Dồn dập sáp nhập ngân hàng

ANTĐ -Được xem là giai đoạn “nước rút” trong đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, hàng loạt thương vụ sáp nhập ngân hàng đã và đang được triển khai trong thời gian qua. Với sự tham gia của các ngân hàng lớn như VietinBank, VietcomBank, BIDV, cho thấy quyết tâm xử lý các ngân hàng yếu kém của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để lành mạnh hóa hệ thống. 

Ngân hàng lớn vào cuộc

Ngày 17-4, tại đại hội cổ đông thường niên 2015 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT ngân hàng này cho biết, thương vụ sáp nhập Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (MHB) sẽ hoàn tất vào 25-5.

“Cuộc sáp nhập này là hoàn toàn tự nguyện và xuất phát từ nhu cầu thực tế của 2 ngân hàng. MHB đang có nhu cầu nâng cao năng lực tài chính, còn BIDV cần phát triển mạng lưới.

 Nếu để phát triển tự nhiên, BIDV phải mất 7 năm mới có thể phát triển được mạng lưới như của MHB tại thời điểm này. Ngoài ra, tiếp nhận MHB, BIDV sẽ có điều kiện mở rộng phát triển khách hàng nông nghiệp”, lãnh đạo BIDV thông tin. 

Cũng theo thông tin từ BIDV, hoạt động của MHB đang rất ổn định, mặc dù không bằng BIDV nhưng giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu của 2 ngân hàng là tương đương nhau. Đây là lý do hai bên quyết định đưa ra tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:1. Dự kiến sẽ không có xáo trộn về hoạt động kinh doanh cũng như biến động trước, trong và sau khi sáp nhập 2 ngân hàng. 

Trước đó, tại đại hội cổ đông thường niên của Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank), các cổ đông đã thông qua đề án sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) vào VietinBank. Ông Lê Đức Thọ - Tổng giám đốc VietinBank cho biết: “Việc sáp nhập PG Bank sẽ giúp mở rộng quy mô vốn và nâng cao năng lực tài chính của VietinBank.

Hai bên đã trao đổi, đàm phán nhằm chuẩn bị các tiền đề cho giao dịch sáp nhập. Sau khi có chấp thuận về nguyên tắc, hai bên sẽ thành lập ban điều phối và hoàn thành quá trình sáp nhập. Dự kiến NHNN sẽ chấp thuận về nguyên tắc sáp nhập vào tháng 6-2015”.

Như vậy, những đồn đoán trên thị trường về việc sáp nhập tại các ngân hàng lớn là VietinBank và BIDV đã chính thức được xác thực. Hiện thông tin về thương vụ tiếp theo có sự tham gia của Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Vietcombank) đang được chờ đợi thông tin chính thức. Thông tin về việc sáp nhập Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) vào Vietcombank đã được thảo luận từ cuối năm ngoái và đã được Thống đốc NHNN chấp thuận về mặt chủ trương vào tháng 1-2015.

Chặng nước rút

Sau giai đoạn 1 của tái cơ cấu thành công, giai đoạn 2 với trọng tâm gia tăng năng lực, thu gọn đầu mối ngân hàng theo hình thức mua bán, sáp nhập. Ngay từ đầu năm, Thống đốc NHNN - Nguyễn Văn Bình đã phát đi thông điệp về việc kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi, phát triển bằng các biện pháp mạnh, kể cả giải thể, phá sản. 

Nhiều giải pháp quyết liệt và mạnh tay đã được NHNN thực hiện để quá trình tái cơ cấu cán đích đề ra trong giai đoạn cuối này. Mở đầu là công bố việc mua lại Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) với giá 0 đồng/1 cổ phần. Tiếp theo là các thông tin NHNN chấp thuận Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime Bank), Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) sáp nhập vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)...

 

Đặc biệt, các thương vụ có sự tham gia của các ngân hàng lớn như đã nêu ở trên có thể xem là các bước đi tái khẳng định cho thông điệp của Thống đốc NHNN rằng: “Việc tái cơ cấu hợp nhất ngân hàng sẽ được NHNN triển khai quyết liệt trong 6 tháng đầu năm 2015”. 

Tính tới thời điểm này, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã giúp thanh khoản hệ thống được đảm bảo, không xảy ra đổ vỡ. Cùng với đó, các mục tiêu quan trọng là mua bán, sáp nhập các tổ chức tín dụng, tăng vốn điều lệ và xử lý nợ xấu, cơ cấu lại hoạt động và quản trị đã đạt được những kết quả ban đầu.

Theo đánh giá của các chuyên gia, năm 2015 sẽ có đột phá trong tái cơ cấu ngân hàng. Đây cũng là xu hướng cần thiết và tất yếu trong quá trình hội nhập, bởi Việt Nam cần có những ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng trong khu vực và thế giới nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia vào sân chơi lớn.