Đo đếm dấu ấn nhiệm kỳ Chính phủ bằng những chỉ số

ANTĐ - Lời Tòa soạn: Ngày 22-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trình bày trước Quốc hội Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chính phủ. 4 ngày sau, trong phiên họp Chính phủ ngày 26-3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết còn ít ngày nữa - Đảng, Nhà nước, Quốc hội sẽ cho ông thôi nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ, nghỉ chính sách. “Như vậy là tôi làm nhiệm vụ Thủ tướng được 9 năm 10 tháng, còn Phó Thủ tướng là 2 nhiệm kỳ”- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói. Với tư cách Thủ tướng, ông nói với các thành viên Chính phủ: “Ngay trong nhiệm kỳ này, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng chúng ta đã cùng nhau vượt qua”. Mời bạn đọc An ninh Thủ đô điểm lại những dấu ấn của Chính phủ nhiệm kỳ này qua những con số được thể hiện trong báo cáo của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội. 

*Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói lời chia tay trước khi kết thúc nhiệm kỳ: sống tử tế - tùy hoàn cảnh mà đóng góp sức mình cho đảng, cho dân

Đo đếm dấu ấn nhiệm kỳ Chính phủ bằng những chỉ số ảnh 1

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh: Từ 8,13% năm 2011, tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm xuống còn 0,6% năm 2015 (chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 5-7%), thấp nhất kể từ năm 2001 (năm 2001 là 0,8%, năm 2002 là 4%, năm 2003 là 3%; năm 2004 là 9,5%;  năm 2005 là 8,4%; năm 2006 là 6,6%; năm 2007 là 12,6%; năm 2008 là 19,89%; năm 2009 là 6,52%; năm 2010 là 11,75%; năm 2011 là 8,13%; năm 2012 là 6,81%, năm 2013 là 6,04%, năm 2014 là 1,84%; năm 2015 là 0,6%). 

- Tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm đạt trên 5,9%/năm: Năm 2015 đạt 6,68%, cao nhất kể từ năm 2008 (năm 2008 là 5,66%; năm 2009 là 5,4%; năm 2010 là 6,42%; năm 2011 là 6,24%; năm 2012 là 5,25%; năm 2013 là 5,42%; năm 2014 là 5,98%; năm 2015 là 6,68%).

- Ngân sách chủ yếu tăng chi cho an sinh xã hội và tiền lương: Trong tổng chi ngân sách Nhà nước giai đoạn 2011-2015, chi thường xuyên chiếm khoảng 64-65% (giai đoạn 2006-2010 chiếm 55,2%), chủ yếu là tăng chi cho an sinh xã hội và cải cách tiền lương; chi đầu tư phát triển khoảng 23,6% (giai đoạn 2006-2010 là 28,2%). 

- Nợ quốc gia trong giới hạn cho phép: Tỷ lệ dư nợ công trên GDP đến cuối năm 2015 là 62,2%, dư nợ Chính phủ là 50,3%, nợ nước ngoài của quốc gia là 43,1% (theo Nghị quyết của Quốc hội, đến năm 2015 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50%).

- Xuất khẩu tăng kỷ lục: Tổng kim ngạch xuất khẩu 5 năm 2011-2015 đạt 656 tỷ USD, tăng bình quân khoảng 17,5%/năm (giai đoạn 2006-2010 là 17,4%), vượt mục tiêu kế hoạch đề ra (12%/năm). Tổng kim ngạch nhập khẩu 5 năm 2011-2015 ước khoảng 666 tỷ USD, tăng bình quân trên 14,3%/năm, thấp hơn so với giai đoạn trước (18,2%).

