Đón chào ngày mới 3-11-2009
(ANTĐ) - Cũng như bão số 9, đảo Lý Sơn của tỉnh Quảng Ngãi là nơi đầu tiên bão số 11 đổ bộ. Trưa 2-11 gió bão tràn qua huyện đảo này với sức mạnh cấp 10. Rút kinh nghiệm, người dân trên đảo đã tổ chức giằng chống nhà cửa chắc chắn hơn, hiện chưa có báo cáo về thiệt hại nhà sập, đổ. Tại Phú Yên, dọc bờ biển đã xuất hiện những cơn sóng cao 3m.
Dùng hàng Việt sẽ giúp tăng doanh thu của các doanh nghiệp, giữ công ăn việc làm ổn định |
Do ảnh hưởng của bão, vùng biển các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, từ Bình Định đến Ninh Thuận có gió mạnh cấp 7, cấp 8, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Các tỉnh từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Thuận và Tây Nguyên có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất. Theo dự báo, sau khi vào đất liền bão số 11 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 2h hôm nay 3-11, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,8 độ Vĩ Bắc, 107,2 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6, giật cấp 7.
Bạn đọc thân mến!
Theo nhiều đại biểu Quốc hội, để cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đi vào cuộc sống và bám rễ lâu dài, các cơ quan Nhà nước, cán bộ công chức phải làm gương đầu tiên. Hiện nay, tại nhiều cơ quan Nhà nước, tâm lý thích dùng hàng ngoại còn phổ biến. Đôi khi việc mua sắm đồ dùng văn phòng hay các trang thiết bị nhiều cơ quan chưa có ý thức sử dụng hàng nội, chỉ giao cho nhà thầu thực hiện. Trong khi đó, đầu tư Nhà nước, mua sắm công chiếm khoảng 40% tổng đầu tư xã hội. Vì vậy, Nhà nước là nhà tiêu dùng lớn nhất của xã hội. Nếu các cơ quan Nhà nước ưu tiên dùng hàng Việt thì tác động xã hội sẽ rất lớn. Các cơ quan và doanh nghiệp cần tránh coi cuộc vận động như một phong trào mà nên tận dụng để biến cuộc vận động thành bước nhảy trong tiếp cận và mở rộng thị trường ngay tại nội địa.
Thưa bạn đọc!
Hiện trong số 5 khu xử lý rác tập trung của Hà Nội thì đã có 3 bãi rác sắp đầy. Việc tìm kiếm địa điểm để làm bãi chôn lấp rác sinh hoạt là một bài toán nan giải, nếu Hà Nội tiếp tục xử lý rác sinh hoạt bằng cách chôn lấp hiện nay. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội vừa trình UBND thành phố và đang chờ phê duyệt một phương án được cho là khả thi: xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ ép và xuất khẩu, có quy mô đầu tư bước đầu với công suất 2.000 tấn/ngày. Nhà máy sẽ tiếp nhận rác thải sinh hoạt, sau đó phân loại rác bằng dây chuyền tự động và bán tự động. Tiếp đó, dùng công nghệ lên men hiếu khí để sản xuất mùn hữu cơ (Compost). Cuối cùng, công nghệ ép gọn và đóng gói sẽ làm giảm 80-90% thể tích rác. Các khối này sẽ được xuất khẩu khỏi Việt Nam, tùy theo nhu cầu của từng thị trường. Hy vọng rằng công nghệ xử lý rác này sẽ sớm đi vào hoạt động, giúp giảm được tình trạng ô nhiễm môi trường đang có chiều hướng gia tăng như hiện nay.
Chúc bạn đọc một ngày mới có nhiều sáng tạo!
ANTĐ