Kỷ niệm 65 năm ngày Chiến thắng Điện Biên (7/5/1954-7/5/2019)

Điện Biên Phủ - "góc nhìn từ bên kia ngọn đồi"

ANTD.VN - Tiến sĩ, Đại úy quân đội Pháp Ivan Cadeau dành sự quan tâm đặc biệt cho chiến tranh Đông Dương, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ tại Việt Nam. Với niềm đam mê khám phá ra sự thật và đem đến cho công chúng góc nhìn khách quan, ông đã cho ra đời cuốn sách chuyên khảo “Điện Biên Phủ: 13/3 - 7/5/1954”. Bản dịch tiếng Việt vừa ra mắt công chúng Việt Nam vào chiều 3-5-2019 tại Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước.

Một góc nhìn mới

Trong suốt thời gian tìm hiểu về cuộc chiến Đông Dương và chiến thắng Điện Biên Phủ, Ivan Cadeau nhận ra một khó khăn rằng, những tài liệu hiện nay ở Pháp mà ông hay rất nhiều người được đọc đều là sách văn học hay tác phẩm do các phóng viên hiện trường thực hiện. Thách thức này đã thôi thúc ông thực hiện biên soạn một cuốn sách mới dựa trên những tài liệu tại cơ quan Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp để đem đến cái nhìn bao quát, khác với những gì từng nghe thấy và mang tính chất giáo khoa, có tính phổ cập tới đông đảo công chúng. “Các cuốn sách trước đây về chiến tranh tại Đông Dương chỉ có cái nhìn của nước Pháp. Cho nên tôi mong muốn tìm hiểu ở một góc nhìn chân thực hơn, trung tính hơn, đó là nhìn từ phía Việt Nam. Đặc biệt, tôi muốn khai thác vai trò của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến này. Tôi đã có 850km giá tài liệu về nghiên cứu này” - Ivan Cadeau cho biết.

Điện Biên Phủ - "góc nhìn từ bên kia ngọn đồi" ảnh 2Ông Đặng Thanh Tùng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tặng bản tiếng Việt cho tác giả Ivan Cadeau

Với tác giả, Điện Biên Phủ là những âm tiết xa lạ với người phương Tây nhưng lại có sức hút đặc biệt với mình. Ông muốn tìm hiểu về nơi này ngay từ khi ba chữ “Điện Biên Phủ” xuất hiện tại bức ảnh những tù binh Pháp in trong cuốn sách mà mẹ ông - một giáo viên lịch sử - từng viết. Đó cũng là lý do ông theo đuổi con đường nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc chiến tranh Đông Dương và hoàn thiện cuốn “Điện Biên Phủ: 13/3-07/5/1954”. Năm 2013, cuốn sách do Ivan Cadeau nghiên cứu và biên soạn được xuất bản tại Pháp. Nhiều tài liệu, thông tin hay hồi ký của các nhân chứng lịch sử in trong đó chưa từng được công bố tại Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia lịch sử, cuốn sách đưa ra được những đánh giá, nhận định khách quan dựa trên khai thác tài liệu, văn thư của quân đội, chính quyền thuộc địa và cả từ báo chí Pháp thời kỳ đó. Ivan Cadeau cho biết, ông đã thực hiện sưu tầm tư liệu như công việc của một nhà sử học, một điều tra viên, bắt đầu từ việc tra cứu, phân loại, tổng hợp thông tin và khôi phục sự kiện. “Tôi không quan tâm đến thời gian dành cho việc sưu tầm này bao lâu, mà tôi quan trọng về vấn đề làm nó như thế nào để đạt được mục tiêu đề ra” - Ivan Cadeau chia sẻ.

Sự quan tâm của người Pháp

Ngoài những tài liệu lưu trữ và hồi ký chưa được công bố, trong cuốn sách, Ivan Cadeau còn đề cập đến một thực tế khác của sự kiện quan trọng này, trong đó có nhiều vấn đề còn được tranh luận cho đến ngày nay. Những tranh luận đặc biệt được thông qua việc phỏng vấn các nhà lãnh đạo có liên quan (bắt đầu vào năm 1955). Trong quá trình thực hiện biên soạn cuốn sách, khó khăn mà ông gặp phải  chính là chưa được tiếp cận nguồn tư liệu lịch sử từ Việt Nam. Vì vậy, ông cho rằng cuốn sách của mình còn nhiều hạn chế. Tính tới thời điểm hiện tại, “Điện Biên Phủ 13/3 - 7/5/1954” của Ivan Cadeau đã bán được 6.500 bản tại Pháp. Đây là số lượng rất khả quan cho cho một cuốn sách về lịch sử. Điều này cũng chứng tỏ mức độ quan tâm của người dân Pháp về chiến thắng Điện Biên Phủ của Việt Nam từ một góc nhìn mới đa chiều - “góc nhìn từ bên kia ngọn đồi”.

