Độc quyền sách giáo khoa và hoa mắt với sách bài tập: Gây lãng phí lớn!

ANTD.VN - Sách giáo khoa năm nay trở thành đề tài “hot” khi cả nước có tới hơn 15 triệu học sinh phải sử dụng trung bình 10 cuốn/người. Sau thời điểm khan hiếm không mua được sách, phụ huynh lại lo lắng vì “bội thực” sách bài tập, sách tham khảo khi mua theo yêu cầu của nhà trường.

Độc quyền sách giáo khoa và hoa mắt với sách bài tập: Gây lãng phí lớn! ảnh 1Thực tế có nhiều cuốn sách bài tập cho đến cuối năm vẫn còn mới tinh vì hoàn toàn không dùng đến gây lãng phí (Ảnh minh họa)

Học sinh lớp 1 phải “cõng” gần 30 đầu sách

Năm học 2018-2019, câu chuyện mua sắm sách giáo khoa, sách bài tập tạo thành một làn sóng phản ứng dữ dội từ dư luận khi tưởng là rẻ với 10.000 đồng/cuốn nhưng cộng tổng lại lên tới hàng trăm nghìn đồng, thành gánh nặng không nhỏ cho hơn 15 triệu phụ huynh có con em tới trường. 

Riêng ở Hà Nội, theo thông báo của trường Tiểu học Đô thị Việt Hưng, quận Long Biên thì phụ huynh học sinh lớp 1 năm nay phải sắm cho con em mình tới… 27 cuốn sách. Nếu chỉ tính riêng sách bài tập và sách giáo khoa lớp 1 thôi thì nhà trường đã liệt kê được 17 cuốn với tổng giá 148.400 đồng. Tuy nhiên, do phải “cõng” thêm 10 cuốn bổ trợ gồm luyện chữ đẹp, luyện đọc, thực hành Toán, Tiếng Việt, Mỹ thuật... nên mức giá phụ huynh phải trả đã trội lên 208.000 đồng.

Chị Nguyễn Lan Anh, phụ huynh trường Tiểu học Nguyễn Trãi (Hà Đông) thắc mắc: “Mua sách giáo khoa cho con cứ tưởng là rẻ khi chỉ có hơn 10 đầu sách giáo khoa. Tuy nhiên khi mua về mới thấy trọn bộ lên tới hơn 20 cuốn vì sách gì hiện nay cũng in kèm sách bài tập để học sinh phải mua. Ví dụ, môn Đạo đức, Lịch sử, Địa lý, Kỹ thuật… đều có sách bài tập đi kèm là quá vô lý. Đáng nói là có những cuốn bài tập cho đến cuối năm vẫn còn mới tinh vì hoàn toàn không dùng đến, hết sức lãng phí. Nếu học sinh nào cũng phải mua thì từ 10.000 đồng mà nhân lên mấy triệu học sinh thì phụ huynh mất không biết bao nhiêu tiền? Chưa kể sách này còn phải trợ giá từ Nhà nước”.

Đầu năm học 2018-2019, phụ huynh phải nháo nhác đi tìm sách giáo khoa vì tình trạng tái bản cầm chừng để chờ thay sách của các công ty phát hành, đến khi chính thức vào năm học thì phụ huynh lại ngỡ ngàng khi có chuyện có trường ở Hà Nội đưa gần 30 đầu sách vào chương trình Tiểu học, thậm chí có trường dùng cả sách của Mô hình trường học mới (VNEN) đã dừng việc mở rộng ở các địa phương để bán cho học sinh.

Tại TP.HCM, phụ huynh rất bức xúc phải mua thêm sách Tin học và Mỹ thuật với giá đắt hơn nhiều các loại sách giáo khoa trước đó. Trước những thông tin này, đại diện Sở Giáo dục - Đào tạo TP Hà Nội và TP.HCM đều khẳng định đó là sách đã được thẩm định và các trường tự lựa chọn đưa vào chương trình chứ không bắt buộc.

Độc quyền sách giáo khoa và hoa mắt với sách bài tập: Gây lãng phí lớn! ảnh 2Năm học 2018-2019, phụ huynh học sinh lớp 1 ở Hà Nội phải sắm cho con em mình 27 cuốn sách

Độc quyền và những món lời từ phát hành sách

Theo công bố năm 2017 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, số lượng sách giáo khoa in ấn hàng năm lên đến hơn 100 triệu bản. Năm học 2018-2019 số lượng bản in sách giáo khoa lên đến 104 triệu bản. So sánh số lượng này có thể thấy số sách được dùng lại gần như rất ít, chưa kể số sách tham khảo, bổ trợ vẫn được bán kèm các bộ sách giáo khoa. Chi phí xuất bản sách giáo khoa được Nhà nước trợ giá nhưng sách tham khảo, bổ trợ thì được bán với mức giá cao hơn nhiều. Số tiền này phải tính đến cả tiền phát hành, hoa hồng cho các cấp liên quan. Tất cả chi phí này đều “đổ” lên đầu phụ huynh của hơn 15 triệu học sinh phổ thông cả nước. 

