Điều chỉnh giờ làm sẽ hạn chế việc sử dụng thời gian của cơ quan làm việc riêng

ANTD.VN - Đưa ra giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội, ĐB Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu thay đổi giờ làm việc...

ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu thay đổi giờ làm việc

Sáng nay 31-10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2018-2020.

Kiến nghị giải pháp nhằm phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới,  ĐB Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, Chính phủ cần nghiên cứu thay đổi giờ làm việc.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh viện dẫn, theo tài liệu nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau trên thế giới và Châu Á, giờ làm việc được đưa ra đối với các cơ sở giáo dục, khối văn phòng bắt đầu từ 8h30 hoặc 9h và thời gian nghỉ trưa là 1 tiếng. Còn ở Việt Nam, thời gian làm việc bắt đầu từ 7h 30 đến 17h chiều, thời gian nghỉ trưa kéo dài từ 1 tiếng đến 2 tiếng đồng hồ.

Theo các nghiên cứu cho thấy, các nước có thời gian nghỉ trưa kéo dài có năng suất làm việc thấp hơn nước khác trong cùng một khu vực. Trong cùng một đất nước, vùng có thời gian nghỉ trưa dài hơn thì kinh tế cũng kém phát triển hơn vùng còn lại.

Qua tính toán, các khung giờ để áp dụng cho thực tiễn tại Việt Nam hiện nay, ĐB Nguyễn Văn Cảnh đề xuất Chính phủ cho nghiên cứu đánh giá một cách hiệu quả việc thay đổi khung giờ làm việc đối với khối hành chính, dịch vụ công và khối giáo dục công lập ở các khu vực đô thị.

Theo đó, giờ làm việc sẽ bắt đầu từ 8h30 và kết thúc 17h chiều và thời gian nghỉ trưa kéo dài 1h. Đối với khối doanh nghiệp ngoài nhà nước thì họ sẽ tự quyết định giờ làm cho phù hợp với sự tính toán của họ.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh phân tích, những lợi ích nếu dụng thời gian làm việc từ 8h30 thì không phải bố trí lệch giờ giao thông, mọi người trong gia đình có đủ thời gian đi học, đi làm lúc không gây ùn tắc, tiết kiệm thời gian và chi phí; Hiệu quả phương tiện giao thông công cộng tăng lên đáng kể (khi so sánh xe buýt phục vụ cho người dân từ 6h đến 8h30, so với  khoảng thời gian từ 6h đến 7h hoặc 7h30).

Đối với sức khoẻ người lao động và hiệu quả công việc, nếu thời gian nghỉ trưa khoảng từ 20 đến 30 phút sẽ giúp hồi phục năng lượng, tỉnh táo, cải thiện trí nhớ và nâng cao hiệu quả làm việc. Ngược lại, những người nghỉ trưa kéo dài dễ mắc các bệnh có nguy cơ đột quỵ cao; ngủ trưa quá lâu cũng gây nhức đầu, mệt mỏi và cơ thể sau thời gian nghỉ trưa kéo dài chưa sẵn sàng làm việc dẫn đến hiệu quả làm việc buổi chiều giảm.

Về sức khoẻ học sinh và gia đình, nếu học sinh có đủ thời gian trong buổi sáng, cha mẹ có thể lo cho con ăn uống đầy đủ, có thời gian quan tâm đến tình hình học tập và vui chơi, sinh hoạt của con ở trường. "Cchúng ta không còn thấy hình ảnh bố, mẹ chở con đi học trong sự vội vã. Con ngồi sau 1 tay cầm bánh mỳ, 1 tay cầm hộp sữa vừa không tốt cho sức khoẻ vừa mất an toàn giao thông", ĐB Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.

Phân tích về quan hệ xã hội và kỷ cương làm việc, ĐB Nguyễn Văn Cảnh cho rằng ai cũng có nhu cầu giao lưu với bạn bè, ai cũng có việc cá nhân. Làm việc sớm thì không tránh khỏi việc cá nhân, công chức sử dụng thời gian của cơ quan vào việc riêng của mình. Dù là ngồi ở quán nước hay ngay tại cơ quan mình làm việc.

Nếu giờ làm việc được điều chỉnh muộn hơn, nhu cầu giao lưu bạn bè, công việc cá nhân được giải quyết thì thời gian làm việc ở cơ quan được cá nhân, công chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cũng tiết kiệm đáng kể được nguồn năng lượng từ 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi so với thời gian bắt đầu làm việc từ 7h hoặc 7h30.