm thủ tục cắt phiếu chuyển, mà chỉ cần nộp hồ sơ tại nơi sẽ chuyển đến. Điều này giúp giảm thời gian đi lại cho người dân từ 6 lần xuống còn 2 lần. Và tính đến hết tháng 9-2015, chủ trương mới đã giúp giảm hơn 25.000 lượt đi lại của công dân có nhu cầu chuyển hộ khẩu. 

Một hiệu ứng tích cực khác của tinh thần cải cách hành chính là bắt đầu từ tháng 7, lực lượng Cảnh sát QLHC về TTXH công an các quận, huyện, thị xã đã triển khai đề án “Thực hiện liên thông các thủ tục hành chính trong đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” theo Thông tư liên tịch số 05 của liên bộ Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế. Qua đó đã giảm được thời gian chờ đợi, công sức cũng như số lần đi lại của công dân. Công dân chỉ cần đến bộ phận 1 cửa cấp xã, phường sẽ giải quyết được 3 thủ tục hành chính: đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Trần Đình Nhã: Công an Hà Nội đi đầu về cải cách hành chính

“Thời gian qua, ngành Công an trên cả nước đã  tích cực, quyết liệt triển khai cải cách thủ tục hành chính, trong đó, Công an Hà Nội là một trong những đơn vị đi đầu. Bất cứ người dân nào sống ở Thủ đô cũng dễ dàng nhận ra sự đổi mới rất tích cực mà Công an Hà Nội đã triển khai, không chỉ phục vụ nhân dân tốt hơn mà còn hướng đến sự hài lòng của nhân dân.

Có thể dẫn chứng những thay đổi đột phá của Công an Thủ đô như việc cải tạo, xây dựng các trụ sở tiếp dân khang trang, hiện đại hơn; ứng dụng công nghệ tin học để tạo thuận lợi cho người dân khi đi làm các thủ tục như cấp hộ chiếu qua mạng internet; đến tận nhà cấp Chứng minh nhân dân… 

Cải cách hành chính của Công an Hà Nội đã đưa người chiến sĩ công an đến gần dân hơn, đáp ứng tốt hơn quyền lợi thiết thực của người dân, làm giảm bức xúc và tăng lòng tin của nhân dân. Thời gian tới, Công an Hà Nội cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng này, nhất là tập trung vào cải cách, đổi mới các lĩnh vực, thủ tục tác động trực tiếp đến dân sinh, quyền lợi người dân”.