Năm học 2018-2019 số lượng bản in sách giáo khoa lên đến 104 triệu bản. So sánh số lượng này có thể thấy số sách được dùng lại gần như rất ít, chưa kể số sách tham khảo, bổ trợ vẫn được bán kèm các bộ sách giáo khoa. Chi phí xuất bản sách giáo khoa được Nhà nước trợ giá nhưng sách tham khảo, bổ trợ thì được bán với mức giá cao hơn nhiều. 

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT khẳng định độc quyền sách giáo khoa dẫn đến việc những cá nhân, tổ chức “bắt mối” với nhau để hưởng lợi. Với cơ chế này, mọi cải cách, thay đổi của sách giáo khoa sẽ bị gạt đi và việc tiếp nhận xu thế thế giới cũng giảm rõ rệt. Độc quyền sách giáo khoa khiến nhà xuất bản duy nhất sẽ thao túng thị trường sách. Một khi không có cạnh tranh, sách giáo khoa khó phát triển và đương nhiên học sinh chịu thiệt. 

Ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đã hướng dẫn việc sử dụng sách, tài liệu tham khảo trong trường phổ thông tại Công văn số 2372/BGDĐT-GDTrH ngày 11-4-2013 và tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT ngày 7-7-2014 quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; trong đó có việc quy định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ sở giáo dục, giáo viên và quy trình lựa chọn xuất bản phẩm tham khảo.

Độc quyền sách giáo khoa và hoa mắt với sách bài tập: Gây lãng phí lớn! ảnh 3Độc quyền sách giáo khoa khiến nhà xuất bản duy nhất sẽ thao túng thị trường

“Trước phản ánh của báo, chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng có cơ sở giáo dục yêu cầu học sinh mua nhiều tài liệu tham khảo mà không sử dụng dẫn đến tình trạng lãng phí. Bộ GD-ĐT đã có những quy định rất cụ thể về việc sử dụng các xuất bản phẩm tham khảo. Do đó, theo phân cấp quản lý, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để bảo đảm việc thực hiện những quy định về việc sử dụng sách tham khảo theo đúng quy định. Bộ GD-ĐT cũng sẽ tổ chức kiểm tra một số địa phương để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên” - ông Tạ Ngọc Trí nói và nhấn mạnh rằng cha mẹ học sinh cũng cần biết những quy định trên để từ chối các sản phẩm tham khảo (sách tham khảo) nếu thấy con em mình không cần thiết phải sử dụng.

Trong quá trình khi biên soạn các bộ sách giáo khoa để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28-11-2014, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục yêu cầu ban biên soạn và các nhà xuất bản tham gia làm sách giáo khoa phải biên soạn và thiết kế làm sao để sách giáo khoa có thể sử dụng lâu dài, không có tình trạng lãng phí như trên. 

Sự lãng phí nhìn thấy rõ khi không thể dùng lại sách giáo khoa và khi phụ huynh phải chi trả nhiều trăm tỷ đồng để mua vô vàn sách bài tập. Trách nhiệm ngăn chặn sự lãng phí tiền của này không chỉ thuộc về Bộ GD-ĐT!

Cha mẹ cần từ chối sách tham khảo nếu thấy con em mình không cần thiết sử dụng

Độc quyền sách giáo khoa và hoa mắt với sách bài tập: Gây lãng phí lớn! ảnh 4

“Trước phản ánh của báo, chúng tôi sẽ yêu cầu các cơ quan quản lý giáo dục các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát để tránh tình trạng có cơ sở giáo dục yêu cầu học sinh mua nhiều tài liệu tham khảo mà không sử dụng dẫn đến tình trạng lãng phí. Bộ GD-ĐT đã có những quy định rất cụ thể về việc sử dụng các xuất bản phẩm tham khảo nên sẽ tổ chức kiểm tra một số địa phương để kịp thời chấn chỉnh tình trạng trên. Ngoài ra, cha mẹ học sinh cũng cần biết những quy định trên để từ chối các sản phẩm tham khảo (sách tham khảo) nếu thấy con em mình không cần thiết phải sử dụng”. 