- Giảm nhập siêu: Năm 2011, tỷ lệ nhập siêu trên tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 10,2% (thâm hụt 9,8 tỷ USD); 3 năm tiếp theo (2012-2014) đã chuyển sang thặng dư; năm 2014 thặng dư 2,4 tỷ USD, tương đương 1,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2015 nhập siêu khoảng 3,54 tỷ USD, bằng 2,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

- Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 259 quy hoạch: điều chỉnh bổ sung quy hoạch 6 vùng kinh tế - xã hội, 4 vùng kinh tế trọng điểm, 41 quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố. Các Bộ, ngành phê duyệt 231 quy hoạch. 

- Nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia: Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Việt Nam năm 2010 xếp thứ 75/139 quốc gia, năm 2011 xếp thứ 65/142 quốc gia, năm 2012 xếp thứ 75/144 quốc gia, năm 2013 xếp thứ 70/148 quốc gia, năm 2014 xếp thứ 68/144 quốc gia, năm 2015 xếp thứ  56/140 quốc gia. 

- Hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng: các tuyến đường Hà Nội - Lào Cai, Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hải Phòng, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nhật Tân - Nội Bài, mở rộng Quốc lộ 1, Đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; nhiều cầu lớn (Nhật Tân, Vĩnh Thịnh, Cổ Chiên...); Nhà ga T2 Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cảng hàng không Phú Quốc mới, sân bay Thọ Xuân, cải tạo Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Cảng hàng không quốc tế Vinh; cảng Cái Mép - Thị Vải ...

Chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam về chất lượng cơ sở hạ tầng chung tăng 24 bậc, từ 123/139 (năm 2010) lên 99/140 (năm 2015); trong đó chỉ số về hạ tầng giao thông vận tải tăng 36 bậc, từ 103/139 (năm 2010) lên 67/140 (năm 2015).

- Tăng sản lượng điện, hoàn thành nhiều nhà máy điện lớn: Trong 5 năm 2011

 - 2015, đã tăng thêm 18,1 nghìn MW công suất nguồn; khoảng 7,6 nghìn km truyền tải 500 kV, 220 kV và 37,4 nghìn MVA công suất các trạm biến áp. Nhiều công trình lớn đã hoàn thành: Nhà máy thuỷ điện Sơn La, phát điện tổ máy 1 nhà máy thủy điện Lai Châu; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1, phát điện 2 tổ máy nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân; đưa điện lưới ra các đảo Phú Quốc, Lý Sơn, Cô Tô, Vân Đồn…

- Viễn thông phát triển nhảy vọt: Đến nay, đã đưa vào sử dụng vệ tinh Vinasat-2 và VNREDSat-1. Tốc độ kết nối internet băng thông rộng đạt 17,3Mbps, tốc độ kết nối di động băng thông rộng 1,9Mbps. Tổng số thuê bao di động đạt 128,8 triệu thuê bao vào cuối năm 2015.

- Đô thị hóa đạt 35%: Nông nghiệp Bảo đảm tưới trực tiếp cho 3,5 triệu ha đất canh tác, tạo nguồn tưới cho hơn 1 triệu ha, tiêu cho 1,7 triệu ha. Tỉ lệ đô thị hoá dự báo đạt khoảng 35%.

- Thu hút vốn tài trợ ứng phó biến đổi khí hậu: Cả nhiệm kỳ, Chính phủ phê duyệt 53 dự án viện trợ với tổng số vốn cam kết của các nhà tài trợ khoảng 152,76 triệu USD, trung bình mỗi năm huy động hơn 30 triệu USD; riêng Chương trình Hỗ trợ ứng phó với biến đổi khí hậu (SP-RCC) đã huy động được hơn 1, 3 tỷ USD từ các đối tác phát triển (JICA, AfD, WB, K-Eximbank, DFAT, CIDA…) để triển khai các dự án cấp bách, trọng điểm. Triển khai thực hiện các cam kết quốc gia trong khuôn khổ Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP21.

