Đô thống lĩnh ấn tiên phong

ANTĐ - Thuở nhỏ, Phạm Nhữ Tăng thường được cha kể về cụ tổ năm đời là Phạm Ngũ Lão. Cụ nói:
Đô thống lĩnh ấn tiên phong ảnh 1

Minh họa: PHẠM CÔNG THÀNH

- Cao tổ nhà ta, nhà nghèo chí lớn, ngồi đan sọt bên đường mà đại quân của Hưng Đạo Vương đi qua không biết tránh, đến lúc quân lính đâm giáo vào đùi mới biết. Hưng Đạo Vương hỏi tại sao, ngài nói: Bẩm đang nghĩ kế ngăn giặc. Vương hỏi kiến thức về quân sự, ngài đều đáp trôi chảy. Vương liền đem về dinh cho làm gia tướng, sau lại gả cho con gái nuôi làm vợ! Quả nhiên ngài cầm quân, đánh đâu được đấy, được vua phong tới chức Quan nội hầu.

- Cụ lại hỏi: Tổ năm đời nhà ta còn một đức tính quý nữa, con có biết không?

- Cha nói tiếp đi!

- Đánh dẹp giặc đến đâu, chiến lợi phẩm gồm vàng, bạc châu báu, ngài đều đem về nhập vào kho quân để dùng vào việc quân sự, không tơ hào một đồng kẽm. Người coi tiền của là thứ tầm thường thế đấy.

Nghe lời cha, Nhữ Tăng ra sức học hành, năm hai mươi bốn tuổi dự thi Khoa hoằng tứ vào điện thi đỗ thứ hai, được vua Lê Nhân Tông phong làm Thái Bảo kiêm Quân chính sự vụ.

Đến thời vua Lê Thánh Tông, biết ông có tài đức, vua phong cho ông chức Phụ chính Tham tướng phủ tước Quảng Dương hầu, Bình Chương quân quốc trọng sự.

Vậy là ông đã làm đến chức Tể tướng…

Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), Vua ngự giá tuần thú phương Nam, đem 10 vạn quân, do hai đại tướng Đinh Liệt và Lê Niệm theo đường thủy đi trước, vua đốc xuất 15 vạn quân thủy bộ đi sau, phong Phạm Nhữ Tăng làm Trung quân đô thống, đeo ấn tiên phong. Thuở ấy quân đi đến đâu, bọn giặc cỏ, bè lũ ngoại xâm nghe tin đều lủi trốn cả…

Ông được vua cho lập Phủ Đô Thống… Phủ vừa lập, vua cho gọi ông đến bảo:

-Thừa tuyên (tỉnh) Quảng Nam vừa lập, dân chúng còn nghèo túng, ta muốn khanh vào phủ dụ lòng người, chấn hưng vùng đất mới.

Ông vâng mệnh dẫn quân đi ngay. Đi đến nơi thấy đất xứ Quảng quả nhiên còn nghèo, dân cư thưa thớt. Ông cho người ra bắc chiêu mộ nhân lực đưa về khai hoang lập làng…

Vùng đất ông cai quản có khá nhiều cường hào, ác bá, ức hiếp dân lành. Ông đến nơi, gọi họ đến vừa khuyên bảo, vừa răn đe. Ông nói:

- Ta nói với các ông trước: Nếu ai vẫn còn quen nết cũ, ta sẽ cho quân sĩ đến tịch biên gia sản đuổi đến miền đất mới, không tha.

Một tên tướng cướp ở khu núi Ngũ Hành Sơn, cậy thế hiểm, cho quân đến cướp phá các làng lân cận, thanh thế rất kinh… Ông đem quân đến tận nơi vây mấy lần chưa được, liền cho quân mặc giả người làm ruộng trà trộn trong dân. Lại phao tin có những nhà giàu chôn của trong nhà, tướng cướp tưởng thật đem quân đến đốt nhà, lấy thuốn sắt, giáo dài thọc xuống đất tìm của. Giữa lúc chúng đang say sưa lùng sục, ông cho đốt pháo lệnh, quân lính xông ra đánh bắt được tên đầu sỏ.

Ông cho dẫn đến bên trướng, cởi trói rồi nói:

- Nhà ngươi tại sao lại chọn nghề lục lâm, mà không chọn nghề khác?

- Bẩm quan, vì đường cùng phải đi làm giặc.

- Giờ ta cho ngươi về làm ăn như người dân thường, ngươi có nghe không?

- Bẩm quan, được thế thì tôi không bao giờ làm giặc nữa.

Ông tha ngay. Ngờ đâu, ngựa quen đường cũ, hắn lại chiêu mộ đám tàn quân, tiếp tục cướp phá.

Ông đem quân vào tận hang ổ, bắt sống, rồi cởi trói, đem rượu thịt ra đãi, hỏi:

- Nếu ta tha nữa ngươi có đi cướp tiếp không!

Tướng giặc không nói gì, cúi đầu xuống. Ông tha liền. Hắn lại đi cướp, lần này khi về còn đi qua dinh quân của quan Đô Thống, réo to lên rằng:

- Quan tướng có giỏi thì đến núi Ngũ Hành gặp ta! 