Ông Tạ Ngọc Trí (Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục - Đào tạo)

Độc quyền sách giáo khoa khiến học sinh chịu thiệt

Độc quyền sách giáo khoa và hoa mắt với sách bài tập: Gây lãng phí lớn! ảnh 5

“Độc quyền sách giáo khoa dẫn đến việc những cá nhân, tổ chức “bắt mối” với nhau để hưởng lợi. Với cơ chế này, mọi cải cách, thay đổi của sách giáo khoa sẽ bị gạt đi và việc tiếp nhận xu thế thế giới cũng giảm rõ rệt. Độc quyền sách giáo khoa khiến nhà xuất bản duy nhất sẽ thao túng thị trường sách. Một khi không có cạnh tranh, sách giáo khoa khó phát triển và đương nhiên học sinh chịu thiệt”.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến (Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục - Đào tạo) 

1.000 tỷ đồng mua sách giáo khoa mỗi năm quá lãng phí!

Độc quyền sách giáo khoa và hoa mắt với sách bài tập: Gây lãng phí lớn! ảnh 6

Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc cho ý kiến về Luật Giáo dục sửa đổi, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện cho hay mỗi năm phụ huynh bỏ 1.000 tỷ mua sách giáo khoa nhưng chỉ dùng một lần, rất lãng phí. Bà Nguyễn Thanh Hải cho biết hiện cử tri rất bức xúc liên quan đến việc sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần, quá lãng phí. Riêng năm học 2018-2019, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra 100 triệu bản sách giáo khoa và sang năm hoàn toàn không còn sử dụng được, chỉ có thể bán giấy vụn.

“Trung bình mỗi năm phụ huynh chi 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa. Việc sử dụng một lần chỉ do viết bài tập vào sách mà không phải lý do gì khác. Cử tri và đại biểu Quốc hội nói rất nhiều lần nhưng chưa có chuyển biến, đề nghị Chính phủ và Bộ GD-ĐT lần này quan tâm” - bà Nguyễn Thanh Hải phản ánh và cũng nhận định doanh thu, số lượng sách giáo khoa do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành chiếm tỷ lệ lớn cho thấy “có gì đó mang tính độc quyền”.

Nếu không hướng dẫn kỹ cách sử dụng, sách giáo khoa sẽ không thể dùng lại

Độc quyền sách giáo khoa và hoa mắt với sách bài tập: Gây lãng phí lớn! ảnh 7

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội cho biết, việc sử dụng sách giáo khoa không đúng cách sẽ khiến sách giáo khoa cũ không thể sử dụng lại. “Thực tế đúng là có việc học sinh làm bài tập, trả lời câu hỏi trực tiếp vào sách giáo khoa. Điều này là để giảm tải cho học sinh phải mang quá nhiều sách vở, trong đó có các sách bài tập đi kèm. Đặc biệt, với học sinh Tiểu học đầu cấp, các em không thể viết quá nhiều nên làm luôn vào sách giáo khoa sẽ giúp các em học thuận tiện hơn” - bà Nguyễn Thị Xuân Mai chia sẻ.

“Tuy nhiên, để tránh lãng phí và vẫn có thể sử dụng lại được, trường chúng tôi đã hướng dẫn giáo viên, học sinh từ nhiều năm nay chỉ dùng bút chì để viết vào sách giáo khoa thay vì viết bút mực, bút bi. Như vậy, sách giáo khoa sau khi sử dụng vẫn có thể để lại cho các em học tiếp. Cách làm này cũng được phổ biến cho nhiều trường trong quận để cuối năm học, gia đình nào không có nhu cầu để lại cho con nhỏ hơn sử dụng sách giáo khoa thì sẽ quyên góp trong ngày hội sách giáo khoa, ủng hộ các trường miền núi. Với cách làm này thì sách giáo khoa sẽ được sử dụng triệt để, không gây lãng phí như nhiều phụ huynh lo ngại. Tuy nhiên, nếu các trường không quan tâm, quán triệt tới giáo viên, học sinh thì quả thật là sách giáo khoa sẽ không thể sử dụng lại” - bà Nguyễn Thị Xuân Mai khẳng định.

Về sách tham khảo, bà Nguyễn Thị Xuân Mai cho biết, hiện có rất nhiều nguồn phát hành muốn đưa sách vào trường học. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng lạm dụng bán sách tham khảo, bổ trợ, hàng năm các trường đều nhận được danh sách đầu mục sách đã được Sở GD-ĐT Hà Nội thẩm định. Trên cơ sở đầu mục này, các trường sẽ họp tổ chuyên môn và quyết định những sách nào là cần thiết, phù hợp với cách dạy và học của nhà trường để thông báo cho phụ huynh mua. Phụ huynh cũng không bắt buộc phải mua ở trường mà hoàn toàn có thể mua từ các nguồn khác nhau.