Điện Biên Phủ - "góc nhìn từ bên kia ngọn đồi" ảnh 4Bộ đội Việt Minh trên chiến trường Điện Biên Phủ

Sách bao gồm 272 trang với 7 chương: Một lối thoát danh dự;  Chiến dịch mùa thu năm 1953;  Bản Kéo, Him Lam, Độc Lập và một số căn cứ khác; Đó là cho ngày mai;  Khủng hoảng tinh thần; Trận chiến 5 ngọn đồi;  Tạm biệt ông bạn già. Trong tác phẩm, Ivan Cadeau đưa người đọc đi qua từng trận đánh khốc liệt tại “chảo lửa” của Đông Dương. Ngôn từ mà tác giả thể hiện trong mỗi chương đều mang một màu sắc khách quan, khiến người đọc có những cung bậc cảm xúc khác nhau nơi chiến trường cam go mà Việt Minh đã ngày đêm chiến đấu để giành lại độc lập tự do cho dân tộc. Đặc biệt cuốn sách chỉ ra rõ vai trò lãnh đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Mặt trận Việt Minh. Với những chủ trương, đường lối thông minh, linh hoạt và sáng tạo, quân dân Việt Nam chiến thắng lực lượng viễn chinh Pháp.

“Chính nhờ sự thống nhất và hình thành hệ tư tưởng vững chắc của các Đảng viên, đặc biệt là của người đứng đầu Hồ Chí Minh mà chỉ trong vài tháng, Đảng này đã thành công trong việc loại bỏ Pháp và tuyên bố độc lập cho Việt Nam ngày 2-9-1945 tại Hà Nội…” - Chương 1 của cuốn sách viết. Đại úy Ivan Cadeau đã không ngần ngại chỉ ra âm mưu xâm lược Việt Nam của Pháp khi xưa rằng: “Viện cớ ngăn sự đối xử tệ chống lại người theo đạo Thiên chúa và các nhà truyền giáo, người Pháp đã can thiệp vào Viễn Đông từ năm 1858, sau nhiều thập niên, ảnh hưởng của họ dần dần trải rộng bằng thương lượng lẫn vũ lực…”. Hay như nói về sức mạnh của Mặt trận Việt Minh, Đại tá De Castries viết trong thư đề ngày 22-3, một trong những bức thư cuối cùng gửi Tướng Cogny: “Khả năng chuẩn bị của pháo binh (Việt Minh) nhắc tôi nhớ lại những ngày tồi tệ ở Italia, không tuyệt vời chút nào cả” (trích chương 5 của cuốn sách). Một trích đoạn khác trong phần Lời kết viết: “Họ đặt chúng ta trước một huyền thoại vững chắc (đó là Điện Biên Phủ - Thung lũng của các anh hùng). Chúng ta chỉ còn cách chịu đựng sức nặng của vinh quang, bởi vì điều chúng ta có thể bổ sung vào những câu chuyện anh hùng được kể lại sẽ làm lu mờ hào quang của một số chỉ huy, nếu không muốn nói là tất cả”.

Cộng đồng người Pháp quan tâm đến chiến tranh Đông Dương đánh giá cuốn sách của Ivan Cadeau đã đưa ra những nhận định minh bạch, rõ ràng. Còn với Ivan Cadeau: “Điều tôi thấy tiếc nuối nhất khi thực hiện cuốn sách này chính là chưa có điều kiện được tiếp xúc thêm các tài liệu từ Việt Nam. Tôi nghĩ rằng cần có sự so sánh lịch sử giữa 2 nước. Qua cuốn sách, tôi cũng mong muốn những nhà lưu trữ Pháp hãy đến Việt Nam để tìm hiểu và “đắm chìm” trong nguồn tài liệu của họ”.