Bất ngờ, nửa đêm, ông đem quân vào hang ổ. Người ngậm tăm, ngựa bỏ nhạc. Đến nơi trừ đám lính gác, quân tướng đều ngủ say. Tướng cướp bị bắt đưa đến dưới trướng. Ông đích thân xuống cởi trói cho hắn, rồi hỏi:

- Nhà ngươi vẫn khỏe đấy chứ. Nếu ta tha lần nữa, liệu ngươi có dẫn quân qua dinh réo tên ta như bữa nọ không?

Tướng cướp vái lạy thưa:

- Sự bất quá tam, lần nay tôi xin quy phục.

Phạm Nhữ Tăng bảo:

- Ngươi có biết ta học ai không?

Tướng cướp lắc đầu. Nhữ Tăng cười ầm lên nói:

- Ta tha ngươi ba lần đã ăn nhằm gì! Ngày xưa Gia Cát Lượng, bảy lần bắt, bảy lần tha Mạnh Hoạch khiến hắn tâm phục, khẩu phục kia mà.

Tướng cướp xin ở lại dưới trướng tùy Đô Thống sai khiến. Nhữ Tăng thử một vài lần, rất tin cẩn, giao cho làm bộ tướng đi đâu cũng được đi bên hộ vệ. Một tùy tướng lại khuyên:

- Tướng cướp kia dần quy phục nhưng tính nết tráo trở, xin ngài hãy đề phòng.

Nhữ Tăng nói:

- Ta đãi hắn như người thân, hẳn không có chuyện gì đâu, ngươi đừng lo. 

Quả nhiên tướng cướp hết lòng, đem công sức ra theo sự chỉ huy của quân tướng.

Nhữ Tăng lại đích thân lo cho vợ con hắn, làm nhà, cấp ruộng để hắn sinh cơ lập nghiệp. Tướng cướp cảm động lắm, càng hết lòng vì quan Đô Thống…

Ông còn cho lập làng Hương Ly, coi như quê thứ hai của mình thỉnh thoảng lui tới thăm hỏi mọi người.

Có người hỏi:

- Tại sao quan tướng lại gọi là làng Hương Ly. Ông thở dài đáp:

- Quê gốc của ta là làng Phù Ủng, châu Thượng Hồng tít miền Bắc xa xôi, mồ mả tổ tiên ở ngoài ấy cả. Ta là hậu duệ, dầu làm quan trấn thủ cả một vùng đất mà không về quê để viếng mộ, chẳng là kẻ bất hiếu ư?

Nói rồi, Phạm Nhữ Tăng ứa nước mắt. Thuộc hạ đều khóc theo…

Một hôm cảm thấy trong người không được khỏe, ông giao công việc cho phó tướng, nghỉ ngơi ở tư dinh. Sáng sớm đã dậy, pha trà uống, ông nghĩ đến các việc trong ngày, giờ phải nằm một chỗ thật khó chịu. Nhìn những đàn chim đậu trên cây cao, hót ríu ran, rồi tung cánh bay về phương trời xa, ông khẽ thở dài. Cầm chiếc kiếm đã theo mình rong ruổi suốt một đời muốn vung lên thử mấy đường mà không nổi, ông thần người hồi lâu.

Khách xa bạn gần đến thăm rất đông. Những thầy thuốc giỏi trong vùng, quan phó tướng đều cho gọi đến, mỗi người bắt mạch, bốc thuốc mà bệnh vẫn không lui!

Bệnh nặng thêm. Ông không đi lại được nữa, nằm yên một chỗ thật khó chịu. Thỉnh thoảng ông lại bắt người nhà nâng dậy, đến bên cửa sổ để được ngắm cảnh ngoài vườn. Được tin ông ốm, vua Lê Thánh Tông cho thái y đến thăm bệnh cho ông, lại ban cho mấy lạng sâm, một chiếc nhung hươu để ông dùng xem có vực được sức lại không.

Nhận quà quý vua ban, ông bảo người nâng dậy, hai tay hướng về kinh đô lạy tạ nhà vua, ứa nước mắt nói:

- Ơn Hoàng đế như trời biển, Nhữ Tăng này báo làm sao được nữa…

Cho đến tối ngày 27 tháng 2 năm Đinh Dậu, ông trút hơi thở cuối cùng…

Tin dữ về kinh thành, vua Lê Thánh Tông sững sờ, dim mắt lại, tránh một cơn choáng váng. Vua nghị triều, nêu rõ công lao của ông, rồi sai các quan đứng đầu các bộ, lên đường vào dự lễ tang.

Sau ba tuần tế, thi hài ông được đưa từ phủ Đô Thống (Bình Định) về an táng ở phủ Thăng Hoa (Quảng Nam).

Vua sai xây lăng cho ông thật đẹp, thật khang trang, lại cấp gần hai mẫu đất công điền giao cho dân địa phương để chăm lo việc thờ phụng.

Người lại nghị bút, ban cho đôi câu đối gấm truy tặng người anh hùng đã khuất:

“Nghĩa sĩ đa mưu, xâu lực đồng tâm bình Thiêm quốc, Huy hoàng sương giáng, hồn vạn tuế lượng Nam thiên”.

Đền thờ của ông được dựng ở làng Tía, nay là xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, ngoại thành Hà Nội.