Doanh nghiệp phản đối tăng lương tối thiểu vùng 2019

ANTD.VN - Chiều nay (9-7) các thành viên của Hội đồng tiền lương quốc gia đã bước vào phiên thảo luận đầu tiên. Trước giờ thương lượng, đại diện Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) vẫn giữ quan điểm chưa tăng lương. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên trước giờ họp, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, cho biết: “Chúng tôi đã có buổi làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước để tập hợp ý kiến, chúng tôi sẽ phát biểu quan điểm dựa trên những cơ sở đó.

Đa phần ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp đều cho rằng chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong năm 2019. Chúng tôi sẽ trao đổi thêm với các thành viên khác của hội đồng để đưa ra kết luận cuối cùng".

Theo ông Hoàng Quang Phòng chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm nay vì cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp "bồi dưỡng" sức khỏe cho doanh nghiệp, dùng các kinh phí nếu có để phục vụ cho việc đào tạo tay nghề cho người lao động, tăng năng suất lao động.

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh, theo Nghị quyết 27 vừa ban hành, tinh thần cải cách tiền lương sẽ tiến tới Nhà nước không can thiệp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp. Thay vào đó, cần thúc đẩy cơ chế thương lượng giữa người sử dụng lao động và người lao động

“Từ nay đến năm 2020, sẽ tiếp tục điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng đáp ứng mức sống tối thiểu. Tiền lương tối thiểu cần hướng tới nhóm lao động có tiền lương thấp nhất trên thị trường lao động và phụ thuộc nhiều vào các yếu tố như GDP, năng suất lao động, tiền lương trên thị trường lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp... để đưa vào thương lượng tiền lương tối thiểu”, ông Doãn Mậu Diệp cho hay.

Về phía đại diện người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2019 là 8%.

Lý giải đề xuất, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước tính tăng hơn 7,0 % so với cùng kỳ năm trước. Đây là kết quả đáng nghi nhận trong nhiều năm qua, đạt được kết quả này có sự đóng góp quan trọng của người lao động. Do đó, người lao động cũng cần được hưởng thành tựu về phát triển kinh tế.

Khảo sát mới nhất về đời sống người lao động sau khi áp dụng Nghị định 141/2017/NĐ-CP về thực hiện mức lương tối thiểu năm 2018,  chỉ ra rằng, tiền lương cơ bản chiếm khoảng 85 % tổng thu nhập của người lao động. Đa số người lao động được hỏi đều đánh giá thu nhập cơ bản chỉ đáp ứng được chi phí hàng ngày, cuộc sống còn khó khăn và chưa thực hiên được nhiều tích luỹ.

Dẫn chứng ví dụ về việc cần điều chỉnh mức sống tối thiểu sát hơn với thực tế, ông Mai Đức Chính cho biết, tính toán ban đầu của bộ phận kỹ thuật cho rằng giá phòng trọ 250.000 đồng/người. Mức này khó giúp người lao động đáp ứng được điều kiện ở tối thiểu. Ít nhất phải là 400.000 đồng, chưa kể tiền điện - nước bổ sung thêm khoảng 200.000 đồng/người.

Theo Nghị quyết 27 của Hội nghị T.Ư 7, tới năm 2020, mức lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Như vậy, chúng ta chỉ còn 2 năm nữa để kết thúc mục tiêu này. Qua tính toán, mức đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam  khoảng 8 % là hợp lý.

Theo kế hoạch, phiên đàm phán đầu tiên của Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ dành thời gian để lắng nghe kết quả khảo sát tình đời sống của người lao động do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thực hiện, tác động của lương tối thiểu năm 2018 tới chi phí sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.

Các bên cũng sẽ tiếp thu ý kiến từ nhóm kỹ thuật của Hội đồng tiền lương quốc gia báo cáo về tình hình thực hiện mức lương tối thiểu 2018 và xác định mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.

Cuối cùng, Hội đồng sẽ tiếp thu ý kiến của các bên về đề xuất mức lương tối thiểu vùng 2019.