Điện Biên Phủ - "góc nhìn từ bên kia ngọn đồi" ảnh 5Đoàn xe thồ vũ khí, lương thực của dân công phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

Nguồn tài liệu quý

Thạc sĩ Đào Thị Ngọc Nhàn, người dịch cuốn sách này cho biết, chị đã bắt tay nghiên cứu về chiến dịch Điện Biên Phủ trong khoảng thời gian gần nửa năm. Trong khoảng 2 tháng, chị đã dành ra nhiều thời gian làm việc liên tục tại cơ quan Lưu trữ Bộ Quốc phòng Pháp để đọc các tài liệu về các chiến dịch trước, trong và sau Điện Biên Phủ. Suốt quá trình này, chị đọc và nghiên cứu hơn 50.000 trang tài liệu, trong đó có những tài liệu rất mới và chỉ được Pháp giải mật năm 2015. Ví dụ như toàn bộ hồ sơ liên quan đến Ủy ban Điều tra quân sự Pháp về thất bại Điện Biên Phủ. 

“Theo giới thiệu của Tiến sĩ Cadeau, tôi đã đọc thêm 2 cuốn “Tại sao Điện Biên Phủ” (Pourquoi Dien Bien Phu?) của Rocolle Pierre; “Đông Dương hấp hối” (L’ Agonie de l’Indochine) của Tướng Henri Navarre. Đó là ấn bản đầu tiên của nhà xuất bản Plon và nó từng là nguyên nhân dẫn đến vụ kiện giữa Tướng Navarre và Tướng Cogny năm 1956” - Thạc sỹ Đào Thị Ngọc Nhàn nói. Chị cũng chia sẻ trong quá trình dịch còn tham khảo ý kiến của chính tác giả Ivan Cadeau để làm sáng tỏ một số tư liệu trong cuốn sách. Đơn cử như tài liệu lưu trữ về cuộc điện đài cuối cùng giữa Tướng Cogny và Tướng De Castries trước khi Điện Biên Phủ thất thủ hoàn toàn ngày 7-5-1954, trong đó hoàn toàn không có phần nói về việc Tướng De Castries phải tự sát, hay nguyên bản bức thư của Tướng Navarre gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 8-5-1954 về việc sơ tán thương binh Pháp.

Điện Biên Phủ - "góc nhìn từ bên kia ngọn đồi" ảnh 6Những cột khói đen bốc lên nghi ngút sau trận đánh mở màn trên đồi Him Lam, ngày 13-3-1954

Thạc sỹ Đào Thị Ngọc Nhàn hy vọng trong thời gian không xa, giới nghiên cứu Việt Nam có thể tiếp cận và khai thác nguồn tài liệu quý mà Pháp đang có. Bởi hiện nay, trong các tài liệu lưu trữ của Bộ Quốc phòng cũng như từ nhiều cơ quan lưu trữ khác của Pháp có rất nhiều tài liệu quý về hoạt động của cả ta và Pháp trong thời gian này. Những báo cáo tình báo chi tiết, các bản phân tích thông tin thu thập được của quân đội Pháp về việc di chuyển, triển khai của các đơn vị Việt Minh suốt chiều dài cuộc chiến. Những tài liệu này rất có ích cho giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam.

Hiện nay, cuốn sách được giới chuyên gia đánh giá là tư liệu quý báu giúp cho mỗi người dân Việt Nam và bạn đọc trên toàn thế giới có cái nhìn toàn diện hơn về trận chiến Điện Biên Phủ, góp phần làm cho kho tư liệu về những chiến thắng lịch sử của dân tộc thêm phong phú, sinh động hơn. Thông qua các trận đánh được tái hiện trong cuốn sách, bạn đọc có thể hiểu rõ hơn tầm vóc vĩ đại, ảnh hưởng to lớn của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đối với dân tộc Việt Nam và nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới qua góc nhìn của một sĩ quan quân đội Pháp.

Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước đã ký hợp đồng với NXB Tallandier (Pháp) mua bản quyền xuất bản và dịch sang tiếng Việt để ra mắt công chúng nhân dịp 65 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019). Sau lễ công bố, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước sẽ tặng cuốn sách cho các thư viện, các viện nghiên cứu, các trường học để phục vụ việc tham khảo, nghiên cứu.