Dịch vụ công trên nền tảng số phải thuận tiện để người dân, doanh nghiệp hài lòng

ANTD.VN - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặc biệt nhắc nhở, xây dựng Chính phủ điện tử phải lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thuận tiện, hài lòng của người dân làm mục tiêu và phải bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận hội nghị

Ngày 23-7, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, đã chủ trì Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với các bộ ngành, địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh nhiệm vụ xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam hình thành 3 thành tố: hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, dịch vụ công trực tuyến. Gần đây, chỉ số dịch vụ công trực tuyến của Việt Nam có tiến bộ.

Các bộ, ngành cần xác định cơ sở dữ liệu cốt lõi để thực hiện xây dựng theo cơ chế đặc thù,không hình thức, không phong trào, lãng phí; đặc biệt phải chú trọng an toàn, an ninh thông tin.

Làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phân tích, Chính phủ điện tử không chỉ để hiện đại hóa theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin mà còn gắn với cải cách thể chế, chất lượng hành chính, công khai, minh bạch... Thời gian qua, một số tỉnh, thành phố đã thực hiện được định hướng này.

Thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương cần lưu ý chỉ thiết lập 1 cổng thông tin một cửa, công khai; các đơn vị, địa phương cần lựa chọn các hình thức dịch vụ hành chính người dân có nhu cầu lớn; số hóa các dữ liệu quản lý, bảo đảm an toàn; chuẩn hóa cơ sở dữ liệu theo cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ...

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các bộ, ngành đã hoàn thành 7/63 nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều đơn vị thực hiện tốt.

Kết quả là đã từng bước đã hoàn thành khung pháp lý về xây dựng Chính phủ điện tử, tháo gỡ một số khó khăn; triển khai Trục liên thông văn bản quốc gia; việc xây dựng dữ liệu quốc gia được chú trọng; việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được tăng lên; kinh phí xây dựng Chính phủ điện tử từ trung ương đến địa phương được quan tâm bố trí một phần; công tác bảo đảm an toàn, an ninh được quan tâm cải thiện...

Tuy vậy, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế như: số lượng dịch vụ công tăng nhưng tỷ lệ thực hiện còn thấp, hiệu quả chưa cao, cho thấy chất lượng dịch vụ công còn thấp, hiệu quả chưa cao; một số văn bản tạo hành lang pháp lý chưa được ban hành; tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm...          

Theo Thủ tướng, thời gian tới, xây dựng Chính phủ điện tử phải thực chất, không hình thức. Để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng nhấn mạnh, về tầm nhìn, phải có sự liên kết giữa các cấp độ; làm tốt mối quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương. Mục tiêu là cung cấp thông tin, dịch vụ công trên nền tảng kỹ thuật số, mọi lúc mọi nơi, tăng cường sự tham gia của nhân dân. Các đề án được triển khai phải bảo đảm an ninh, an toàn, có đơn vị làm đầu mối, rõ trách nhiệm.

Thủ tướng khẳng định là phải lấy người dân là trung tâm, sự hài lòng của người dân là mục tiêu, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau. Bởi, "nếu người dân không dùng, doanh nghiệp không dùng thì Chính phủ điện tử thất bại, lãng phí".

Về một số nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng cho rằng, cần chú ý xây dựng những dịch vụ công thiết yếu với người dân, doanh nghiệp. Nhấn mạnh vai trò của quản trị dữ liệu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin - Truyền thông phải chịu trách nhiệm về quản trị dữ liệu, kết nối, luân chuyển dữ liệu và phải là dữ liệu an toàn.

Các bộ, ngành cần khẩn trương xây dựng, trình đúng tiến độ các văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo hành lang pháp lý cho công tác xây dựng Chính phủ điện tử.

Cần tập trung xây dựng và đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia; Trục liên thông văn bản quốc gia; các tỉnh hoàn thành cung cấp dịch vụ công cấp độ 3, 4, kết nối với cổng quốc gia. Bộ Công an tập trung kinh phí xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia.

“Những gì đã phát triển, đang chạy tốt thì phải liên thông lại. Cái gì chưa làm thì làm theo cách mới, tức là xây dựng các nền tảng dùng chung cho các tỉnh, các bộ, ngành, tránh lãng phí, triển khai đồng bộ và nhanh theo hướng Chính phủ đầu tư hoặc thuê dịch vụ của nền tảng này”, Thủ tướng lưu ý.