Đối mặt với sự thật

(ANTĐ) - Đã khép lại năm 2007, năm khởi động trên chặng đường phát triển mới của đất nước. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô cùng các chuyên gia tâm huyết với sự hưng thịnh của đất nước, tiếp tục phân tích, đúc kết những thành công và hạn chế của một năm khởi đầu. Vấn đề cốt tử là phải nhìn thẳng vào sự thật, đối mặt với sự thật để vượt lên chính mình, tiếp đến là vươn lên tranh đua.

Đối mặt với sự thật

(ANTĐ) - Đã khép lại năm 2007, năm khởi động trên chặng đường phát triển mới của đất nước. Các nhà hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô cùng các chuyên gia tâm huyết với sự hưng thịnh của đất nước, tiếp tục phân tích, đúc kết những thành công và hạn chế của một năm khởi đầu. Vấn đề cốt tử là phải nhìn thẳng vào sự thật, đối mặt với sự thật để vượt lên chính mình, tiếp đến là vươn lên tranh đua.

Bức tranh kinh tế năm 2007 nhìn bao quát, không phải toàn một màu hồng, điều này báo trước một năm 2008 đầy gian nan, thử thách. Những con số tăng trưởng GDP; số doanh nghiệp đăng ký mới lên đến 54.000, tăng 28% so với năm 2006; kỷ lục thu hút vốn đầu tư nước ngoài; lần đầu tiên các ngân hàng thương mại đã chiếm tới 47,8% thị trường tín dụng, ngân hàng quốc doanh chỉ còn 26%... là những thành tựu đáng tự hào, phấn khởi.

Quốc gia nào cũng vậy, điểm mạnh và điểm yếu, thành quả và tồn tại, thuận lợi và bất cập luôn đồng hành trên con đường phát triển. Năm 2007 ghi dấu ấn tăng trưởng đầy ấn tượng, nhưng đời sống đại đa số người dân lại không tăng, nhiều nơi còn giảm sút, không tính những vùng dân cư chịu thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. 2007 cũng là năm “đỉnh điểm” của nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, môi sinh trở nên gay gắt. 2007 còn bộc lộ những “khuyết tật” của hệ thống giáo dục, y tế.

Đây được coi là “rường cột” của định hướng xã hội xã hội chủ nghĩa, của một Nhà nước của dân, do dân, vì dân. Cả hai lĩnh vực tối quan trọng này, người dân phải rút tiền túi ra nhiều hơn mà vẫn không an tâm về chất lượng “trồng người” và chăm sóc sức khỏe con người. Điều đáng quan ngại nhất và cũng là điều làm kém nhất trong năm 2007 là gì?

Đó là lạm phát tăng đến 12,6%, trong đó lương thực, thực phẩm tăng vọt đến 21% đã giáng một đòn mạnh vào đời sống nhân dân, nhất là người có thu nhập thấp và hơn 4 triệu hộ nghèo trong cả nước. Vậy mà riêng tiền nhập khẩu ôtô con năm 2007 đã hơn 2 tỷ USD, đủ tiền để “mua đứt” cả một hãng xe hơi tầm cỡ trong khu vực.

Chống lạm phát, Nhà nước chắc chắn phải thắt chặt tín dụng, giảm chi tiêu, tiết kiệm. Chống lạm phát rõ ràng phải lấy người dân làm trung tâm, “lấy dân làm gốc” là thế. Người ta coi tăng trưởng là công cụ để người dân sống dễ chịu hơn, khấm khá hơn. Đối mặt với sự thật, nhìn thẳng vào sự thật cũng tức là nhìn thẳng vào nỗi đau để vượt qua nỗi đau.

Năm 2008 mở đầu bằng “cú sốc” giá xăng thế giới vượt ngưỡng 100 USD/thùng và dự báo sẽ leo lên 120 USD/thùng, trong khi đó nước ta sẽ phải tiếp tục cắt giảm thuế hơn 1.000 mặt hàng bao gồm cả hàng nông sản, thực phẩm. Tất nhiên, gần 70% trong số dân 86 triệu người là nông dân sẽ bị “tổn thương” lớn nhất.

Năm qua, khu vực nông nghiệp, nông dân đã phải đối mặt với bao rủi ro, tai ương, như thiên tai, dịch bệnh, thị trường biến động mạnh, thế nhưng họ hội nhập WTO với một hành trang quá đơn sơ, thiếu trang bị kiến thức, thông tin thị trường và những hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất.

Năm 2008 này, với cam kết WTO cắt giảm thuế, nông nghiệp và nông dân sẽ xoay xở ra sao, sẽ được trang bị gì và chuẩn bị những gì để đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức? Điều mà người dân cả nước hy vọng trong năm 2008 là lạm phát sẽ giảm.

Điều này còn trông chờ và đặt niềm tin vào bàn tay điều hành linh hoạt, uyển chuyển của các cơ quan với các công cụ “sắc bén” như tỷ giá, lãi suất, bình ổn giá cả thị trường.

Đan Thanh