Dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí tạo động lực cho quan hệ Việt - Mỹ

ANTĐ - Ngày 23-5, Tổng thống Barack Obama sẽ đến thăm Việt Nam trong chuyến thăm đầu tiên của ông chủ Nhà Trắng tới việt nam kể từ khi trở thành vị Tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Obama dự kiến thảo luận với lãnh đạo nước ta về một loạt vấn đề nhằm mục đích tăng cường quan hệ song phương và một trong những vấn đề chính đang thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới hiện nay là khả năng Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (trái) bắt tay Tổng thống Obama trong chuyến thăm Mỹ tháng 7-2015

Tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực

Theo thông cáo báo chí của Nhà Trắng, Tổng thống Obama sẽ tới Việt Nam và Nhật Bản từ ngày 22 đến 28-5 (theo giờ Mỹ) trong khuôn khổ chuyến công du thứ mười của nhà lãnh đạo này tới châu Á. Trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ có các cuộc gặp chính thức với các nhà lãnh đạo Việt Nam để thảo luận về quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ nhằm thúc đẩy hợp tác trên một loạt lĩnh vực, trong đó có kinh tế, giao lưu nhân dân… cũng như các vấn đề khu vực và thế giới mà hai bên cùng quan tâm.

Tại Thủ đô Hà Nội, Tổng thống Obama sẽ có bài phát biểu quan trọng về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ. Trong các cuộc gặp và tham dự sự kiện ở Hà Nội và TP.HCM, ông Obama sẽ thảo luận về tầm quan trọng của việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong năm nay. Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama là sự kiện được trông đợi và hai bên đã tích cực chuẩn bị cho sự kiện này. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định Tổng thống Mỹ rất trông đợi chuyến thăm Việt Nam sắp tới, đồng thời cho biết ông Obama mong muốn đẩy mạnh hợp tác nhằm làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế - thương mại đầu tư, giáo dục, chống biến đổi khí hậu…

Nhà Trắng cân nhắc bán vũ khí cho Việt Nam

Theo Tạp chí Foreign Policy, Nhà Trắng đang cân nhắc việc bán vũ khí cho Việt Nam lần đầu tiên kể từ năm 1975. Hai năm trước, Washington đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm, cho phép bán vũ khí bảo vệ an ninh hàng hải. Tạp chí này nêu rõ, Nhà Trắng đã điều trần về động thái này trong những tuần gần đây. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter đã công khai ủng hộ việc này trong bài phát biểu tại buổi điều trần ở Thượng viện tháng 4-2016. Tuy vậy, quyết định cuối cùng còn phụ thuộc vào kết quả những cuộc hội đàm của các đặc phái viên ngoại giao Mỹ tại Hà Nội.

Theo Hãng tin Reuters, hiện chưa rõ Tổng thống Obama tán thành hay phản đối việc dỡ bỏ cấm vận vũ khí trước chuyến thăm. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ nói rằng nếu cuối cùng ông Obama chọn việc không dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí ở thời điểm này, có khả năng ông sẽ xoa dịu bằng việc tạo ra một “nhóm công tác” để vạch ra lộ trình nhằm đạt được điều đó. 

Cũng theo Reuters, tuần này Hà Nội tổ chức hội thảo có sự tham gia của các công ty sản xuất vũ khí hàng đầu của Mỹ như Boeing và Lockheed Martin, song không đưa ra chính xác thời điểm diễn ra sự kiện. Hãng tin này nhấn mạnh, hội thảo diễn ra chỉ hơn một tuần trước chuyến thăm của ông Obama và trong bối cảnh Washington đang cân nhắc gỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam. 

Tháng 4-2015, hàng chục công ty lớn trong lĩnh vực vũ khí, trong đó có Boeing, BAE Systems, Lockheed Martin và Honeywell International đã tham dự một cuộc hội thảo tương tự. Sự kiện này một lần nữa cho thấy nỗ lực của Việt Nam trong việc nâng cao năng lực quốc phòng. Theo một số thống kê, Việt Nam đứng thứ tám thế giới về ngân sách nhập khẩu vũ khí, nhưng chưa được phép mua vũ khí sát thương từ Mỹ. 

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tiếp xúc với các nhà sản xuất phương Tây để hiện đại hóa lực lượng phòng không, không quân và hải quân, nhất là trong lĩnh vực phòng thủ biển. Trong khi đó, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ngày 13-5 cho rằng việc 

Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam sẽ tạo thêm động lực cho quan hệ Việt Nam - Mỹ. Tại Mỹ, những người ủng hộ việc dỡ bỏ hoàn toàn, như Thượng nghị sĩ John McCain, cho rằng việc dỡ bỏ sẽ giúp tăng cường quan hệ hợp tác trên lĩnh vực an ninh hàng hải. Hơn nữa, việc dỡ bỏ lệnh cấm sẽ giúp xây dựng lòng tin giữa hai nước, tăng cường hợp tác an ninh hàng hải cũng như tạo điều kiện cho mua bán vũ khí. 

Nước ta đang trong quá trình hiện đại hóa quân đội và coi những công nghệ quân sự của Mỹ như một cơ hội để nâng cao năng lực quân sự. Việt Nam cũng đã tăng cường hợp tác quốc phòng với Nhật Bản, Hàn Quốc và Philippines. Tuy nhiên, lệnh cấm vận vũ khí đã khiến Việt Nam khó tiến lại gần Mỹ trong lĩnh vực này.