Bài 2: Người dân và thành phố cùng chịu thiệt

Điều chỉnh nâng tầng dự án nhà ở - "Căn bệnh" đô thị cần sớm chữa trị

ANTĐ - Đối tượng chịu thiệt hại đầu tiên khi các tòa chung cư được phép điều chỉnh nâng tầng chính là cư dân sống trong các tòa nhà đó. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội chỉ được tính toán để phục vụ 1 người, giờ phải gánh 2-3 người dẫn tới sự quá tải nghiêm trọng.

Điều chỉnh nâng tầng dự án nhà ở - "Căn bệnh" đô thị cần sớm chữa trị ảnh 1

Chất lượng sống đi xuống

Ùn tắc giao thông, chen chúc nhau khám chữa bệnh, trắng đêm xếp hàng nộp đơn xin học cho con, cứ mùa hè là mất nước sạch, thiếu trầm trọng công viên, vườn hoa, điểm đỗ xe hay khu sinh hoạt cộng đồng, điểm vui chơi, giải trí... - Đó là những bức xúc đô thị mà người dân Thủ đô, nhất là ở khu vực nội thành, đang phải gánh chịu do sự quá tải của hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật dưới sức ép ghê gớm của sự gia tăng dân số cơ học. 

Có nhiều “thủ phạm” dẫn tới những bức xúc trên, song đối tượng đầu tiên phải kể đến là “cuộc đua” xây dựng các tòa nhà chung cư cao tầng trong khu vực nội thành Hà Nội. Phải nói rằng, “cuộc đua” này là tất yếu và sẽ đem lại nhiều lợi ích cho người dân và thành phố nếu “luật chơi” được tính toán và kiểm soát một cách chặt chẽ. Tuy nhiên, như thực tế Báo An ninh Thủ đô đã nêu ở bài trước, đa số các dự án cao tầng đều “bành trướng” một cách đáng lo ngại so với quy mô ban đầu, chất tải ngày một nặng lên hệ thống hạ tầng vốn đã già nua, yếu kém của thành phố. 

Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho biết, sức tải của đô thị rất quan trọng và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó hạ tầng là yếu tố then chốt. Hồng Kông (Trung Quốc) có mật độ rất cao, nhiều nhà cao tầng nhưng giao thông ít khi tắc nghẽn vì hạ tầng rất tốt. Hà Nội chưa có hệ thống hạ tầng tốt nên khi chất tải quá mức thì tất yếu dẫn tới ùn tắc. Ông Phạm Sỹ Liêm nói: “Căn cứ vào quy chuẩn nào để quy định dự án được xây từng đó tầng? Bây giờ điều chỉnh nâng lên vì lý do nào? Không phải muốn thấp thì thấp, muốn cao thì cao mà phải có sự tính toán khoa học dựa vào sức tải của hạ tầng, nhất là các vấn đề như môi trường, khả năng cấp điện, cấp nước...”. 

Sự quá tải về hạ tầng có thể dễ dàng nhận thấy qua việc một số khu chung cư cao cấp ở quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm thường xuyên thiếu nước sạch sinh hoạt trong những ngày cao điểm mùa hè. Nguyên nhân chủ yếu vì dân số các khu này tăng mạnh do điều chỉnh quy hoạch nhưng hệ thống đường ống truyền dẫn vẫn vậy, dẫn tới nước sạch dù sẵn có nhưng không thể chuyển tới từng hộ gia đình có nhu cầu. “Căn hộ 100m2, nếu 10 người thì rõ ràng không thể bằng chỉ có 5 người ở. Chưa tính tới các yếu tố như điện, nước, chất lượng dịch vụ của tòa nhà bị nâng tầng cũng sẽ giảm nhiều. Dân ở quá đông, thang máy lúc nào cũng phải chờ thì không thể gọi là chất lượng sống tốt được” -  ông Phạm Sỹ Liêm nói.

Không thể chiều theo ý của doanh nghiệp

Nhìn nhận thực trạng các dự án chung cư, khu đô thị ở Hà Nội xin điều chỉnh nâng tầng đã có từ lâu, ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng bình luận: “Dự án được phê duyệt 20 tầng nhưng lại xin điều chỉnh lên 30-40 tầng gây tác động rất lớn. Khi có thay đổi lớn so với mục tiêu ban đầu, hạ tầng chắc chắn không thể theo kịp được dẫn tới quá tải và chất lượng sống sẽ đi xuống” - ông Trần Ngọc Chính nói.

Theo ông Trần Ngọc Chính, đất ở khu vực trung tâm Hà Nội là “đất vàng”. Do đó, doanh nghiệp nào cũng muốn được tăng thêm diện tích xây dựng, thêm căn hộ để bán kiếm lời. Khi được phép nâng tầng, chủ đầu tư xây dựng thêm được nhiều căn hộ và nhanh chóng bán ra thị trường để thu lợi, còn gánh nặng hạ tầng để phục vụ người dân thành phố sẽ phải chịu. 

 “Ai cũng hiểu, việc chủ đầu tư xin nâng tầng là để có thêm căn hộ chuyển đổi mục đích sử dụng, công năng của tòa nhà văn phòng sang nhà ở là để bán. Còn việc lo xây dựng cơ sở hạ tầng cho dân cư vào sinh sống trong những tòa nhà đó lại phó mặc cho thành phố tính toán. Hành vi đó không phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị bền vững và quy hoạch đô thị. Do đó, người quản lý đô thị không thể chiều theo ý của doanh nghiệp mà phải tuân thủ nghiêm quy hoạch đã được phê duyệt” - ông Trần Ngọc Chính nêu quan điểm - “Phát triển đô thị phải phù hợp với hạ tầng để đảm bảo chất lượng cuộc sống dân cư ở khu vực đó. Nếu cứ điều chỉnh nâng tầng, tăng số hộ dân vào ở sẽ tạo áp lực lớn lên hạ tầng, phá vỡ quy hoạch và đó không còn là phát triển đô thị bền vững nữa”.

Nhìn nhận đây là một “kẽ hở trong công tác giám sát”, ông Nguyễn Hoài Nam - Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội cho biết: “Nếu việc điều chỉnh quy hoạch không được kiểm soát chặt chẽ, sẽ dẫn đến phá vỡ cả quy hoạch đã được phê duyệt. Đây là bất cập và chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị để đảm bảo giám sát chặt chẽ hơn vấn đề này”.

Cử tri không đồng tình

Gửi kiến nghị tới HĐND TP Hà Nội, cử tri quận Hoàng Mai bày tỏ sự không đồng tình với việc cho phép điều chỉnh quy hoạch, tăng mật độ và nâng tầng nhà chung cư, dẫn tới ảnh hưởng mật độ dân cư, các công trình hạ tầng kỹ thuật và dân sinh đi kèm không đáp ứng. Cử tri đề nghị các cơ quan chức năng cần xin ý kiến dân cư trước khi chấp thuận thay đổi quy hoạch.

(Trích Báo cáo tổng hợp kiến nghị cử tri gửi kỳ họp thứ 14 HĐND TP Hà Nội khóa XIV)