Diễn đàn Tổng biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu"

ANTD.VN - Sáng ngày 11-6 tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhà báo và Công luận đã tổ chức diễn đàn Tổng biên tập "Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu". Tham dự diễn đàn có Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử  (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lưu Đình Phúc, Vụ trưởng Vụ Báo chí- Xuất bản  (Ban Tuyên giáo Trung ương) Trần Thanh Lâm cùng Tổng biên tập các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương. 

Diễn đàn Tổng biên tập "Báo chí và bái toàn phát triển nguồn thu" diễn ra 3 phiên thảo luận: Báo chí và bài toán phát triển nguồn thu, Báo chí phát triển nguồn thu: Bệ đỡ nào từ chính sách, nhà nước? Những kiến nghị chính sách để báo chí tiếp tục phát triển thêm nguồn thu, đảm bảo kinh tế báo chí được thảo luận trực tiếp tại diễn đàn. 

Là người mở đầu diễn đàn, ông Lê Trần Nguyên Huy, Tổng biên tập Nhà báo và Công luận khẳng định, việc phát triển kinh tế báo chí và tăng nguồn thu đang là vấn đề nan giải của các cơ quan báo chí, đặc biệt là đối với các cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn hoặc tự chủ một phần. Phần lớn các tòa soạn đều giảm 50% doanh thu và để tồn tại, hầu hết các tòa báo đều cắt giảm chi phí. Hiện nay, các tờ báo đang bị cạnh trạnh quyết liệt của mạng xã hội. "Trong bối cảnh này, các tòa soạn sẽ tìm nguồn thu từ đâu để duy trì hoạt động?", ông Lê Trần Nguyên Huy đặt ra câu hỏi. 

Toàn cảnh diễn đàn Tổng biên tập "Báo chí và bái toàn phát triển nguồn thu"

Để làm rõ hơn sự khó khăn của các cơ quan báo chí trong bối cảnh số, ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) cho biết, với hơn 900 cơ quan báo chí ở cả 3 loại hình nhưng trong năm 2019, tổng doanh thu phát sinh trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình chỉ đạt gần 16.000 tỷ đồng, tương đương với doanh thu quảng cáo trực tuyến của các nền tảng xuyên biên giới như facebook, google ở thị trường Việt Nam. Chỉ trong 10 năm, khoảng 50% thị trưởng quảng cáo rơi vào tay các nền tảng số xuyên biên giới. Mất nguồn thu đồng nghĩa với việc sa sút nội dung và giảm sự ảnh hưởng của kênh tuyên truyền chính thống. 

Xuất phát từ thực tiễn hoạt động của một cơ quan báo chí, nhà báo Lê Xuân Sơn,Tổng biên tập Báo Tiền phong khẳng định, sự phát triển của công nghệ đã ảnh hưởng cực lớn đến kinh tế của báo chí truyền thống. Xu thế rõ ràng là doanh thu đi xuống và đi xuống nghiêm trọng. Đã có ý kiến cho rằng, nếu không trụ được thì hãy chấm dứt sự tồn tại. Tuy nhiên, ông Lê Xuân Sơn cho rằng, chuyện không đơn giản như thế. Nếu báo chí chính thống chấm dứt hoạt động thì ai sẽ làm công tác tuyên truyền, giáo dục và truyền thông có định hướng, điều mà các cơ quan có trách nhiệm của Đảng, Nhà nước luôn đánh giá cao vai trò của báo chí? Ai sẽ cung cấp thông tin, phân tích, phản biện, tư vấn có trách nhiệm một cách công khai trên công luận và ai sẽ thẩm định, cung cấp thông tin một cách chính xác cho bạn đọc, giúp họ nhận ra trong đống thông tin hổ lốn trên mạng xã hội?

Ông Lê Trần Nguyên Huy, Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận phát biểu khai mạc diễn đàn

Khó khăn của các cơ quan báo chí còn nằm ở việc vừa đảm bảo nhiệm vụ chính trị vừa đảm bảo về kinh tế báo chí. Đóng góp ý kiến vào diễn đàn, Tổng biên tập Báo An ninh Thủ đô Nguyễn Thanh Bình chia sẻ, một tờ báo được bán ra sạp, có giá tiền cụ thể, là một sản phẩm thương mại. Tuy nhiên, đây là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, khi sứ mệnh thông tin của báo chí cách mạng phải là tiêu chí hàng đầu, vượt lên trên mọi yêu cầu của một sản phẩm hàng hóa thông thường. Nhưng mặc dù sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đặc biệt như thế, nhưng bản chất về kinh tế thì cơ quan báo chí lại hạch toán như doanh nghiệp. Báo chí phải đóng tất cả các loại thuế, cả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Một cơ chế doanh nghiệp thuần túy áp dụng cho loại hình doanh nghiệp "đặc biệt" như báo chí, rõ ràng là điều bất cập.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập tạp chí Nhà đầu tư còn đưa kiến nghị, để thuế về 0% trong hoạt động báo chí. Bởi đóng góp của các cơ quan báo chí vào tổng thu nhập quốc dân không đáng kể và nên có sự hỗ trợ đối từ chính phủ. Đồng thời có sự phân biệt rạch ròi giữa cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn, cơ quan báo chí tự chủ 1 phần và cơ quan báo chí bao cấp để từ đó đưa các chính sách hỗ trợ phù hợp.   

Bên cạnh đó, các đại biểu còn đề ra các giải pháp về bảo vệ bản quyền báo chí trong bối cảnh số, đề xuất cơ chế đặt hàng và giao nhiệm vụ đối với các cơ quan báo chí, yêu cầu các nhà mạng xuyên biên giới như Facebook, Google... và các nhà mạng trong nước chia sẻ nguồn thu...

Tiếp thu các ý kiến đóng góp, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ kiến nghị tới Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ để từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp trong hoạt động báo chí nước nhà. Bên cạnh việc kiến nghị, nhà báo Hồ Quang Lợi cho rằng, các cơ quan báo chí phải có bản sắc riêng, mang tính đặc thù. Đồng thời không ngừng ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực truyền thông trong cơ quan báo chí và thiết lập mối quan hệ đồng hành một cách đúng đắn với các thành phần trong xã hội, mà trực tiếp là các doanh nghiệp.