Dịch lợn “tai xanh”: Vì sao tiêu hủy vẫn lây lan?

(ANTĐ) - 10 tỉnh đang có dịch lợn “tai xanh”, tổng số lợn mắc bệnh đã lên hơn 200 nghìn con, miền Bắc đã có 4 tỉnh xuất hiện dịch. Có thể nói, tình hình dịch “tai xanh” đang báo động trên cả nước. Tuy nhiên, đến nay, khi dịch đã và đang lây lan rộng thì lại nảy sinh nhiều vấn đề hậu dịch. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm chiều 22-4, nhiều ý kiến cho rằng, nên cân nhắc việc tiêu hủy lợn bệnh và có thể giữ lại chữa trị.

Dịch lợn “tai xanh”: Vì sao tiêu hủy vẫn lây lan?

(ANTĐ) - 10 tỉnh đang có dịch lợn “tai xanh”, tổng số lợn mắc bệnh đã lên hơn 200 nghìn con, miền Bắc đã có 4 tỉnh xuất hiện dịch. Có thể nói, tình hình dịch “tai xanh” đang báo động trên cả nước. Tuy nhiên, đến nay, khi dịch đã và đang lây lan rộng thì lại nảy sinh nhiều vấn đề hậu dịch. Tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm chiều 22-4, nhiều ý kiến cho rằng, nên cân nhắc việc tiêu hủy lợn bệnh và có thể giữ lại chữa trị.

Lợn bỏ ăn là tiêu hủy

Ngay từ những ngày đầu khi dịch lợn “tai xanh” bùng phát ở tỉnh đầu tiên, biện pháp được coi là triệt để để nhanh chóng dập tắt dịch là tiêu hủy. Thậm chí, một số nơi còn đẩy việc tiêu hủy lên thành phong trào, huy động cả hệ thống chính trị vào công tác tiêu hủy lợn dịch. Chính điều này đã dẫn đến không ít nơi lạm dụng việc tiêu hủy, lợn chỉ cần có triệu chứng ốm, chưa cần kết luận bệnh gì cũng tiêu hủy.

Cục trưởng Cục Thú y, ông Bùi Quang Anh thừa nhận: “Trong công văn hướng dẫn tiêu hủy lợn bệnh ghi rõ, chỉ tiêu hủy triệt để đối với ổ dịch ban đầu mới phát sinh trên địa bàn. Với những ổ dịch phát sinh sau đó, chỉ tiêu hủy những con bị bệnh quá nặng không thể phục hồi, những con khác tách ra nuôi dưỡng. Song, nhiều địa phương lạm dụng chuyện tiêu hủy, chỉ thấy lợn bỏ ăn là xử lý luôn”.

Nguy cơ cả nước bùng phát dịch “tai xanh”
Nguy cơ cả nước bùng phát dịch “tai xanh”

Xung quanh việc tiêu hủy hay không tiêu hủy cũng có khá nhiều ý kiến trái chiều. Vì hiện nay, giá cả đắt đỏ, người nông dân không có thu nhập trong khi phải đưa lợn đi tiêu hủy. Và, mặc dù chúng ta vẫn áp dụng việc tiêu hủy, thậm chí có nơi hủy tới mức cực đoan, nhưng dịch bệnh vẫn cứ lan rộng ra cả 3 miền.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cũng đưa ra 3 phương án: giết mổ, chế biến chín tại chỗ rồi mới mang tiêu thụ; hoặc với những con nhẹ có thể tách ra chữa trị, theo dõi chặt chẽ và thứ 3 là sử dụng vaccine. Song, xem ra, cả 3 phương án trên đều đi vào bế tắc. Bởi, nếu cho chế biến chín rồi mới đem tiêu thụ nói thì có tính khả quan, nhưng làm rồi mới thấy trăm cái khó.