- Bước tiến trong giảm nghèo bền vững: Trong 5 năm, đã ban hành 29 văn bản về chính sách hỗ trợ vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Có 222.844 lượt hộ được hỗ trợ nhận khoán bảo vệ rừng; trên 21 nghìn lượt hộ được hỗ trợ trồng rừng; 39.820 lượt hộ nghèo ở thôn bản vùng giáp biên được hỗ trợ 799,28 tấn lương thực; 437.316 lao động dân tộc thiểu số được hỗ trợ học nghề. Đã bố trí 136 nghìn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước; đồng thời huy động các nguồn lực xã hội, quốc tế cho thực hiện chính sách dân tộc và miền núi. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo nơi tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số giảm khoảng 6%/năm, từ 58,3% xuống còn 28%.

- Nhiều di sản văn hóa được thế giới vinh danh: Trong 5 năm, có 10 di sản được UNESCO vinh danh, nâng tổng số di sản được UNESCO vinh danh lên 22; có 51 di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt, 275 di tích được xếp hạng quốc gia.

- Đời sống tôn giáo đa dạng, phong phú: Xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tôn giáo; tiếp tục hoàn thiện dự án Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, trình Quốc hội khóa XIV. Đã ban hành 1 Nghị định, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để cụ thể hóa chính sách tôn giáo. Đến cuối năm 2015, Nhà nước đã công nhận 14 tôn giáo với 38 tổ chức tôn giáo và khoảng 25 triệu tín đồ, chiếm khoảng 27% dân số cả nước.

- Đóng góp trong tiến trình sửa đổi Hiến pháp: Thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được phân công trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992: Báo cáo về tổng kết thi hành Hiến pháp năm 1992; Báo cáo về kết quả lấy ý kiến vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Báo cáo góp ý, hoàn thiện Chương VII - Chính phủ; Báo cáo đề xuất về Chương IX - Chính quyền địa phương; Báo cáo đề xuất của Chính phủ chỉnh lý, hoàn thiện một số quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992; Báo cáo ý kiến góp ý chính thức của Thủ tướng Chính phủ.

- Cải cách thủ tục hành chính và môi trường đầu tư: Chính phủ có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường; giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; ban hành nhiều chính sách cải cách thuế, hải quan, tài nguyên - môi trường, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp; Nghị quyết về Chính phủ điện tử… 

- Siết chặt thanh tra, kiểm tra, cầu thị khi tiếp dân: Trong các phiên họp thường kỳ hàng quý, Chính phủ nghe Tổng Thanh tra báo cáo về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trong nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 30 văn bản về lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ khi Luật tiếp công dân có hiệu lực (ngày 1-7-2014), Tổng thanh tra Chính phủ đã tiếp 20 vụ việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ tiếp 15 vụ việc.

Trong nhiệm kỳ, các cơ quan đã tiếp 1.864.724 lượt công dân (21.705 lượt đoàn đông người); tiếp nhận 609.999 đơn khiếu nại, tố cáo; giải quyết 214.113 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 86%; đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước, trả lại cho công dân 2.346 tỷ đồng, 1.234 héc-ta đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 3.054 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 187 vụ, 445 người.

- Phát hiện 441 vụ tham nhũng: Đã triển khai 39.742 cuộc thanh tra hành chính và trên 834.640 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện nhiều vi phạm về kinh tế, đã kiến nghị thu hồi 124.125 tỷ đồng, 19.744 ha đất; lập biên bản, ban hành 989.519 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên 30.549 tỷ đồng; xử lý khác hơn 60.542 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 6.934 tập thể, 22.700 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 313 vụ, 365 đối tượng.

Ngành thanh tra đã phát hiện 441 vụ, 696 người có dấu hiệu tham nhũng với số tiền 769 tỷ đồng, 10 héc-ta đất; kiến nghị thu hồi 745 tỷ đồng, 6,3 héc-ta đất; kiến nghị xử lý hành chính 23 tập thể, 596 cá nhân, xử lý trách nhiệm 157 người đứng đầu; chuyển cơ quan điều tra 162 vụ, 272 đối tượng.

