“Dịch” vẽ bậy lên di tích

(ANTĐ) - Tròn 5 tháng trước, tượng đài Thánh Gióng, một công trình có ý nghĩa tâm linh đặc biệt đã được khánh thành tại đỉnh Đá Chồng - Sóc Sơn. Nhưng chỉ ít ngày sau, chân tượng và một số công trình phụ trợ quanh đó trở thành nơi “thề non hẹn biển”, nơi lưu lại những dòng “cảm xúc” của một số người. Tượng Thánh Gióng cũng bị vẽ bậy.

“Dịch” vẽ bậy lên di tích

(ANTĐ) - Tròn 5 tháng trước, tượng đài Thánh Gióng, một công trình có ý nghĩa tâm linh đặc biệt đã được khánh thành tại đỉnh Đá Chồng - Sóc Sơn. Nhưng chỉ ít ngày sau, chân tượng và một số công trình phụ trợ quanh đó trở thành nơi “thề non hẹn biển”, nơi lưu lại những dòng “cảm xúc” của một số người. Tượng Thánh Gióng cũng bị vẽ bậy.

Bức tường bao quanh tượng đài Thánh Gióng chi chít những dòng chữ tỏ tình
Bức tường bao quanh tượng đài Thánh Gióng chi chít những dòng chữ tỏ tình

Tượng thánh cũng không tha

Trong tâm thức của người dân đất Việt, Thánh Gióng không chỉ là một người anh hùng đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm mà ông còn được suy tôn là một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian. Thế nhưng, 5 tháng sau khi khánh thành, bức tượng uy nghi này đã phải mang trên mình vô số những hình vẽ nguệch ngoạc.

Không chỉ có thế, để những dòng chữ “lưu niệm” tồn tại vĩnh cửu, nhiều du khách còn lấy vật nhọn khắc sâu lên thân tượng. Mùa hội 2011, mỗi ngày tại khu di tích đền Sóc đón cả nghìn lượt khách tham quan. Lực lượng bảo vệ di tích có hạn, Vì thế BTC đã làm một tấm biển yêu cầu du khách không trèo lên bệ tượng cũng như không khắc, vẽ ên tượng…

Cây dứa dại tại di tích Thành nhà Mạc - Lạng Sơn trở thành sổ "lưu bút"
Cây dứa dại tại di tích Thành nhà Mạc - Lạng Sơn trở thành sổ "lưu bút"

Nhưng xem ra, tấm biển này không đủ sức làm “động lòng” những kẻ muốn “lưu danh” muôn thuở. Không chỉ có tượng Thánh Gióng, nhiều công trình phụ trợ quanh đó cũng bị vẽ lem nhem: “Anh yêu em nhiều lắm, T+H ”, khi thề thốt  “Mãi mãi yêu em”, “Ta đã đến đây, ngày…”, khi thì tuyệt vọng: “Đừng bỏ anh, D ơi”.

Cũng đến cả chục năm qua, tháp Hòa Phong bên bờ hồ Hoàn Kiếm, di sản kiến trúc duy nhất còn sót lại của chùa Báo Thiên uy nghiêm xưa cũng đã bị bôi bẩn theo kiểu này. Khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Hành động trên khiến không ít du khách nước ngoài phải ngán ngẩm lắc đầu.

Khi “bệnh dịch” lan truyền…

Tình trạng viết vẽ bậy lên di tích giờ như một “bệnh dịch” lan truyền khắp nơi, và thời điểm “bùng phát dịch” chính là vào những ngày đầu năm, mùa trẩy hội. Cách đây không lâu, chúng tôi đến thăm di tích Tháp Đôi - Quy Nhơn - Bình Định. Trải qua hơn 700 năm tồn tại, qua nhiều biến thiên, rồi chiến tranh tàn phá, ngôi tháp vẫn tồn tại như một chứng nhân lịch sử.

Tháp Đôi - Quy Nhơn - Bình Định cũng là nạn nhân của thói bạ đâu vẽ đấy
Tháp Đôi - Quy Nhơn - Bình Định cũng là nạn nhân của thói bạ đâu vẽ đấy

Nhưng khi bước vào lòng tháp, tôi cũng như rất nhiều du khách tham quan có mặt hôm đó không khỏi xót xa, khi thấy chi chít những dòng chữ khắc sâu vào thân tháp, vẫn là những lời tỏ tình, thề thốt chung thủy hết sức phản cảm và vô duyên.

 Không chỉ viết vẽ bậy lên tường, lên tượng, bất cứ chỗ nào viết được là người ta có thể viết… Nếu ai đã từng đến thăm Thành nhà Mạc - Lạng Sơn, hẳn sẽ thấy buồn cho cái sự… thừa chữ. Những dòng chữ “lưu danh” còn được khắc cả lên lá những cây dứa dại.

Không thể làm ngơ

Nhiều năm nay, việc viết, vẽ bậy lên di tích tăng mạnh. Lạ hơn, có những ông bố bà mẹ còn cõng con lên để đứa bé nguệch ngoạc viết lên tháp Bút dòng chữ “Con ước học giỏi”. Một số ít giới trẻ còn có suy nghĩ hết sức buồn cười là “Khi viết ước mong của mình lên chốn linh thiêng thì ước mong đó sẽ thành hiện thực”.

Thành hiện thực đâu chả thấy, chứ cái kiểu leo lên tượng, khắc lên thân tượng, viết vẽ lên tháp - những nơi linh thiêng như thế thì thánh thần, trời, phật nào chứng cho? Lại cũng có điều lạ, sự việc này tồn tại đã lâu, hậu quả gây ra không ít, ai cũng thấy “chướng tai gai mắt” nhưng chưa có cơ quan chức năng nào đưa ra biện pháp quản lý hiệu quả, chưa có trường hợp nào bị xử lý. 

Khi được hỏi, hầu hết BQL các di tích đều phân trần rằng, lực lượng bảo vệ còn quá mỏng, không đủ người để ngăn chặn những hành vi đó. Và cách duy nhất vẫn đang được “áp dụng rộng rãi” cho tới thời điểm này vẫn chỉ dừng ở mức: kêu gọi ý thức của mỗi người dân. 

Thiết nghĩ, đã đến lúc ngăn chặn hành vi trên bằng các hình thức xử phạt nặng. Điều này đã được nêu rõ tại mục 6, điều 34, khoản 1, Nghị định 75/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa có hiệu lực từ 1-9-2010 “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi làm hoen bẩn di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, công trình văn hóa, nghệ thuật”.

Quỳnh Vân