Những phụ phẩm: tiết, lông... không xử lý kỹ sẽ làm bệnh lây lan nhanh hơn. Mặt khác, ông Bùi Quang Anh cũng cho rằng: “Chúng ta không thể chế biến lợn bệnh thành thực phẩm tiêu dùng. Hơn nữa, thực phẩm luộc chín lại có nguồn gốc bệnh tật cũng không ai dám sử dụng, các cơ sở chế biến cũng sợ ảnh hưởng thương hiệu không dám làm.

Các địa phương lại lạm dụng việc này thì càng khiến tình hình dịch bệnh phức tạp gấp nghìn lần hiện nay. Trước kia, chúng tôi cũng đã thử nghiệm, đem lóc thịt làm ruốc nhưng không khả thi”. Còn giữ lại để chữa trị, tránh lãng phí liệu có làm được triệt để, hay sẽ rơi vào tình trạng cũng chỉ vì giữ lại chữa trị mà làm cho dịch bùng phát nhanh không kịp trở tay. Hơn nữa, khi lợn đã mắc bệnh “tai xanh”, nếu chữa khỏi thì virus bệnh vẫn lưu trong cơ thể, có thể truyền sang bào thai, và vẫn có khả năng phát tán virus.

Cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam đang được tính đến

Lý giải về việc dù đã thực hiện tiêu hủy nhưng dịch bệnh vẫn lây lan ra các tỉnh, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, chính việc vận chuyển đã làm dịch lây lan mạnh như hiện nay. Thứ trưởng Bùi Bá Bổng cảnh báo: “Nếu trong thời gian tới, chúng ta không làm tốt việc kiểm soát vận chuyển thì cả nước sẽ phát dịch”. Trước sự chênh lệch về giá cả, nhiều tỉnh có hiện tượng bán chạy lợn, thậm chí xe chở khách cũng được vận dụng vào vận chuyển lợn vì lợi nhuận còn cao hơn chở khách.

Với một xe 17 chỗ, nếu vận chuyển một chuyến trót lọt có thể thu lãi 20 triệu đồng. Tình trạng này sẽ càng trở nên phức tạp hơn khi mà hiện nay, tại những tỉnh có dịch, không ít trang trại có lợn đến kỳ xuất thịt đề nghị được tiêu thụ, nếu không sẽ phá sản. Rồi, không ít chốt kiểm dịch trở nên vô hiệu khi không có lực lượng công an ở đó. Bộ NN&PTNT cũng đang bàn đến phương án cấm vận chuyển lợn từ Bắc vào Nam và ngược lại để hạn chế việc phát tán virus.

Bên cạnh đó, một vấn đề cũng đáng phải bàn đến là công tác tuyên truyền đến người chăn nuôi. Mặc dù, bệnh lợn “tai xanh” xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1997, đã qua 11 năm với 3 đợt dịch. Song, không ít người chăn nuôi vẫn chưa nắm được triệu chứng lâm sàng của loại bệnh nguy hiểm này.

Người chăn nuôi vẫn khá hồn nhiên hỏi lại “sao gọi là bệnh tai xanh mà có thấy tai xanh đâu, nên không biết”. Với nhiều người chăn nuôi, đây vẫn là bệnh mới. Một khó khăn nữa trong công tác phòng chống dịch nói chung của chúng ta hiện nay, cứ tiêu hủy khi có dịch, hết dịch là thôi. Không có bất kỳ một sự đánh giá nào để có thể làm bài học kinh nghiệm trong công tác chống dịch cho giai đoạn sau.

Như vậy, với 4 tỉnh miền Bắc đã bị dịch, 4 tỉnh có quy mô chăn nuôi lớn tại đồng bằng sông Hồng thì nguy cơ cả nước phát dịch như nhận định của Thứ trưởng Bùi Bá Bổng là có cơ sở. Và, thực tế đã và sẽ trả lời cho kiểu phòng chống dịch kiểu phong trào, nửa vời, động đâu sai đó như hiện nay.

Ngân Tuyền