- Ngoại giao nổi bật những thành tựu: Trong 5 năm qua, đã thiết lập thêm 9 quan hệ đối tác chiến lược, 3 quan hệ đối tác toàn diện; đưa tổng số đối tác chiến lược lên 15 nước và đối tác toàn diện lên 10 nước, trong đó có quan hệ đối tác sâu rộng, toàn diện với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2015. 

- Thủ tướng đã tham gia 34 diễn đàn đối ngoại đa phương cấp cao, thể hiện rõ lập trường của Việt Nam và góp phần tích cực giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực. Việt Nam bước đầu tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan (năm 2014) và Cộng hòa Trung Phi (năm 2015).

- Triển khai chiến dịch bảo hộ công dân quy mô lớn: Đã đưa trên 11.000 lao động (năm 2011) và 1.750 lao động (năm 2014) ở Libya về nước; bảo hộ và sơ tán hàng ngàn công dân ta khỏi các khu vực có khủng hoảng  (Ukraine, Algeria, Nepal); bảo hộ, cứu nạn kịp thời 855 tàu cá trong gần 500 vụ việc liên quan đến 6.200 ngư dân ta trên Biển Đông. Lượng kiều hối hàng năm tăng, năm 2014 là 12 tỷ USD, năm 2015 là 12,5 tỷ USD.

- Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương, trong đó năm 2015 ký FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu, FTA với Hàn Quốc và 2 Hiệp định FTA thế hệ mới là FTA với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP); đang tích cực đàm phán nhiều Hiệp định FTA mới. 

- Huy động có hiệu quả nguồn vốn nước ngoài (ODA, vốn vay ưu đãi, FDI) cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng giá trị ODA và vay ưu đãi ký kết đạt khoảng 26,4 tỷ USD, tăng 5,36% so với giai đoạn trước; giải ngân đạt khoảng 23,22 tỷ USD (giai đoạn 2006-2010 là 13,86 tỷ USD). Tổng số vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 99 tỷ USD; vốn thực hiện đạt 60,5 tỷ USD, tăng 35,6% so với giai đoạn trước.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói lời chia tay trước khi kết thúc nhiệm kỳ: “Sống tử tế - tùy hoàn cảnh mà đóng góp sức mình cho Đảng, cho dân”

Như vậy phiên họp Chính phủ thường kỳ tới (tháng 4-2016), tôi cùng 19 thành viên Chính phủ không có mặt họp với các đồng chí. Trước hết tôi có lời cảm ơn chân thành các thành viên Chính phủ, thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ đã hết sức ủng hộ, giúp đỡ, tạo mọi điều kiện để tôi thực hiện tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao với tư cách là người đứng đầu Chính phủ.

Sự đánh giá về Chính phủ, Thủ tướng thì Đảng, Nhà nước và Quốc hội đã đánh giá rồi. Việc Trung ương bỏ phiếu tín nhiệm, dành tỉ lệ phiếu tín nhiệm cao nhất đối với tôi cũng là một sự đánh giá dành cho nỗ lực tập thể của Chính phủ chúng ta.

Xin chúc mừng các đồng chí ở lại tiếp tục làm nhiệm vụ, một số đồng chí được giao trọng trách nặng nề hơn, như các đồng chí Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Đinh La Thăng, Hoàng Trung Hải, Nguyễn Văn Bình, Trịnh Đình Dũng... Mong các đồng chí sẽ tiếp tục phát huy, hoàn thành thật tốt trọng trách cao cả mà Đảng, Nhà nước giao, thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của Chính phủ.

Chúc các đồng chí kỳ này sẽ nghỉ chính sách và chúc cho cả tôi nữa cố gắng giữ gìn sức khỏe, bởi sức khỏe là quan trọng nhất, đồng thời làm một công dân tốt, đảng viên tốt.

