Điện tăng giá 7,5%, EVN nói chưa tính đủ

ANTĐ - Chiều 6-3, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trao đổi với một số cơ quan báo chí thông tin xung quanh quyết định điều chỉnh giá điện 7,5% từ ngày 16-3. Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho hay: “Nếu tính toán đầy đủ chi phí phát sinh và lợi nhuận 3-4% trên vốn chủ sở hữu, giá điện sẽ phải tăng thêm 12,4%”.

Điện tăng giá 7,5%, EVN nói chưa tính đủ ảnh 1Tiết kiệm điện để giảm áp lực tăng giá

EVN lãi trên 1.500 tỷ đồng

Theo ông Đinh Quang Tri, vốn chủ sở hữu của tập đoàn hiện nay là 153.000 tỷ đồng. Với quyết định điều chỉnh giá điện thêm 7,5% của Chính phủ, EVN sẽ có lãi khoảng 1%, tương ứng trên 1.500 tỷ đồng. “Phần lớn khoản lợi nhuận này chúng tôi chuyển sang đầu tư, phát triển. Một phần nhỏ dành cho khen thưởng và phúc lợi”- đại diện EVN nói. Doanh thu  của tập đoàn trong năm 2015 sẽ tăng thêm khoảng 13.000 tỷ đồng. Ngược lại, nếu không điều chỉnh giá điện lần này, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng. 

Trước đó, căn cứ vào sự thay đổi của các chi phí đầu vào, EVN đã trình 3 phương án tăng giá điện. Mức thấp nhất là 7,5% và mức cao nhất là 9,5%; trung bình là 8,5%, thấp hơn tính toán về chi phí phát sinh thực tế và mức lợi nhuận kỳ vọng (12,4%). EVN cho biết, tính đến hết ngày 31-1-2015, các yếu tố làm tăng chi phí sản xuất điện là 10.491 tỷ đồng. Trong khi đó, các yếu tố làm giảm chi phí sản xuất điện chỉ hơn 1.657 tỷ đồng. Do vậy, việc tăng giá điện là không thể tránh khỏi. Thêm vào đó, khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá tính đến hết năm 2013 là 8.811 tỷ đồng. Theo phương án giá điện được phê duyệt thì khoản chênh lệch tỷ giá sẽ được phân bổ vào năm 2015 khoảng 926 tỷ đồng, số tiền chênh lệch còn lại được phân bổ vào các năm từ 2016 trở về sau. 

Vẫn chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư

Từ ngày 16-3 tới, giá điện bình quân sẽ nâng lên mức 1.622 đồng/kWh. Tuy nhiên, mức giá mới này cũng chưa đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư. “Mục tiêu của EVN không phải là lợi nhuận mà là phục vụ xã hội. Nhưng nếu không có lãi, chúng tôi sẽ không thể kêu gọi các nhà đầu tư”- đại diện EVN nói. Trước nhiều ý kiến cho rằng, cần tách bạch nhiệm vụ kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để minh bạch giá điện, ông Đinh Quang Tri cho biết, EVN phải mua điện với giá thị trường nhưng bán điện với mức trần đã được quy định. Tổng lượng điện phải mua chiếm tới 83% nên khi giá nhiên liệu thay đổi, giá mua điện tăng mà giá bán lẻ không điều chỉnh thì doanh nghiệp đương nhiên bị lỗ.

So với giá điện bình quân 1.835 đồng/kWh do Bộ Công Thương quy định thì giá điện mới đã chiếm 87% mức trần nêu trên. Tuy nhiên, trong năm 2015, giá điện có thể không được điều chỉnh tiếp bởi giá khí, giá dầu có xu hướng ổn định. Giá than trên thế giới có xu hướng giảm, sẽ gây sức ép khiến giá than bán cho điện ở trong nước ít có khả năng tăng. Chi phí đầu vào cho sản xuất điện dự báo sẽ ổn định. 

Đại diện EVN cho biết, ảnh hưởng của việc tăng giá điện đối với những hộ tiêu dùng ít là không lớn. Cụ thể, với khách hàng dùng dưới 50kWh/tháng, chi phí phát sinh là 4.800 đồng/tháng. Tương tự, các hộ dùng dưới 100kWh/tháng cũng chịu tác động không nhiều. Tuy nhiên, các hộ sản xuất đang được hưởng điện giá thấp sẽ phải chịu mức giá cao hơn mức bình quân (7,5%). Ước tính, có hàng triệu hộ thuộc diện gia tăng chi phí đáng kể này. 

EVN cũng khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, bởi nếu tăng trưởng nhu cầu điện quá “nóng” sẽ dẫn đến phải đầu tư xây dựng nhà máy điện giá cao. Khi đó, người dân sẽ lại phải chịu giá điện cao hơn. Góp phần vào ổn định giá điện, EVN cũng đang triển khai nhiều biện pháp để giảm tổn thất điện năng, tăng năng suất lao động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.