Đối thoại trong giải quyết vụ án hành chính là thủ tục bắt buộc

ANTD.VN - Ngày 31-5, Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật TP Hà Nội đã tổ chức Hội nghị quán triệt những nội dung cơ bản của Luật Tố tụng hành chính 2015. 

Đại diện Ban Nội chính Thành ủy; Ban Tuyên giáo Thành ủy; các thành viên Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố cùng đông đảo báo cáo viên của TP Hà Nội cũng như báo cáo viên của các quận, huyện trên toàn địa bàn đã tham dự hội nghị.

Tại hội nghị, bà Nguyễn Thúy Vân - Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia (Báo cáo viên tại hội nghị) nhìn nhận, thực tiễn thi hành Luật Tố tụng hành chính năm 2010 cho thấy, mặc dù số lượng các vụ án hành chính ngày càng gia tăng nhưng chất lượng giải quyết, xét xử các vụ án này chưa đáp ứng được mong đợi của người dân và toàn xã hội.

Thậm chí, có những khiếu nại, khiếu kiện hành chính đơn giản, chứng cứ rõ ràng nhưng việc giải quyết, xét xử vẫn phải trải qua đầy đủ các giai đoạn tố tụng, dẫn đến tốn kém thời gian, công sức và chi phí của người dân cũng như tòa án. Do đó, việc ban hành Luật Tố tụng hành chính năm 2015 với nhiều điểm mới đã góp phần tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong công tác giải quyết, xét xử các khiếu kiện hành chính hiện nay.

Quang cảnh Hội nghị quán triệt Luật Tố tụng hành chính năm 2015

Giới thiệu các điểm mới của Luật TTHC 2015, vị giảng viên Học viện Hành chính quốc gia này cho biết, luật đã chú trọng đến đối thoại trong quá trình giải quyết vụ án hành chính. Trong khi đó, theo Luật TTHC năm 2010, quá trình giải quyết vụ án hành chính, tòa án sẽ chỉ tạo điều kiện để các đương sự đối thoại với nhau và đó không phải là thủ tục bắt buộc.

Đến Luật TTHC 2015, đối thoại trong vụ án hành chính đã được quy định là thủ tục bắt buộc và là nhiệm vụ của thẩm phán khi được phân công giải quyết vụ án. Theo đó, Luật TTHC 2015 đã bổ sung quy định cụ thể về nguyên tắc đối thoại, về những vụ án không tiến hành đối thoại được và cả quy định về xử lý kết quả đối thoại...

Trên thực tế, các mối quan hệ hành chính thường được đánh giá là “không ngang bằng” vì một bên thường được coi là bên chỉ đạo, điều hành, còn bên kia là bên chấp hành. Tuy nhiên, khi đối thoại tại tòa thì đã tạo ra được các điều kiện, không gian, môi trường công lý và bình đẳng.

Từ đó, các đương sự có sự hiểu biết nhau hơn, làm rõ được những nguyên nhân của những khác biệt trong nhận thức và những sai sót, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước (nếu có) sẽ được thể hiện rõ hơn thông qua đối thoại. Mặt khác người khởi kiện (đa số là người dân) có thể hiểu rõ hơn về những quy định pháp luật nhằm giảm thiểu hoặc giải quyết được những mâu thuẫn, xung đột.

Cũng theo bà Vân, thực tế cho thấy trong nhiều vụ án hành chính phức tạp, đương sự rất gay gắt và khi khiếu nại đến các cơ quan hành chính vẫn không thỏa mãn nên đã khiếu kiện ra tòa án. Và khi ra tới tòa án, họ được đối thoại nên có thể sẽ rút đơn khởi kiện hoặc chí ít cũng sẽ hiểu rõ hơn về vụ việc của mình.

“Việc giải quyết vụ án hành chính thông qua đối thoại có ý nghĩa rất quan trọng. Vì hầu hết đương sự sẽ thỏa mãn nên không có kháng cáo hoặc khiếu kiện kéo dài. Từ đó sẽ giải quyết được nhiều bức xúc trong nhân dân và giảm đáng kể gánh nặng cho cơ quan tiến hành tố tụng hành chính” – bà Nguyễn Thúy Vân nhấn mạnh.