Làm sao ráng làm được theo tên chương trình như anh Trần Bình Minh (Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam) nói là “Người tử tế”. Sống tử tế. Mỗi đồng chí chúng ta tùy hoàn cảnh mà đóng góp sức mình cho Đảng, cho dân. 

Dịp này, theo đề nghị của Văn phòng Chính phủ, tôi không biết nên tặng các đồng chí cái gì. Có 2 thứ vài nghìn năm vẫn còn, đó là gốm sứ và vàng. Vàng thì tôi không có. Tôi tặng mỗi đồng chí một bộ ấm chén bằng gốm sứ. Lần này mới hơn là có quốc huy, có chữ ký của Thủ tướng và có tên từng thành viên Chính phủ. Tinh thần của ít lòng nhiều, xin tặng các đồng chí làm kỷ niệm.

(Trích phát biểu tại phiên họp Chính phủ tháng 3-2016)

Trong nhiệm kỳ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ đã trả lời trên 1.000 câu hỏi chất vấn trực tiếp và trên 1.500 phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội. Khẩn trương xem xét giải quyết các kiến nghị của cử tri. Thủ tướng Chính phủ thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trước nhân dân về những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. 

Tiến sỹ sử học Nguyễn Nhã: Thủ tướng đã nói lên khát vọng hòa bình 

Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có những phát ngôn mạnh mẽ và ấn tượng. Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Manila (Philippines) năm 2014, tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “Việt Nam không đánh đổi chủ quyền lấy thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc” đã làm cho nhân dân cả nước nức lòng.

Thủ tướng đã nói lên khát vọng hòa bình của Chính phủ và nhân dân đồng thời khẳng định tinh thần bất khuất, không chịu khuất phục của dân tộc Việt Nam, đặc biệt là trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trước khi từ nhiệm, những lời nói chia tay các thành viên Chính phủ của Thủ tướng một lần nữa lại làm xúc động người dân Việt Nam.

Thủ tướng đã chia sẻ tâm tư với người dân và là một trong những người rất quan tâm tới vấn đề chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trước mưu đồ bá chủ Biển Đông của Trung Quốc, tôi hy vọng nhiệm kỳ của Thủ tướng mới sẽ tiếp tục kiên định con đường đấu tranh, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại Trường Sa, Hoàng Sa và yêu cầu các nước nghiêm túc thực hiện luật pháp quốc tế. 

Ông Nguyễn Bá Thuyền, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực

Nhiệm kỳ vừa qua, Quốc hội đã có nhiều tiến bộ, đổi mới trong các mặt hoạt động. Cũng trong 5 năm vừa qua, hoạt động của Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử, đầu nhiệm kỳ lạm phát tăng cao, nhưng trong suốt nhiệm kỳ, Thủ tướng đã điều hành Chính phủ và các bộ, ngành chức năng kiềm chế được lạm phát ở mức ổn định nền kinh tế của đất nước.

Cũng như vậy, hoạt động của Chủ tịch nước trong nhiệm kỳ 2011 - 2016 cũng có những chuyển biến rất tích cực, thể hiện ở nhiều lĩnh vực liên quan đến quốc kế dân sinh. 

Hồng Tuấn (Ghi) 

ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội): Chính phủ lẽ ra đã làm tốt hơn nếu biết lắng nghe

Những kết quả mà nước ta đạt được trong 5 năm qua là sự nỗ lực lớn của toàn Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ. Điểm mới ở nhiệm kỳ này của Chính phủ là việc các thành viên Chính phủ sau khi được lấy phiếu tín nhiệm đã có sự nỗ lực, đạt kết quả tiến bộ vượt bậc, được Quốc hội ghi nhận, nhân dân đánh giá cao.

Dù vậy, Chính phủ lẽ ra có thể làm tốt hơn nếu biết lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH tại các kỳ họp góp ý về những bất cập của Chính phủ. Tôi cũng đồng tình với việc Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận rằng năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp, một số cơ chế, chính sách tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời.

Nguyễn Phan (Ghi)